Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Đồng Tháp, ngày 17 tháng 05 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ, GIỮ VỮNG VÀ NÂNG CAO ĐIỂM SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã trở thành tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá về năng lực, môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và các nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền. Đây cũng là nguồn thông tin hữu ích đối với các cấp quản lý trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, đồng thời là nguồn dữ liệu tham khảo đáng tin cậy cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Năm 2012, tuy được xếp hạng nhất về chỉ số PCI, nhưng các chỉ số thành phần của tỉnh chỉ đạt 63,79 điểm, thấp hơn so với các năm trước, nhất là các chỉ số về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý. Điều đó cho thấy mức độ hài lòng của doanh nghiệp đã suy giảm.

Để thực hiện tốt chủ trương của Tỉnh ủy, phấn đấu trong năm 2013 và những năm tới phải đạt tỉnh có chất lượng điều hành xuất sắc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1/ Đối với các ngành, các cấp

- Triển khai thực hiện nghiêm công văn số 252/VPUBND-PPLT ngày 26/09/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh và tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt hơn trong năm 2013. Đồng thời căn cứ vào kết quả các chỉ số thành phần PCI 2012, xây dựng kế hoạch cụ thể để cải thiện các chỉ số có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của ngành mình, địa phương mình.

- Phải chuyển nhận thức "Chính quyền đồng hành cùng Doanh nghiệp" thành hành động cụ thể trong xử lý công việc hàng ngày. Tích cực hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án. Từng bước "tối ưu hóa" các tiện ích để phục vụ doanh nghiệp và xã hội tốt hơn.

- Từng cơ quan, đơn vị phải soát xét lại thủ tục hành chính, quan hệ giải quyết thủ tục giữa các ngành, các cấp, đề ra giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết. Tuyệt đối nghiêm cấm việc đặt ra các thủ tục ngoài quy định để nhũng nhiễu công dân, doanh nghiệp. Đồng thời thường xuyên giáo dục cán bộ, công chức về đạo đức công vụ, chuyển nhận thức và hành động từ "quản lý doanh nghiệp" sang "phục vụ doanh nghiệp, phục vụ tổ chức, công dân". Bố trí cán bộ giải quyết thủ tục hành chính thật sự am hiểu chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức công vụ và phải luôn đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp trong giải quyết các công việc có liên quan đến doanh nghiệp.

- Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nội bộ để hạn chế thấp nhất tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm chính nếu để cán bộ, công chức cơ quan mình nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

2/ Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Thực hiện ngay 1 cửa liên thông trong cấp Chứng nhận đầu tư đồng thời với Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong thời hạn 15 ngày làm việc (nếu dự án không thuộc diện thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư).

- Cập nhật thường xuyên, đầy đủ tài liệu về lĩnh vực kế hoạch, đầu tư của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh lên trang thông tin điện tử của Sở, Chuyên mục Diễn đàn Doanh nghiệp Cổng thông tin điện tử Đồng Tháp.

- Chủ động phối hợp với các cơ quan nội chính nghiên cứu và tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh giải pháp cải thiện chỉ số về thiết chế pháp lý.

2/ Ban quản lý Khu kinh tế

- Thực hiện cơ chế 1 cửa liên thông trong cấp giấy chứng nhận đầu tư đồng thời với Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời hạn 15 ngày làm việc (nếu Dự án không thuộc diện thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư).

- Thực hiện đúng quy định trong cấp Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài theo ủy quyền của Sở Lao động - Thương binh và xã hội.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vấn đề về bảo hiểm, môi trường, lao động. Thường xuyên tiếp xúc, nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, để kịp thời tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

4/ Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Du lịch và Đầu tư

- Triển khai thực hiện tốt Đề án nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, thị trường, cơ hội kinh doanh và mở rộng mạng lưới phân phối.

- Tăng cường quảng bá hình ảnh của địa phương, giới thiệu môi trường kinh doanh, đầu tư.

- Chủ động tiếp nhận những vướng mắc, kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp về thủ tục hành chính trong đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh, để phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp hỗ trợ phù hợp.

5/ Sở Khoa học và Công nghệ

- Thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Tạo điều kiện phát triển thị trường khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai thực hiện dự án "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2012-2015 định hướng đến 2020".

- Đẩy mạnh ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, công bố kết quả công nhận đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng để nhân dân, doanh nghiệp giám sát thực hiện.

6/ Sở Tài nguyên và Môi trường

- Cải tiến thủ tục hành chính về đất đai cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác khảo sát địa điểm, thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, thu hồi đất, thủ tục để nhà đầu tư thương lượng thỏa thuận đền bù đất...

- Công bố quy hoạch sử dụng đất theo quy định bao gồm: quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, huyện, xã, trong đó chú trọng đến các công trình, dự án phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mục đích sản xuất, kinh doanh.

