VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT | Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 1997 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC KIỂM SÁT PHỤC VỤ NHIỆM VỤ ĐẤU TRANH CHỐNG BUÔN LẬU TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều Chỉ thị, Nghị quyết về đấu tranh chống buôn lậu, như: Chỉ thị số 15/CT của Bộ Chính trị, Quyết định số 114/TTg, Chỉ thị số 701/TTg của Thủ tướng Chính phủ... Các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng tổ chức thực hiện và đã thu được một số kết quả.
Tuy vậy, tình hình buôn lậu vẫn tiếp tục diễn ra nghiêm trọng, đáng lưu ý là tình trạng buôn lậu xảy ra trên biển, trên các tuyến biên giới đường bộ Tây Nam và phía Bắc. Hoạt động của bọn buôn lậu được thực hiện với các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Chúng móc nối với các lực lượng chống buôn lậu, tạo vỏ bọc che chắn để làm ăn lâu dài, tạo đường dây chống lại sự phát hiện của các cơ quan chức năng, núp bóng các đơn vị, cơ quan Nhà nước để hoạt động, chia lời... Đặc biệt trong những năm tháng gần đây hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại qua các cảng lớn đã phát hiện thấy có sự móc nối, tiếp tay của bọn buôn lậu nước ngoài. Tính chất, quy mô, thủ đoạn buôn lậu và gian lận thương mại xảy ra ở mức cao hơn trước, nhiều vụ bị bắt giữ hàng hoá có giá trị rất lớn.
Tình hình trên đã gây ra hậu quả nguy hại về kinh tế - xã hội cản trở quá trình phát triển lành mạnh của nền kinh tế đất nước. Nguyên nhân của tình hình trên đây có nhiều, trong đó có các nguyên nhân quan trọng sau đây:
- Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực xuất nhập khẩu bị buông lỏng. Cơ chế chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thiếu đồng bộ, nhất quán. Một số cơ quan chức năng đã làm ngơ, thậm chí tạo điều kiện, tiếp tay bảo kê cho bọn buôn lậu.
- Các cơ quan có chức năng trong việc đấu tranh chống buôn lậu chưa phối hợp đồng bộ. Việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án buôn lậu chưa kịp thời và xử lý không nghiêm, không triệt để.
Ngày 11-10-1997 Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 583 về "đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới". Để góp phần cùng các ngành, các cấp đấu tranh có hiệu quả đối với bọn buôn lậu. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc các tổ chức triển khai thực hiện ngay một số công tác cấp bách sau đây:
1. Tổ chức quán triệt cho toàn thể cán bộ, kiểm sát viên trong đơn vị nhận thức đầy đủ về sự nguy hại của nạn buôn lậu và xác định việc đấu tranh chống buôn lậu là nhiệm vụ quan trong, thường xuyên của Nhà nước ta, của ngành kiểm sát.
Phải thường xuyên tổ chức vận động, tuyên truyền giáo dục cho toàn thể cán bộ, kiểm sát viên về nhiệm vụ và trách nhiệm tham gia tích cực trong cuộc đấu tranh này. Lập kế hoạch phấn đấu xây dựng đơn vị trong sạch vững mạnh. Từ cán bộ, kiểm sát viên phải phấn đấu nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, rèn luyện phẩm chất đạo đức trong sáng, không tính toán vụ lợi, không buôn lậu, không móc nối, tiếp tay cho bọn buôn lậu. Có các biện pháp ngăn chặn có hiệu quả xử lý kịp thời và nghiêm minh đối với những cán bộ có biểu hiện tiêu cực.
2. Các Viện kiểm sát thuộc địa bàn tỉnh biên giới đường bộ phía Bắc, Tây Nam, ven biển và các cảng lớn phải có kế hoạch cụ thể việc tổ chức phối hợp chặt chẽ với các lực lượng: Hải quan, Bộ đội biên phòng, Công an, Quản lý thị trường. Thuế vụ... trong công tác đấu tranh chống buôn lậu.
Quá trình thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật nếu phát hiện những văn bản quy định của ngành, địa phương... có vi phạm pháp luật tạo sơ hở để bọn buôn lậu lợi dụng thì phải kháng nghị để kịp thời sửa đổi, bổ sung.
3. Các Viện kiểm sát cần tổ chức nắm và quản lý chặt chẽ, xử lý kịp thời các tin báo về tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại. Phân công kiểm sát viên trực tiếp quan hệ với cơ quan Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Thuế vụ, Quản lý thị trường... để nắm tình hình phân loại xử lý kịp thời những tin báo về tội phạm buôn lậu đã nắm được. Những vụ việc có dấu hiệu tội phạm phải được chuyển ngay tới cơ quan điều tra yêu cầu kiểm tra, xác minh. Nếu có tội phạm phải khởi tố, điều tra; Nếu cơ quan điều tra không khởi tố điều tra thì Viện kiểm sát khởi tố và yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra theo luật định.
Khi tiến hành kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử cần chú ý quán triệt điểm xử lý nghiêm minh kịp thời các vụ án buôn lậu, gian lận thương mại. Các phương tiện vận chuyển hàng lậu đều phải bị xử lý theo pháp luật. Chủ phương tiện và thủ trưởng đơn vị có phương tiện đó cũng bị xử lý theo đúng mức độ vi phạm. Tang vật của các vụ án đều bị tịch thu và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
4. Tổ chức rà soát và nắm lại toàn bộ số vụ án buôn lậu mà đơn vị đang thụ lý. Phân loại từng vụ án theo giai đoạn của tố tụng hình sự để có kế hoạch chỉ đạo giải quyết theo thời hạn luật định. Những vụ án buôn lậu có tổ chức, số lượng hàng buôn lậu lớn, cần chủ động phối hợp thống nhất với cơ quan điều tra, toà án ở địa phương để tập trung phương tiện và lực lượng làm nhanh, dứt điểm trong thời hạn sớm nhất. Đối với những vụ án tồn đọng phải chủ động phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm họp bàn tìm cách tháo gỡ và giải quyết dứt điểm, không để kéo dài.
Quá trình giải quyết các vụ án buôn lậu các Viện kiểm sát chú ý nghiên cứu, phát hiện, tập hợp những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu để kiến nghị khắc phục. Đối với các vụ án buôn lậu, có số hàng phạm pháp lớn, các vụ án có liên quan đến nội bộ các cơ quan Nhà nước cần phải bàn trong tập thể lãnh đạo Viện kiểm sát để quyết định.
Vụ KSĐT án kinh tế Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm tập hợp tình hình, theo dõi và báo cáo kết quả công tác kiểm sát phục vụ nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu trong toàn ngành.
| Phạm Sĩ Chiến (Đã ký) |