Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 

Số  07-CT/TW

Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2006

 

CHỈ THỊ

 

CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO ĐỐI VỚI CÔNG TÁC THƯƠNG BINH, LIỆT SỸ, NGƯỜI CÓ CÔNG VÀ PHONG TRÀO "ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA"

 

Phát huy truyền thống cao đẹp "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, những năm  qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và tổ chức vận động toàn dân tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tiếp tục xây dựng nét đẹp truyền thống trong đời sống văn hoá - xã hội của đất nước. Sau hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, đến nay, những vấn đề tồn đọng sau chiến tranh đã cơ bản được giải quyết.

Tuy nhiên, ở một số địa phương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách, chế độ đối với người có công chưa được quan tâm đúng mức, còn để xảy ra sai sót, tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội. Đời sống của một bộ phận gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng còn nhiều khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng. 

Năm 2007, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta sẽ kỷ niệm 60 năm  “Ngày thương binh, liệt sỹ” (27/7/1947- 27/7/2007), một sự kiện quan trọng  của đất nước, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ đảng và chính quyền, Mặt trận Tổ quốc  và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:

1- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc và những thành quả của công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng trong 60 năm qua.

2- Tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, trên cơ sở đó  từng địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình hành động tiến tới kỷ niệm  60 năm “ Ngày thương binh, liệt sĩ”.

3- Đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “ Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng”; ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" để giúp các gia đình chính sách khác phục khó khăn, cải thiện cuộc sống.

4- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các gia đình chính sách có nhiều khó khăn, người có công với cách mạng hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình chính sách ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng.

5- Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đồng thời có biện pháp  phòng ngừa và xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm, quan liêu, tham nhũng, cố ý làm trái trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

6- Các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương và cấp uỷ đảng có trách nhiệm lãnh đạo các ngành, địa phương, các đơn vị phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt các nhiệm vụ trên đây và tổ chức kỷ niệm 60 năm” Ngày thương binh, liệt sỹ” một cách phong phú, sinh động, thiết thực, tránh lãnh phí.

7- Giao Ban cán sự Đảng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương… theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo Ban Bí thư .

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.

 

 

Nơi nhận:
- Các tỉnh uỷ, thành uỷ,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng,
  đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương,
- Các đồng chí Uỷ viên
  Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương.

T/M BAN BÍ THƯ




Trương Tấn Sang