Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG NGHIỆP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2003/CT-BCN

Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS VÀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MA TÚY, MẠI DÂM

Tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS mấy năm trở lại đây tăng nhanh và trở thành quốc nạn, là kẻ thù nguy hiểm, là thảm họa đối với đất nước, có nguy cơ đối với nòi giống, nó đã thâm nhập nghiêm trọng vào đội ngũ công nhân viên chức và lao động làm ảnh hưởng đến sản xuất, sức khỏe suy kiệt. Tội phạm gia tăng, hạnh phúc nhiều gia đình bị tan vỡ. Trong số người nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS có đủ các thành phần từ kỹ sư, bác sỹ, nhà giáo, công chức Nhà nước, cán bộ quản lý, công nhân... Thậm chí có người lao động không chỉ nghiện ma túy mà còn tiếp tay hoặc trực tiếp tham gia vào việc buôn bán, vận chuyển, phát tán ma túy, ảnh hưởng tới mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân để đáp ứng yêu cầu Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thực hiện Quyết định số 150/2000/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2000 về việc phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống ma túy giai đoạn 2001-2005; Quyết định số 151/2000/TTg ngày 28 tháng 12 năm 2000 về việc phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2001-2005 và Chỉ thị số 02/2003/CT-TTg ngày 24/02/2003 về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS của Thủ tướng Chính phủ. Bộ yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện những điêu sau đây:

1. Từng cơ quan, doanh nghiệp tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Xây dựng kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS và phòng ngừa nguy cơ lạm dụng ma túy tại nơi làm việc, phấn đấu đến năm 2005 có 70% số cơ quan xí nghiệp đơn vị không có người nghiện ma túy. Phát hiện sớm và tổ chức cai nghiện có hiệu quả cho công nhân, viên chức và người lao động mắc nghiện ma túy và bố trí công việc làm thích hợp tạo điều kiện cho người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng sau khi cai nghiện trở về. Hạn chế tới mức thấp nhất tác hại của ma túy và HIV/AIDS đối với sản xuất, đời sống của người lao động.

2. Tổ chức tuyên truyền rộng khắp trong cán bộ, công nhân, viên chức, lao động về Luật Phòng chống ma túy; Pháp lệnh Phòng, chống vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Kiểm soát chặt chẽ quá trình tuyển dụng lao động vào cơ quan, xí nghiệp, tuyển sinh vào các trường; tăng cường công tác giáo dục phòng, chống ma túy trong học sinh, sinh viên; đưa vào chương trình chính khóa và ngoại khóa ở các trường đào tạo các nội dung giáo dục phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm; các trường xây dựng cơ chế để học sinh, sinh viên phát hiện, tố giác tội phạm ma túy trong trường. Nhằm ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm xâm nhập vào đơn vị. Làm sạch môi trường xung quanh, không để tội phạm ma túy lợi dụng, móc nối lôi kéo cán bộ công nhân vào các hoạt động tội phạm.

3. Các đơn vị tổng hợp tình hình, báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm của Bộ (Trung tâm Y tế-Môi trường lao động Công nghiệp là cơ quan thường trực) sáu tháng một lần. Có chế độ khen thưởng thích đáng đối với tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Tiền thưởng lấy từ quỹ khen thưởng của đơn vị.

Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm của Bộ có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Các CQ, DN thuộc Bộ,
- Thành viên Ban Chỉ đạo,
- Công đoàn Công nghiệp VN,
- Ủy ban QGPC AIDS và
PCTN MT, MD (để b/c),
- Lưu VP, TCCB.

K/T BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG




Châu Huệ Cẩm