Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-UBND

Vĩnh Long, ngày 16 tháng 5 năm 2013

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH CÂY TRỒNG - VẬT NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số loại sâu, bệnh hại mới, nguy hiểm, hiện vẫn chưa có thuốc phòng trừ đặc hiệu như: Sâu đục quả trên cây có múi, sâu đục củ khoai lang, dịch bệnh chổi rồng gây hại trên cây nhãn, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây hại trên cây lúa. Về chăn nuôi từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm (H5N1), bệnh tai xanh trên heo và bệnh lở mồm long móng ở gia súc đã xảy ra ở một số tỉnh, diễn biến ngày càng phức tạp và có nguy cơ tái bùng phát xảy ra dịch rất cao. Những dịch bệnh này sẽ làm giảm năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và giảm thu nhập của người dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.

Để chủ động phòng, chống hiệu quả dịch bệnh hại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai ngay kế hoạch chi tiết phòng chống dịch, bệnh trên cây trồng, vật nuôi; với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt và hiệu quả.

- Trên cây trồng: Tăng cường làm tốt công tác dự báo, giám sát, chủ động phát hiện sớm những cây trồng bị bệnh, có biện pháp khoanh vùng dịch, xử lý kịp thời, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; chuẩn bị đầy đủ vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, nhân lực để sẵn sàng dập dịch. Thực hiện tốt công tác kiểm dịch thực vật nội địa, đặc biệt kiểm tra giống cây trồng nhập nội tại các địa phương.

- Trên vật nuôi: Chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống dịch; tăng cường các hoạt động dự báo và giám sát dịch tễ, phát hiện sớm các trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh đầu tiên để xử lý kịp thời không để bùng phát thành dịch. Tổ chức tiêu độc sát trùng các ổ dịch cũ và những nơi có nguy cơ phát dịch. Tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển và kiểm soát giết mổ; chuẩn bị đầy đủ thuốc, hoá chất, vật tư, phương tiện, nhân lực để sẵn sàng dập dịch, không để lây lan.

- Đẩy mạnh công tác khuyến nông chuyển giao các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, mô hình sản xuất cây trồng an toàn và theo tiêu chuẩn GAP.

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, thực hiện báo cáo theo cơ chế chống dịch; kịp thời đề xuất biện pháp khắc phục các vấn đề mới nảy sinh.

Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện nội dung Chỉ thị này về Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

2. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch trên cây trồng, vật nuôi các cấp; phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên trong việc triển khai thực hiện các biện pháp đồng bộ phòng, chống dịch.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về tính chất, đặc điểm, tác hại của một số loại dịch, bệnh hại; các chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi do thiên tai, dịch bệnh theo quy định nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh; phát hiện sớm các ổ dịch, báo cáo kịp thời với cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử lý ngay.

a) Đối với cây trồng: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt công tác dự báo tình hình sâu bệnh hại trên địa bàn. Khi có dịch bệnh, thành lập ngay các tổ công tác để kịp thời chỉ đạo các xã, phường, thị trấn và nhân dân tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm và có biện pháp chống dịch kịp thời; chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng của địa phương hỗ trợ cho công tác chống dịch; đồng thời thực hiện báo cáo hàng tuần, đột xuất về tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn với cơ quan chuyên môn để có phương án chỉ đạo kịp thời.

b) Đối với vật nuôi: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên kiểm tra, giám sát phát hiện, nắm chắc tình hình dịch, bệnh phát sinh trên địa bàn; tăng cường công tác vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, kịp thời xử lý tiêu huỷ mầm bệnh, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn tổ chức tốt công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật; xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn không đúng quy định.

3. Sở Y tế: Chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thị xã, thành phố và nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh lây truyền từ gia súc, gia cầm sang người; tổ chức thu dung, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế thấp nhất tổn thất tính mạng và sức khoẻ người dân; có kế hoạch, chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

4. Sở Công thương: Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với Chi cục Thú y, Bảo vệ thực vật xử lý nghiêm các hành vi giấu dịch, làm lây lan dịch bệnh, tăng giá các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời xử lý triệt để tình trạng giết mổ, vận chuyển buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật trái phép; chỉ đạo ban quản lý các chợ kiểm tra và chịu trách nhiệm trong việc kinh doanh động vật, sản phẩm động vật tại các chợ.

5. Sở Tài chính cân đối và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách phục vụ công tác phòng, chống dịch hại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Khoa học và Công nghệ chủ động đề xuất các đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh gây hại cây trồng, vật nuôi.

7. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long, Báo Vĩnh Long và hệ thống truyền thanh các cấp phối hợp với ngành y tế, thú y, bảo vệ thực vật tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân, đặc biệt các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình chăn nuôi, kinh doanh, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm về mục đích, yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, các chính sách hỗ trợ và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm để nhân dân biết và tự giác thực hiện.

8. Công an tỉnh tăng cường phối hợp với các ngành liên quan làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép trên các phương tiện giao thông, vận tải theo quy định pháp luật.

9. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể tỉnh phối hợp với chính quyền, cơ quan chuyên môn các cấp vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân, các hội viên, đoàn viên tham gia tích cực công tác phòng, chống dịch, bệnh trên cây trồng, vật nuôi; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn trong công tác phát hiện sớm dịch, bệnh để có biện pháp phòng, chống kịp thời.

Yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung Chỉ thị này; có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời các đơn vị, tổ chức, cá nhân làm tốt và nghiêm túc phê bình, kỷ luật nếu chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Anh Vũ