Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07-CT/NH6

Hà Nội, ngày 21 tháng 06 năm 1994

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ỔN ĐỊNH CƠ CẤU, TỶ LỆ CÁC LOẠI TIỀN TRONG LƯU THÔNG

Thời gian gần đây, nhu cầu về cơ cấu và tỷ lệ các loại tiền trong lưu thông có nhiều biến động phức tạp. Đi đôi với việc chủ động đưa vào lưu thông các loại tiền có mệnh giá lớn, Ngân hàng Nhà nước đã thu về một số loại tiền có mệnh giá nhỏ và vừa, cũ, nát khỏi lưu thông. Tình hình bội thu tiền mặt xuất hiện ở nhiều địa phương làm cho loại tiền 2.000 đồng (hiện đang chiếm tỷ lệ tiền trên 50% tổng số lưu hành) quay về Ngân hàng với số lượng ngày càng lớn. Một số Ngân hàng không chỉ đạo việc phân loại tuyển chọn tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông ngay từ khi thu tiền của khách hàng, mà để lẫn giữa tiền cũ và mới, giữa lành và rách, dẫn đến việc tập trung tiền về Ngân hàng Trung ương để tiêu huỷ gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tổ chức tuyển chọn lại, kéo dài thời gian tiêu huỷ, tăng chi phí bảo quản, kiểm điểm.

Thực hiện chủ trương làm sạch, đẹp tốt đồng tiền Việt Nam đang lưu hành, phấn đấu đảm bảo có một cơ cấu, tỷ lệ các loại tiền có mệnh giá hợp lý trong lưu thông, tiết kiệm chi phí trong toàn ngành, đặc biệt là chi phí phát hành, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các cấp, các đơn vị Ngân hàng trong toàn quốc thực hiện một số việc sau : 1. Tại các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Thương mại quốc doanh... cần hướng dẫn khách hàng tuyển chọn, phân loại tiền lành tiền rách ngay từ khâu nộp, sau đó tiếp nhận tuyển chọn, phân loại đóng bó theo đúng quy định. Đối với các loại tiền tồn quỹ nghiệp vụ, tồn quỹ diều hoà tiền mặt (nếu có) tại đơn vị mình cũng tiến hành việc tuyển chọn, phân loại tiền còn đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền rách nát chờ tiêu huỷ, cần chú ý các loại tiền đã có chủ trương thu rút về theo Điều 5 Chỉ thị 11-CT/NH ở ngày 20/08/1993 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì không phải tuyển chọn. Sau khi đã tuyển chọn xong, đối với các loại tiền còn đủ tiêu chuẩn lưu thông mà chưa có chủ trương thu hồi về, Giám đốc Chi nhánh, Ngân hàng Nhà nước xem xét quyết định việc tiếp tục đưa trở ra lưu thông theo tỷ lệ Ngân hàng Trung ương đã hướng dẫn.

Tại các đơn vị có khối lượng thu tiền mặt lớn, Thủ trưởng đơn vị cần sắp xếp, bố trí lực lượng kiểm ngân, tăng thêm phương tiện làm việc như máy đếm tiền, máy đóng bó... Không để tình trạng khách hàng mang tiền đến nộp mà Ngân hàng không thu kịp. Nếu xét thấy cần thiết có thể huy động cán bộ, nhân viên trong cơ quan làm thêm ngoài giờ để đảm bảo thu hết trong ngày. Về chi phí bồi dưỡng, giao cho Vụ phát hành và kho quỹ cùng Vụ Kế toán Tài chính có hướng dẫn cụ thể sau : - Sau khi tuyển chọn cân đối nhu cầu trên địa bàn, các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trực tiếp báo cáo về các kho tiền Trung ương số tiều còn đủ tiêu chuẩn lưu thông, số tiền rách nát chờ tiêu huỷ (phải coi đây là việc làm thường xuyên, đi vào nề nếp) để Ngân hàng Trung ương có kế hoạch điều hoà giữa các địa phương và điều chuyển về kho tiền Trung ương chờ tiêu huỷ. Ngân hàng Trung ương cũng sẽ cung ứng các loại tiền thích hợp cho địa phương (kể cả các loại tiền mới có mệnh giá nhỏ).

3. Các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện nghiêm việc thu nhận tiền đã lưu hành từ các Ngân hàng thương mại quốc doanh, của tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước một cách chặt chẽ (như điểm 1 nêu trên). Được từ chối không thu nhận những bó, bao tiền chưa tuyển chọn. Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ cung ứng kịp thời và đủ cơ cấu, tỷ lệ các loại tiền cho các Ngân hàng Thương mại, Kho bạc Nhà nước ưu tiên phát ra các loại tiền có mệnh giá lớn từ 5.000 đ trở lên. Về phía Ngân hàng Thương mại, các tổ chức tín dụng các cấp, cần giải thích, giáo dục anh chị em trực tiếp làm công tác tiền tệ, Kho quỹ khắc phục tình trạng vì ngại kiểm, đếm, chọn lọc, giao nhận, vận chuyển, không muốn tiếp nhận tiền nhỏ, tiền rách nát, nhầu cũ, gây tình trạng khó khăn trong lưu thông và khan hiếm tiền nhỏ trên địa bàn.

4. Tại các trọng điểm dân cư, bến tàu, bến xe... nếu xét thấy cần thiết, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cần tổ chức bàn, quầy đổi tiền lưu động, nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu tiền nhỏ trong lưu thông. Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Thủ tướng Ngân hàng các cấp triển khai thực hiện một cách nghiêm túc. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, cần phản ánh ngay về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ phát hành và Kho quỹ) để có hướng giải quyết.

 

 

KT. THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
PHÓ THỐNG ĐỐC




Nguyễn Ngọc Oánh