ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-UBND | Trà Vinh, ngày 22 tháng 10 năm 2019 |
Rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu, với đặc tính bền, khó phân hủy, rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nhựa và túi ni lông ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi ni lông không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi ni lông thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm, đây là một gánh nặng dẫn đến thảm họa cho môi trường. Việc kiểm soát rác thải nhựa và túi ni lông đang trở thành vấn đề môi trường cấp bách hiện nay, cần nhiều giải pháp đồng bộ, lâu dài và thay đổi thói quen của cộng đồng. Trong lễ ra quân toàn quốc phát động phong trào chống rác thải nhựa ngày 09/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi, đặt quyết tâm chính trị cao, “phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”.
Tại tỉnh Trà Vinh, theo thống kê năm 2018 lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại các khu đô thị, khu dân cư nông thôn khoảng 371,73 tấn/ngày, được thu gom và xử lý 292,28 tấn/ngày đạt tỷ lệ 78,62%. Theo kết quả phân tích thành phần rác thải tháng 7/2019, thành phần túi ni lông, chai nhựa là 7,2%, tương đương với 26,764 tấn/ngày. Hưởng ứng lời kêu gọi và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chung tay với cộng đồng quốc tế ngăn chặn hiểm họa của ô nhiễm rác thải nhựa, để bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Yêu cầu và giải pháp thực hiện:
- Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị phải gương mẫu và tiên phong trong hưởng ứng thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa” với các hoạt động thiết thực như: Sử dụng các loại túi, giỏ dùng nhiều lần mỗi khi đi chợ, mua sắm; sử dụng hộp, ly, bình bằng thủy tinh, kim loại đựng thức ăn, nước uống để thay thế dần các đồ vật làm từ nhựa sử dụng một lần; sử dụng các sản phẩm sử dụng nhiều lần, các sản phẩm thân thiện với môi trường trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày,... tạo hiệu ứng để phong trào “Chống rác thải nhựa” lan rộng trên toàn tỉnh.
- Từ tháng 11/2019, tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh có kế hoạch cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và hoạt động khác, cụ thể: hạn chế sử dụng bìa sơ mi nhựa, túi nhựa đựng tài liệu, không sử dụng nước uống đóng chai có dung tích dưới 1.000 ml, ống hút trong công sở, trong các cuộc hợp, hội nghị, hội thảo, chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (khoảng 20 lít trở lên), sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần, dễ phân hủy, thân thiện với môi trường.
- Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động vận động người thân, gia đình sử dụng các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong sinh hoạt gia đình.
- Các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế trên địa bàn tỉnh áp dụng các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động y tế, thay thế bằng chất liệu thân thiện với môi trường đê bảo đảm an toàn cho người bệnh, cộng đồng và môi trường, thực hiện thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa ngay từ nơi phát sinh và tăng cường tái chế, xử lý chất thải y tế là nhựa đảm bảo đúng quy trình, quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của cơ quan, đơn vị; đồng thời, tại các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức truyền thông, hướng dẫn “Chống rác thải nhựa” thông qua các kênh truyền thông của đơn vị cho người bệnh và người nhà của bệnh nhân như: bảng tin, tờ rơi, bảng quy định, sinh hoạt với người bệnh, người nhà người bệnh.
- Ngành giáo dục, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên về tác hại của việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; phát động thu gom rác thải nhựa trong học đường; đồng thời, xem xét, bố trí các bình nước nóng lạnh và ly để học sinh, sinh viên uống nhằm giảm thiểu rác thải nhựa từ nước uống đóng chai.
- Ngành văn hóa, thể thao và du lịch thực hiện và tuyên truyền, vận động, đề nghị các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường; tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, “nói không với rác thải nhựa dùng một lần”, thay thế các vật dụng có chất liệu nhựa, ni lông bằng các vật dụng thân thiện với môi trường và sức khỏe như vải, giấy...; phát động du lịch vì môi trường xanh, sạch, hạn chế rác thải nhựa, túi ni lông; khuyến cáo du khách hạn chế tối đa dùng đồ nhựa một lần, góp phần tạo ra phong trào để người dân địa phương, nhân viên ngành du lịch, du khách nhận thức tác hại của rác thải nhựa, tiến đến dần giảm thiểu sử dụng và phát sinh rác thải nhựa, ni lông.
- Các địa phương phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, các nhà hàng, quán giải khát, điểm bán thức ăn nhanh trên địa bàn quản lý từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần; khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần, các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường, đặc biệt tại các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần; đồng thời, cam kết nói không với túi ni lông, các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần trong các hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.
- Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp, khu kinh tế cắt giảm sử dụng nhựa, giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và ni lông; tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường.
- Quán triệt, triển khai thực hiện tốt Văn bản số 766-CV/TU ngày 03/10/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường các biện pháp giải thiểu rác thải nhựa trong sinh hoạt, Chỉ thị số 48-CT/TU ngày 05/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự chỉ đạo của đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trong đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 10/6/2019 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TU ngày 05/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự chỉ đạo của đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trong đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
a) Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương tổ chức, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.
- Phối hợp Sở Công Thương, các Sở, ngành có liên quan và địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 toàn tỉnh không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
- Hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các ngành, các cấp, các tổ chức thực hiện Chỉ thị này; định kỳ tổng hợp, theo dõi và báo cáo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả thực hiện Chỉ thị này.
b) Sở Công Thương:
- Chủ trì, phối hợp Sở ngành và địa phương có liên quan tổ chức đánh giá hiện trạng sử dụng, phát thải túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; vận động, khuyến khích các chủ cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ sử dụng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường trong hoạt động kinh doanh thay thế cho việc sử dụng túi ni lông và các vật dụng từ nhựa khó phân hủy; hỗ trợ, giới thiệu việc sử dụng sản phẩm bao gói, túi xách thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông sử dụng một lần.
- Nghiên cứu và triển khai các giải pháp hạn chế rác thải nhựa trong ngành công thương trên địa bàn tỉnh; vận động các doanh nghiệp ký cam kết phòng chống rác thải nhựa trong sản xuất, kinh doanh.
c) Sở Giáo dục và Đào tạo: Phát động phong trào “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, tổ chức các hoạt động, cuộc thi về tác hại của việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
d) Sở Y tế: Tổ chức tuyên truyền, vận động, triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa” trong ngành y tế; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa trong các hoạt động của ngành, đơn vị, trong đó tập trung thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo, lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 của Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.
đ) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp với các với các Sở, ngành có liên quan và địa phương tổ chức thực hiện việc thu gom, xử lý bao bì chứa đựng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sau sử dụng trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh;
- Tuyên truyền, vận động người nông dân sử dụng các sản phẩm bao bì, các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy trong sản xuất nông nghiệp; Hướng dẫn, chuyển giao cho nông dân kỹ thuật, mô hình canh tác mới, mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, bền vững thân thiện với môi trường, sản xuất theo quy trình an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường.
e) Sở Tài chính: Từ năm 2020 trở đi, không đề xuất, bố trí kinh phí cho các khoản chi để mua các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan trong việc cân đối, bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Chỉ thị này.
g) Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh, Báo Trà Vinh: Tăng cường nội dung tuyên truyền về phong trào “Chống rác thải nhựa”, tác hại của bao bì ni lông và sản phẩm nhựa khó phân hủy đến môi trường và sức khoẻ con người; các mô hình sử dụng các sản phẩm thay thế túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần trên địa bàn tỉnh.
h) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Trà Vinh và các hội, đoàn thể: Tổ chức tuyên truyền sâu rộng phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” lồng ghép thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni lông; từ đó thay đổi thói quen, từng bước hạn chế sử dụng và tiến tới nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy.
i) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Căn cứ tình thực tế của địa phương mình xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Chống rác thải nhựa”; phát động phong trào mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”.
- Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đăng ký tham gia thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, tiến tới hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Kế hoạch 232/KH-UBND năm 2019 về phòng chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn Thành phố Hà Nội
- 2 Quyết định 1660/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Kế hoạch hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa tỉnh Bến Tre
- 3 Chỉ thị 08/CT-BYT năm 2019 về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 4 Kế hoạch 185/KH-UBND năm 2019 về giảm thiểu sử dụng và phòng chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 5 Kế hoạch 61/KH-UBND năm 2019 thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- 6 Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT quy định về quản lý chất thải y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 1 Kế hoạch 61/KH-UBND năm 2019 thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- 2 Kế hoạch 185/KH-UBND năm 2019 về giảm thiểu sử dụng và phòng chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 3 Kế hoạch 232/KH-UBND năm 2019 về phòng chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn Thành phố Hà Nội
- 4 Quyết định 1660/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Kế hoạch hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa tỉnh Bến Tre
- 5 Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 6 Kế hoạch 193/KH-UBND năm 2021 về giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025