Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2012/CT-UBND

Ninh Thuận, ngày 01 tháng 03 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN HIỆU QUẢ ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2007 - 2012”

Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; là điều kiện để phát huy nguồn lực con người. Công tác giáo dục liên quan mọi cấp, mọi ngành, mọi gia đình và toàn xã hội. Vì vậy, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là nhiệm vụ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể, là một bộ phận quan trọng đối với công tác cán bộ của Đảng.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hoá, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, tay nghề vững vàng, đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới giáo dục được xác định là mục tiêu hàng đầu trong công cuộc xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo của tỉnh nhà.

Thực hiện Chỉ thị số 40 CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (gọi tắt là Chỉ thị 40-CT/TW); ngày 12/01/2006, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 02-CTHĐ/TU về việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; ngày 04/02/2008, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 39/2008/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2007 - 1012”.

Được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp và sự phối kết hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể; qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án, tính đến cuối quý II năm 2011, cơ bản đã hoàn thành một số chỉ tiêu đề ra; trong đó, chỉ tiêu về đạt chuẩn giáo viên mầm non vượt 8,21%, trên chuẩn vượt 16,24%, trên chuẩn đối với giáo viên tiểu học vượt 33,83%. Tuy nhiên, dự kiến đến cuối năm 2012, một số chỉ tiêu khó có thể đạt được; đặc biệt là chỉ tiêu trên chuẩn về trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, giáo viên cấp trung học và giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm.

Nguyên nhân của các chỉ tiêu trên đạt thấp là do sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Một số đơn vị, địa phương thiếu chủ động trong việc lập kế hoạch, triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng hoặc ít quan tâm cử giáo viên đi học; chưa có giải pháp tích cực, đồng bộ để mang lại hiệu quả cao; việc tự học, tự nghiên cứu để trau dồi chuyên môn của các giáo viên còn hạn chế. Mặt khác, ở các trường thuộc cấp trung học, giáo viên một số bộ môn còn thiếu, nhiều giáo viên trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2007 - 1012”, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo:

- Các cấp quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục - đào tạo cần rà soát các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, đạo đức của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Trên cơ sở đó xây dựng, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp; kịp thời bổ sung và thay thế những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, thiếu năng động, sáng tạo trong quản lý; giới thiệu quy hoạch cán bộ dự nguồn hoặc đề bạt, bổ nhiệm những người có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên, có năng lực quản lý, phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, chịu khó học tập, nghiên cứu khoa học nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực quản lý. Sắp xếp, bố trí sử dụng một cách hợp lý hoặc giải quyết nghỉ việc theo chế độ đối với các trường hợp chưa đạt chuẩn.

- Xây dựng tiêu chuẩn, quy trình tuyển dụng công chức, viên chức theo quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng “đầu vào” nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng sau này; tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, sửa đổi các quy định về tuyển dụng không còn hợp lý đối với ngành đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng; đồng thời vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tuyển dụng.

- Vận động, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ quản lý, nhà giáo học tập nâng cao trình độ bằng nhiều hình thức phù hợp, tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học sư phạm; đặc biệt quan tâm các đối tượng giáo viên trẻ, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ khá, giỏi; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đãi ngộ hợp lý trong công tác đào tạo bồi dưỡng, nhằm thực hiện đồng bộ giữa các khâu: đánh giá - sàng lọc, đào tạo - bồi dưỡng, sử dụng - đãi ngộ; huy động mọi nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các nguồn kinh phí đào tạo của địa phương, tranh thủ nguồn kinh phí của Trung ương, chương trình học bổng do các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của ngành, đảm bảo đào tạo đúng đối tượng, có chất lượng và đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của ngành sau khi đào tạo.

- Tận dụng tối đa các chỉ tiêu được phân bổ từ nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực từ các dự án hoặc chương trình của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của địa phương cho công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành nhưng phải đảm bảo đúng chuyên môn, đúng vị trí việc làm, đáp ứng được yêu cầu giữa đào tạo và sử dụng.

- Xây dựng kế hoạch từng giai đoạn, từng năm, nhằm tập trung và tăng kinh phí cho đào tạo, bồi dưỡng từ ngân sách Trung ương và địa phương; nhất là đào tạo nâng chuẩn cho giáo viên các cấp và đào tạo trên chuẩn đối với đội ngũ giáo viên trung học; huy động nguồn lực, thực hiện xã hội hoá về đào tạo; vận động, khuyến khích cán bộ, giáo viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn bằng nhiều hình thức phù hợp; liên kết đào tạo ngoại ngữ, đào tạo thạc sĩ tại địa phương.

- Chỉ đạo Trường Cao đẳng Sư phạm chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nâng chuẩn đội ngũ giảng viên; khuyến khích, động viên, tạo mọi điều kiện về thời gian, điều kiện vật chất, chế độ chính sách cho cán bộ, giảng viên tham gia học tập nâng cao trình độ; phấn đấu đến năm 2012, trường có ít nhất 35%, năm 2015 có 40% cán bộ giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên; trong đó có ít nhất từ 2 đến 3 giảng viên có trình độ tiến sĩ; chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc thành lập Trường Đại học Ninh Thuận sau 2015. Nhà trường cần chủ động khảo sát tình hình thực tế của địa phương về nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; dự báo và đề xuất chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng hằng năm phù hợp với sự phát triển giáo dục của tỉnh nhà.

- Các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục - đào tạo cần rà soát đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để triển khai kế hoạch đào tạo - bồi dưỡng, xây dựng lộ trình, tăng cường kinh phí, khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi, cử cán bộ, giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng để đến cuối năm 2012 có tỉ lệ đạt chuẩn, trên chuẩn theo chỉ tiêu đã đề ra.

- Tăng cường công tác Đảng trong trường học, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 30/5/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chính trị tư tưởng; củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể, quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong các trường học; đặc biệt chú trọng phát triển Đảng cho đối tượng là cán bộ quản lý và cán bộ dự nguồn; xây dựng, củng cố tổ chức Đảng và các tổ chức xã hội, công tác phát triển đảng viên trong trường học.

2. Đối với các sở, ngành, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể:

a) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có liên quan tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn cao về công tác trong ngành Giáo dục và Đào tạo ở địa phương nhằm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nêu trong Chương trình hành động số 02-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy.

Lồng ghép các chương trình, đề án đào tạo nguồn nhân lực của địa phương, Trung ương với hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội trong chiến lược phát triển của tỉnh;

b) Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng hằng năm cho ngành Giáo dục và Đào tạo theo quy định; kịp thời giải quyết các chế độ chính sách đúng quy định cho các trường hợp được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước.

c) Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các hội, đoàn thể vận động, tuyên truyền phối hợp và hỗ trợ ngành Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trong quá trình phấn đấu thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

3. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo rà soát đội ngũ cán bộ, giáo viên các cấp học, xây dựng và triển khai kịp thời kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo thuộc cấp mình quản lý; giao chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cụ thể cho từng đơn vị cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ hằng năm, quan tâm chăm lo đời sống của cán bộ, giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất trường - lớp của các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn.

b) Chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo ưu tiên kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước đối với nhà giáo, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ nhà giáo tích cực học tập, nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao tỉ lệ chuẩn và trên chuẩn theo chỉ tiêu đã đề ra trong Đề án;

c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tích cực phối hợp với nhà trường trong công tác huy động học sinh đến lớp.

4. Tổ chức thực hiện: Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, chính quyền địa phương các cấp theo dõi, đôn đốc, tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân tỉnh hằng năm; đồng thời đề xuất ý kiến về những khó khăn, vướng mắc trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.

Yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Thanh