Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 07/CT-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 03 năm 1988

 

CHỈ THỊ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHỈ THỊ 300 NGÀY 22-10-1987 CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ MỘT SỐ CÔNG TÁC TRƯỚC MẮT NHẰM TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC BẰNG PHÁP LUẬT.

Ngày 22 tháng 10 năm 1987, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có ra chỉ thị số 300 “về một số công tác trước mắt nhằm tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật”.

Bằng chỉ thị này, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đề ra cho các ngành các cấp những việc cần làm ngay để bảo đảm thực hiện tốt một nguyên tắc quản lý cơ bản của Nhà nước là “quản lý Nhà nước bằng pháp luật”. Mục đích là nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, trước nay bị giảm sút do những sai sót trong nhận thức cũng như trong việc làm của cán bộ lãnh đạo các cấp.

Để triển khai thực hiện đúng theo yêu cầu chỉ thị quan trọng này, căn cứ vào tình hình thành phố và thông tư hướng dẫn số 1027 ngày 2-12-1987 của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu thủ trưởng các ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện hết sức quan tâm tiến hành những việc sau đây:

1- Trước hết, cần nhận thức đúng đắn và  đầy đủ vai trò và nhiệm vụ của pháp luật và pháp chế Xã hội chũ nghĩa trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội.

Sau khi nêu rõ thời gian qua, tình trạng pháp luật không được thi hành nghiêm chỉnh, kỷ cương Nhà nước bị buông lỏng, hiện tượng tiêu cực phát triển, đã làm giảm lòng tin của nhân dân đối với lãnh đạo của Đảng, và hiệu lực quản lý của Nhà nước bị sút giảm, chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng vạch ra nguyên nhân của tình hình đó là do “cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp chưa nhận thức đúng đắn và sâu sắc về vai trò và nhiệm vụ rất quan trọng của pháp luật trong quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội”. Chính vì nhận thức như vậy nên chưa tuyên truyền phổ biến pháp luật sâu rộng để mọi người hiểu và thi hành pháp luật, nhiều cán bộ lãnh đạo thiếu gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, thậm chí còn vi phạm pháp luật, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, kịp thời và đúng pháp luật.

Đối với cán bộ lãnh đạo Đảng cũng như cán bộ chính quyền, điều quan trọng hàng đầu là phải nhận thức rõ vai trò tác dụng của pháp luật và biết sử dụng pháp luật trong quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội.

Như vậy, để khắc phục tình hình thời gian qua, phải hiểu rằng quản lý một ngành, 1 địa phương, 1 cơ quan, 1 đơn vị..., nhất thiết phải quản lý bằng pháp luật. Hiến pháp năm 1980 đã quy định ở điều 12: “Nhà nước quản lý bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế Xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết Đại hội 6 gần đây cũng nêu rõ: Phải quản lý Nhà nước bằng pháp luật, chớ không chỉ bằng đạo lý, Pháp luật là phương tiện quản lý của Nhà nước. Pháp luật là chính sách của Đảng được thể chế hóa thành quy định của chính quyền, những quy địng có ràng buộc, cưỡng bách mọi cơ quan, cán bộ, nhân dân , phải tuân theo, nếu không tuân theo thì sẽ bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt. Ngoài vai trò trừng trị kẻ phạm pháp, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Nó quy định các nguyên tắc và cách thức phải quản lý sản xuất, phân phối thế nào, quản lý trật tự xã hội thế nào, quy định chức năng nhiệm vụ của mỗi cơ quan Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của công dân...thâm nhập và chi phối mọi mặt đời sống xã hội. Áp dụng triệt để pháp luật trong quản lý sẽ đưa mọi mặt công tác vào nề nếp, quy cũ, ngăn chặn được tính tự do, tùy tiện, tình trạng vô chính phủ.

Nếu không sử dụng pháp luật để quản lý mọi mặt đời sống xã hội thì sẽ không thể duy trì được trật tự kỷ luật trong sản xuất, trong đời sống, và xã hội sẽ không tránh khỏi lộn xộn, quyền dân chủ của nhân dân sẽ bị xâm phạm, tài sản của Nhà nước, tài sản, sinh mệnh của nhân dân sẽ không được bảo đảm.

Có nhận thức vai trò nhiệm vụ của pháp luật như vậy mới có ý thức đưa pháp luật vào quản lý, gắn công tác pháp luật với công tác quản lý, làm cho công tác quản lý ngày càng có hiệu quả.

