Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/1999/CT-BYT

Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 1999 


CHỈ THỊ

 VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỐNG NHIỄM KHUẨN BỆNH VIỆN

Năm 1997 Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành quyết định số 1895/1997/BYT – QĐ về việc ban hành Quy chế bệnh viện. Sau hai năm Quy chế bệnh viện được ban hành, nhiều bệnh viện đã tổ chức triển khai thực hiện tốt Quy chế chống nhiễm khuẩn và Quy chế công tác khoa Chống nhiễm khuẩn, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện còn lúng túng trong việc triển khai tổ chức thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm quy chế chống nhiễm khuẩn, chưa đảm bảo vô khuẩn trong quy trình kỹ thuật chăm sóc và điều trị.

Để tăng cường công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện, nhằm đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị:

Thủ trưởng các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước có trách nhiệm tổ chức triển khai học tập và thực hiện quy chế chống nhiễm khuẩn.

Các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức ngay khoa Chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện, theo đúng quy chế công tác khoa Chống nhiễm khuẩn đã được quy định trong Quy chế bệnh viện được ban hành kèm theo quyết định số 1895/ 1997/ BYT - QĐ ngày 19/09/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Nhiệm vụ cụ thể của khoa Chống nhiễm khuẩn bệnh viện do Giám đốc bệnh viện giao, dựa trên chức năng nhiệm vụ của khoa Chống nhiễm khuẩn quy định tại Quy chế công tác khoa Chống nhiễm khuẩn trong Quy chế bệnh viện.

Biên chế của khoa Chống nhiễm khuẩn do Giám đốc bệnh viện xác định dựa trên tổng số biên chế của bệnh viện được giao hàng năm.

Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn có trách nhiệm tổ chức, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện quy chế Chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện, tổng hợp và báo cáo Giám đốc về kết quả thực hiện quy chế, đồng thời đề xuất giải pháp khắc phục những tồn tại trong thực hiện quy chế.

Nhận được Chỉ thị này, Giám đốc các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các bệnh viện và Viện trưởng các Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, Giám đốc bệnh viện các ngành, Giám đốc các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức triển khai ngay và báo cáo kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc ( nếu có ) về Bộ Y tế ( Vụ Điều trị ) để nghiên cứu và giải quyết kịp thời.

Vụ trưởng Vụ Điều Trị có trách nhiệm phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Y học cổ truyền, Vụ Bảo vệ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hoá gia đình, Vụ Pháp chế và các Vụ có liên quan để tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị này và báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị với Bộ trưởng Bộ Y tế trước ngày 15 tháng 12 năm 1999.

 


Nơi nhận:

- Văn phòng Chính phủ (KGVX, Công báo),
- Các Đ/c Thứ trưởng ( để biết và chỉ đạo ),
- Các Vụ, Cục, Văn phòng, Thanh tra Bộ Y tế,.
- Các bệnh viện và Viện trực thuộc Bộ
- Các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,
- Y tế ngành,
- Cục Quân y - Bộ Quốc phòng,
- Cục Y tế - Bộ Công an,
- Lưu ĐTr.
- Lưu PC
- Lưu trữ.

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
 



Đỗ Nguyên Phương