- Thường xuyên rà soát các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đề xuất thu hồi đất đối với các dự án không triển khai; đồng thời có biện pháp thúc đẩy các dự án chậm triển khai vì lý do khách quan.

- Phối hợp với Trung tâm Phát triển Quỹ nhà đất, Ủy ban nhân dân cấp huyện chuẩn bị mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, tạo quỹ đất xây nhà ở công nhân. Thông tin về quỹ đất, giá cho thuê đất, bố trí quỹ đất khoa học, hợp lý để thu hút các dự án đầu tư có tính khả thi, tích cực phối hợp trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ đầu tư dự án, gắn việc đầu tư sản xuất kinh doanh với bảo vệ và cải thiện môi trường.

7/ Ngành thuế

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến, công khai, minh bạch tài liệu pháp lý. Triển khai kịp thời, đầy đủ các văn bản pháp luật về thuế, thường xuyên hướng dẫn, tập huấn và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính về thuế.

- Nâng cao năng lực hoạt động của Tổ "Một cửa", tăng cường giáo dục, kết hợp với kiểm tra xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

- Thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch các chính sách về thuế.

8/ Ngân hàng nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp

- Có giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển thị trường tín dụng trên địa bàn, mở rộng phạm vi và nâng cao hoạt động Tổ tư vấn thủ tục vay vốn, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nguồn tài chính, tín dụng dễ dàng, thuận lợi.

- Bảo đảm cho doanh nghiệp thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi về lãi suất, tín dụng của Trung ương.

9/ Sở Lao động - Thương binh và xã hội.

- Tiếp tục hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ giới thiệu việc làm. Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống thông tin về thị trường lao động. Tổ chức gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, ký kết với doanh nghiệp chương trình phối hợp đào tạo ở cả 3 cấp trình độ: cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề theo địa chỉ sử dụng.

- Tổ chức khảo sát đánh giá nguồn lao động, nhu cầu sử dụng lao động của tỉnh, tham mưu xây dựng cơ chế khuyến khích xã hội hóa về đào tạo nghề.

10/ Sở Nội vụ

- Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh lập nhóm nghiên cứu, thực hành chỉ số năng lực cạnh tranh. Trong nhóm nghiên cứu phải có ít nhất 50% là doanh nghiệp.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thay đổi lề lối làm việc, công khai các thủ tục hành chính của từng ngành, lĩnh vực; kịp thời phát hiện những thủ tục không phù hợp, phức tạp, phiền hà, đề xuất loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung. Tăng cường giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị, đảm bảo không gây khó khăn đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Rà soát, bố trí, đào tạo lại cán bộ ở bộ phận một cửa, bảo đảm đội ngũ cán bộ, công chức được chuẩn hóa và thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng tiếp xúc, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp.

11/ Các cơ quan tư pháp

- Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các Đoàn Luật sư, Công ty Luật, các tổ chức tư vấn pháp lý trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp.

- Nâng cao chất lượng trong hoạt động xét xử các vụ kiện của doanh nghiệp, tạo sự tin tưởng của doanh nghiệp vào hệ thống thiết chế pháp lý. Xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức gây khó dễ, nhũng nhiễu doanh nghiệp.

- Có cơ chế giám sát và kiểm tra định kỳ để bảo đảm mọi khiếu kiện đều được ghi nhận và trả lời thỏa đáng cho doanh nghiệp. Phối hợp tốt với các ngành, các cấp trong việc thanh tra, kiểm tra, tránh trùng lắp làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của doanh nghiệp.

12/ Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng, củng cố bộ máy chính quyền cấp xã "năng động, sâu sát, thân thiện", lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là mục tiêu vươn tới và là thước đo cho việc hoàn thành nhiệm vụ của mình.

- Chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư theo tiến độ dự án. Đồng thời thường xuyên tiếp xúc, nắm tình hình hoạt động và có giải pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực, giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương mình.

Việc thực hiện các giải pháp để duy trì chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một nhiệm vụ rất quan trọng; yêu cầu các ngành, các cấp nâng cao nhận thức và gắn với trách nhiệm người đứng đầu, tiến hành phân tích, đánh giá những nhân tố ảnh hưởng đến chỉ số PCI để đưa ra giải pháp cụ thể, khả thi nhằm cải thiện môi trường đầu tư, cùng nhau xây dựng một chính quyền phục vụ, lấy sự hài lòng của xã hội làm thước đo mức hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi người trong bộ máy nhà nước.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:

- VPCP I, II;
- TT/TU, TT/HĐND Tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT/UBND Tỉnh;
- Các sở, ban, ngành Tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- LĐVP, CVNC/UBND Tỉnh;
- Lưu: VT, PTH (Phú).

CHỦ TỊCH




Lê Minh Hoan