Để rút kinh nghiệm về vấn đề này, và xây dựng nhận thức đúng đắn cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu thủ trưởng ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, tổ chức tổng kết công tác tư pháp, pháp chế ở ngành, ở địa phương, kiểm điểm lại quá trình quản lý ngành, quản lý địa phương, tìm nguyên nhân thiếu sót, đề ra biện pháp tăng cường quản lý bằng pháp luật theo yêu cầu của Hội đồng Bộ trưởng, và tạo điều kiện cho pháp luật Nhà nước phát huy được tác dụng tích cực của mình trên các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước.

2/ Đẩy mạnh công tác xây dựng pháp quy.

Để tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật, chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng đề ra một số công tác, trước tiên là đẩy mạnh công tác xây dựng pháp quy.

Muốn quản lý bằng pháp luật, phải có pháp luật, và pháp luật tốt phù hợp , đáp ứng kịp thời cho yêu cầu quản lý. Do đó đẩy mạnh công tác xây dựng pháp quy là việc hết sức cần thiết trong điều kiện chúng ta còn thiếu nhiều pháp luật trên nhiều lĩnh vực, và đang phải quản lý theo đường lối chính sách mới.

Các ngành thành phố cần xúc tiến việc xây dựng văn bản pháp quy mới, nhất là về vấn đề kinh tế,  mà Ủy ban nhân dân thành phố đã phân công xây dựng.

Để việc cụ thể hoá những quy định mới của Hội đồngn Bộ trưởng và của các Bộ để thi hành trong thành phố, và việc thể chế hoá những chính sách chủ trương của Thành ủy chỉ đạo các mặt công tác lớn của thành phố, phục vụ kịp thời cho yêu cầu quản lý, các sở ngành cần có kế hoạch xây dựng và trình Ủy ban nhân dân ký ban hành những văn bản pháp quy cần thiết về những vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của ngành. Sở Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp những dự kiến xây dựng văn bản pháp quy của các sở ngành, thành chương trình lập quy của thành phố trong năm 1988, và phối hợp giúp các ngành thực hiện khi được thông qua.

Mặt khác, để bảo đảm quản lý thống nhất việc xây dựng và ban hành văn bản pháp quy ở thành phố, theo thủ tục quy định, các dự thảo văn bản pháp quy do các sở ngành dự thảo để trình Ủy ban nhân dân thành phố ký ban hành đều phải thông qua Sở Tư pháp để soát xét về mặt pháp lý . Đồng thời với việc xây dựng văn bản pháp quy mới, chúng ta còn phải sửa đổi những quy định đã ban hành từ trước, nay đã lỗi thời, không còn phù hợp, không còn tác dụng tích cực, thực tế đang gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, làm ách tắc phân phối lưu thông. Chúng ta đang đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, không thể không đổi mới hệ thống pháp luật của Nhà nước Chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng đã nhắc lại việc rà soát văn bản pháp luật pháp quy hiện hành để có nhữngn sữa đổi bổ sung kịp thời cho phù hợp với tình hình mới và đường lối mới.

Về vấn đề này, Ủy ban nhân dân thành phố đã có chỉ thị số 23 ngày 1/7/1987 triển khai thực hiện trong thành phố việc rà soát văn bản pháp quy hiện hành. Các ngành, các quận, huyện tiếp tục công tác này theo kế hoạch của thành phố. Những ngành, quận huyện nào chưa tiến hành phải gấp rút tổ chức thực hiện, ở các nơi đã làm, tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm về cách làm và kết quả đã đạt được để tiếp tục trong năm 1988. Để bảo đảm hiệu quả công tác, mỗi ngành, và Ủy ban nhân dân quận, huyện phân công một đồng chí trong ban lãnh đạo phụ trách và trực tiếp chỉ đạo công tác này, và thường kỳ phản ảnh về tình hình thực hiện công tác về Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo cho Ủy ban nhân dân thành phố. Việc xây dựng văn bản pháp quy mới cũng như việc rà soát văn bản pháp quy cũ để hoành thiện hệ thống pháp luật Nhà nước, là nhằm phục vụ và nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, là một yêu cầu cấp bách hiện nay, cần được coi trọng đúng mức và quan tâm thực hiện.

3/ Bảo đảm tuân thủ pháp luật.

Theo chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng, công tác này phải được thực hiện trên 3 mặt sau đây:

a) Đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến pháp luật.

Pháp luật dù tốt đến mấy chỉ có ý nghĩa nếu nó được chấp hành nghiêm chỉnh. Vì vậy, phải làm cho mọi người biết pháp luật và tự giác tuân thủ pháp luật.

Cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ của tất cả các cơ quan đoàn thể.

Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các đoàn thể quần chúng... cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi trong cán bộ công nhân viên chức các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở. Trước hết, cần tập trung tuyên truyền phổ biến, giải thích những văn bản pháp luật, pháp quy có liên quan đến cơ chế quản lý kinh tế mới, về lưu thông phân phối, về quản lý thị trường, giá cả, sản xuất kinh doanh, đời sống... Đồng thời phổ biến giải thích những văn bản pháp luật, pháp quy mới mà Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng đã hoặc sắp ban hành trong thời gian gần đây (Luật đất đai, Luật đầu tư nước ngoài, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch, Bộ luật tố tụng hình sự...). Những văn bản pháp luật, pháp quy thuộc lĩnh vực của ngành nào thì ngành đó có trách nhiệm tổ chức tốt việc tuyên truyền, giải thích, trước hết là đối với cán bộ công nhân viên chức thuộc ngành, đơn vị mình để thực hiện đầy đủ và nghiêm túc. Các quận, huyện, phường xã có hình thức phổ biến những gương thi hành tốt pháp luật, phối hợp với tòa án tổ chức những phiên tòa lưu động, để giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật Nhà nước.

Các cơ quan, đoàn thể, định kỳ tổ chức sinh hoạt, học tập, tìm hiểu về pháp luật Nhà nước, và các quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.

Sở Giáo dục thực hiện tốt kế hoạch giảng dạy pháp luật ở trường phổ thông. Các ngành, đoàn thể cần nghiên cứu thực hiện việc đưa pháp luật vao trường nghiệp vụ do ngành, đoàn thể quản lý.

Sở Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện việc tuyên truyền giáo dục pháp luật, theo dõi nắm tình hình thi hành pháp luật, vi phạm pháp luật, và định kỳ báo cáo cho Ủy ban nhân dân thành phố.

b) Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ nhân viên các cơ quan Nhà nước, nhất là cán bộ quản lý.

Ngoài việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng đặt mạnh vấn đề bồi dưỡng pháp lý cho cán bộ quản lý, vì việc hiển biết pháp luật từ nay phải được coi là một tiêu chuẩn quan trọng trong việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ. Để thực hiện điều này, đề nghị các ngành, các Ủy ban nhân dân quận, huyện chú ý cho cán bộ nhân viên dự học lớp bồi dưỡng pháp lý ngắn hạn hoặc tại chức do thành phố mở, và tổ chức lớp bồi dưỡng ngắn hạn ở ngành và quận, huyện.

Ngoài lớp Đại học pháp lý tại chức của thành phố, Sở Tư pháp nghiên cứu mở lớp Trung học quản lý tại chức trong năm 1988 và tiếp tục mở lớp cho cán bộ quản lý công ty, xí nghiệp như đã làm các năm qua.

c) Tăng cường kiểm tra việc thi hành pháp luật.

Các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện phải thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật ở ngành mình, địa phương mình; nêu gương tốt trong việc chấp hành pháp luật, và đồng thời phê phán, lên án những hành vi vi phạm pháp luật. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về những vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng xảy ra ở cơ quan, đơn vị mình. Việc tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật Nhà nước từ nay phải được coi là một tieu chuẩn quan trọng trong việc xét duyệt thi đua, khen thưởng của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

4/ Xử lý kịp thời và nghiêm minh những vụ vi phạm pháp luật.

Xử lý phạm pháp là biện pháp không thể thiếu để bảo đảm hiệu lực của pháp luật Nhà nước.

Các ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện cần thường kỳ tổ chức kiểm điểm tình hình vi phạm pháp luật và việc xử lý vi phạm ở ngành, địa phương mình, và có kế hoạch xử lý những vụ việc tồn đọng.

Việc xử lý phải theo đúng tinh thần chỉ thị 84 của Ban Bí thư và Chỉ thị 133 của Hội đồng Bộ trưởng về việc xử lý kịp thời và nghiêm minh các vụ phạm pháp. Đối với những vụ việc có dấu hiệu tội phạm nhất thiết phải đưa ra truy tố trước pháp luật, không được giữ lại để xử lý nội bộ. Những hành vi bao che cho kẻ phạm pháp phải được xử lý nghiêm khắc, theo đúng pháp luật. Việc chính quyền một số nơi không thi hành hoặc gây trở ngại cho việc thi hành án của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được kiểm điểm và phê phán.

Mặt khác, chế độ tiếp dân, và giải quyết khiếu tố phải được thực hiện đúng như quy định trong pháp lệnh về xét và giải quyết khiếu tố của nhân dân, và theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân thành phố trong chỉ thị 24 ngày 1/7/1987. Điều cần chú ý là các quyết định giải quyết khiếu tố của Ủy ban nhân dân thành phố phải được các ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện báo cáo xin ý kiến giải quyết không được tự ý cản trở hoặc không chấp hành.

