VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-VKSTC | Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2022 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH, TÀI SẢN CÔNG TRONG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN
Trong những năm qua, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 05/4/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc tăng cường công tác quản lý tài chính và kết quả đã có bước chuyển biến rõ rệt, nguồn kinh phí được cấp đã bảo đảm tốt hơn hoạt động thường xuyên, hoạt động đặc thù thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành; hệ thống trụ sở làm việc được đầu tư mới hoặc cải tạo, mở rộng cơ bản đáp ứng diện tích làm việc, diện tích chuyên dùng và ngày càng khang trang, hiện đại hơn; trang thiết bị và phương tiện làm việc từng bước đáp ứng yêu cầu công tác; công tác quản lý tài chính, tài sản công ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cụ thể như: khâu lập dự toán chưa sát nhiệm vụ chi, thiếu thuyết minh cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn; lựa chọn đơn vị tư vấn của một số dự án đầu tư năng lực còn hạn chế dẫn đến đến chậm tiến độ thi công; việc theo dõi, hạch toán tài sản tại một số đơn vị chưa đầy đủ, chi tiết ...
Để tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý tài chính, tài sản công, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn kinh phí và cơ sở vật chất Nhà nước giao, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Thủ trưởng, người đứng đầu các cấp kiểm sát phải:
1. Nêu cao trách nhiệm trong công tác này, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về quản lý tài chính, tài sản công theo Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, các quy định của pháp luật có liên quan và quy định của Ngành để bảo đảm công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công được chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định.
2. Chú trọng chất lượng, hiệu quả công tác lập dự toán ngân sách nhà nước: lập dự toán phải căn cứ hướng dẫn của các bộ, ngành và của Ngành, căn cứ khả năng ngân sách, bảo đảm đáp ứng nhiệm vụ chính trị và thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ Nhà nước đã ban hành, nhất là các chế độ chi cho con người, thuyết minh đầy đủ căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn. Phân bổ, giao dự toán trong phạm vi dự toán được giao; điều hành chi ngân sách nhà nước phải căn cứ các chế độ, chính sách, tiêu chuẩn và định mức chi theo quy định của Nhà nước và của Ngành.
3. Triển khai thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác đầu tư xây dựng đúng trình tự, thủ tục, quy mô đầu tư theo quy định của pháp luật và của Ngành; rà soát kỹ các dự án trình phê duyệt chủ trương đầu tư và có báo cáo nghiên cứu khả thi cụ thể, đầy đủ đảm bảo triển khai thực hiện được, tránh trường hợp dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng không triển khai được; triển khai tổ chức lựa chọn các nhà thầu phải bảo đảm công bằng, cạnh tranh, công khai theo đúng quy định của Luật Đấu thầu để lựa chọn đơn vị có năng lực và uy tín; nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp vào hoạt động đấu thầu gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Thủ trưởng đơn vị có dự án đầu tư, chủ đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm của Người đứng đầu trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công hằng năm gắn với việc tuân thủ các trình tự thủ tục về đầu tư, đấu thầu và phân cấp, uỷ quyền theo quy định của Nhà nước và của Ngành, bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tiến độ thực hiện dự án và giải ngân kế hoạch vốn được giao.
4. Chấp hành nghiêm các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo tính minh bạch, công khai trong mua sắm, quản lý, khai thác, sử dụng và xử lý tài sản công được giao; sử dụng tài sản công đúng mục đích, công năng, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện nghiêm chế độ kiểm kê, thống kê, hạch toán kế toán tài sản công theo quy định hiện hành; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công của đơn vị cho phù hợp với các quy định mới của pháp luật và của Ngành; đẩy nhanh việc báo cáo kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất phải thực hiện sắp xếp để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
5. Việc xây dựng các đề tài, đề án phải bảo đảm thực chất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác. Dự toán kinh phí cho việc nghiên cứu, xây dựng đề tài, đề án phải được tính toán chặt chẽ, bảo đảm chế độ, định mức chi theo quy định của Nhà nước và của Ngành. Không đề xuất phê duyệt và cấp kinh phí cho những đề tài, đề án không thiết thực hoặc các đề tài, đề án có nội dung thuộc công việc thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
6. Nâng cao chất lượng công tác kế toán, quyết toán: Quản lý chặt chẽ các khoản thu, chi tài chính, nghiêm cấm để các khoản thu ngoài sổ sách kế toán; tổ chức hạch toán kế toán, báo cáo và quyết toán ngân sách theo đúng quy định của Nhà nước; việc hạch toán thu, chi và thanh, quyết toán các khoản kinh phí phải đảm bảo đầy đủ thủ tục, chứng từ theo quy định của pháp luật, phản ánh đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trên hệ thống sổ kế toán và báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán của đơn vị. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Quy chế chi tiêu nội bộ cho phù hợp với các quy định mới của pháp luật, của Ngành và thực tế của đơn vị để quản lý, sử dụng chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả kinh phí được giao. Thực hiện nghiêm chế độ công khai tài chính, về tiết kiệm chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định.
7. Tăng cường công tác hướng dẫn, công tác kiểm tra (kiểm tra đột xuất, kiểm tra chuyên đề) và công tác tự kiểm tra việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công; kiểm tra việc thực hiện phân cấp, uỷ quyền trong công tác đầu tư, việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm. Kịp thời phát hiện, giải quyết vướng mắc phát sinh, khắc phục triệt để tồn tại trong công tác quản lý tài chính, tài sản công đã được các cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện và xử lý nghiêm khi có vi phạm.
Giao Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính phối hợp với Chánh Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo kết quả việc thực hiện Chỉ thị. Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 05/4/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao./.
| VIỆN TRƯỞNG |
- 1 Chỉ thị 07/CT-VKSTC năm 2016 về tăng cường công tác quản lý tài chính trong ngành kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 2 Quyết định 4290/QĐ-TLĐ năm 2022 quy định về thu, chi, quản lý tài chính, tài sản tại công đoàn cơ sở do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
- 3 Quyết định 496/QĐ-BTP năm 2022 quy định về phân cấp, ủy quyền quản lý tài chính, tài sản công, mua sắm hàng hóa, dịch vụ, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư công của Bộ Tư pháp
- 4 Hướng dẫn 47/HD-TLĐ năm 2021 thực hiện quy chế quản lý tài chính, tài sản công đoàn và chế độ kế toán đối với công đoàn cơ sở do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
- 5 Quyết định 2469/QĐ-BTC năm 2022 sửa đổi Điều 3 Quyết định 1206/QĐ-BTC về phân cấp, ủy quyền quản lý tài chính, tài sản công, đầu tư xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin và kiểm tra, kiểm toán nội bộ trong đơn vị dự toán ngân sách thuộc Bộ Tài chính