Để đưa việc xử lý phạm pháp, ngăn ngừa vi phạm đi vào nền nếp, có theo dõi, rút kinh nghiệm, từ nay các cơ quan đơn vị định kỳ báo cáo cho cơ quan chủ quản cấp trên, và cho Ủy ban nhân dân quận, huyện hoặc thành phố (nếu là cơ quan đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố) những vụ vi phạm ở cơ quan đơn vị, và biện pháp xử lý đã áp dụng, Ủy ban nhân dân quận, huyện báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố tình hình vi phạm pháp luật ở địa phương, để tổng hợp báo cáo cho Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Tư pháp nắm tình hình chỉ đạo chung.

5/ Củng cố và kiện toàn cơ quan pháp luật.

Củng cố và kiện toàn cơ quan pháp luật là điều kiện quyết định việc thực hiện có hiệu quả và chất lượng các mặt công tác pháp chế đề ra trên đây.

Theo tinh thần chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng, Phòng Tư pháp quận, huyện, Ban Tư pháp phường, xã phải được tăng cường cán bộ để đủ sức đảm nhận nhiệm vụ trước nay của mình, và những công tác mới được giao: Công tác hộ tịch (theo nghị định số 219 ngày 20/11/1987 của Hội đồng Bộ trưởng); công tác công chứng (thông tư số 574 ngày 10/10/1987 của Bộ Tư pháp), và công tác lý lịch tư pháp, thống kê tư pháp (theo quy chế sẽ được ban hành). Ban Tư pháp xã cũng như Ban Tư pháp phường cần có cán bộ chuyên trách tư pháp mới có thể hoạt động theo chức năng nhiệm vụ của mình.

Các tổ chức pháp chế ngành nhất là ở các sở, các Ủy ban ít nhiều bị xáo trộn trong quá trình chấn chỉnh tổ chức biên chế, cần được củng cố lại theo nghị định 173 ngày 17/6/1985 của Hội đồng Bộ trưởng, trước mắt phải có ít nhất một cán bộ chuyên trách pháp chế.

Sở Tư pháp có trách nhiệm xây dựng đề án tổ chức cơ quan tư pháp theo quy định về kiện toàn bộ máy cơ quan Nhà nước, theo hướng gọn nhẹ nhưng có khả năng hoạt động làm tốt chức năng nhiệm vụ của ngành.

Đối với các Tòa án quận, huyện cũng cần được tăng thêm biên chế và cán bộ nhất là cán bộ xét xử để đáp ứng yêu cầu của tình hình thành phố, và nhiệm vụ đấu tranh phòng chống phạm pháp, Sở Tư pháp nghiên cứu và đề nghị Bộ Tư pháp định lại số biên chế thích hợp cần thiết và phối hợp với câp ủy và UBND quận, huyện xét chọn cán bộ cần thiết (kể cả cán bộ Hội thẩm nhân dân), và bảo đảm cho Toà án quận, huyện có đủ điều kiện và phương tiện hoạt động.

Cán bộ Tư pháp, cán bộ pháp chế ngành, cũng như cán bộ Tòa án ngoài phẩm chất, đạo đức, trình độ chính trị vững vàng, cần phải có đủ kiến thức pháp lý, kinh tế, văn hóa, đúng tiêu chuẩn quy định cho từn chức danh.

Sở Tư pháp có kế hoạch tổ chức đào tạo bồi dưỡng cán bộ Tòa án, Tư pháp và pháp chế ngành nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ và bảo đảm hiệu quả chất lượng công tác. Cần có quy hoạch cán bộ để từ nay đến năm 1990 có 1 đội ngũ cán bộ pháp lý đủ cho nhu cầu của thành phố, và giải quyết tình trạng thiếu cán bộ trầm trọng hiện nay trong ngành Tòa án, Tư pháp. Chú ý hình thức bồi dưỡng tại chức phù hợp với điều kiện công tác của cán bộ và biên chế của cơ quan.

Trên đây là một số việc cụ thể đề ra để thực hiện chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng nhằm góp phần tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật, khắc phục tình trạng kỷ cương lỏng lẻo, quản lý kém hiệu lực hiện nay.

Ủy ban nhân dân thành phố mong rằng các ngành, các Ủy ban nhân dân quận, huyện nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này sẽ quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chỉ thị này, đúng yêu cầu của Hội đồng Bộ trưởng, và đem lại một sự chuyển biến mới trong tình hình thành phố, trong thời gian tới.-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Chánh