ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/CT-UBND | Cao Bằng, ngày 26 tháng 04 năm 2019 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
Vật tư nông nghiệp bao gồm giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý, cải tạo môi trường trong nông nghiệp, thủy sản, là những yếu tố đầu vào, có vai trò rất quan trọng và không thể thiếu để bảo đảm phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Trong thời gian qua, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc quản lý vật tư nông nghiệp và đã đạt được những kết quả tích cực, bảo đảm lợi ích của người nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, phức tạp, không tuân thủ các quy định pháp luật, không rõ thành phần, hàm lượng, nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng vẫn xảy ra ở một số nơi, đã làm thiệt hại cho người sản xuất, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do năng lực quản lý nhà nước còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng chống tội phạm và sự phối hợp giữa các ngành, các huyện chưa chủ động, thiếu quyết liệt, có nơi còn buông lỏng quản lý; chưa phát huy được vai trò giám sát, phát hiện và tham gia tố giác vi phạm của các tổ chức, cộng đồng, người dân.
Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý vật tư nông nghiệp theo quy định; trong đó, tập trung một số nội dung chủ yếu sau:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
Chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn; xác định việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết cần chỉ đạo quyết liệt hơn; ưu tiên phân bổ kinh phí cho hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp lưu thông và sử dụng trên địa bàn.
Rà soát việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn; hướng dẫn việc kinh doanh đảm bảo đúng quy định pháp luật, phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm, đặc biệt là tình trạng kinh doanh không đúng địa điểm, không đảm bảo các điều kiện kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chủ trì, phối hợp với với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh, chất lượng vật tư nông nghiệp; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về điều kiện sản xuất, kinh doanh và chất lượng vật tư nông nghiệp.
Tăng cường quản lý các hoạt động sản xuất, sản xuất thử, quảng bá, hội thảo, các chương trình, dự án của các tổ chức về giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chấn chỉnh việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vật tư nông nghiệp bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, sản xuất, chất lượng vật tư nông nghiệp. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn và văn bản pháp luật mới cho các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.
3. Cục quản lý thị trường tỉnh: Phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp lưu thông trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; chú trọng kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với hàng lậu, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa, điều kiện sản xuất, kinh doanh, bảo quản hàng hóa vật tư nông nghiệp.
4. Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, đường mòn lối mở để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các loại vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có tên trong danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam. Kiên quyết không để người nước ngoài buôn bán các mặt hàng vật tư nông nghiệp trái phép trong nội địa, gây khó khăn cho công tác xử lý của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
5. Công an tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố tăng cường công tác nắm tình hình về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp là hàng giả, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
6. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thành viên phối hợp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, xử lý nghiêm nhập lậu, kinh doanh vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch chuyên đề về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.
7. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm; nêu cao gương người tốt việc tốt trong công tác đấu tranh, phòng, chống, tố giác, lên án các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, không bảo đảm chất lượng.
8. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể tỉnh phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, tăng cường vận động hội viên, đoàn viên tích cực tham gia tuyên truyền để nhân dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.
9. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân.
Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị này. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và định kỳ hằng năm hoặc đột xuất báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh tình hình thực hiện Chỉ thị này./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2018 về tăng cường trách nhiệm quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
- 2 Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 3 Quyết định 34/2017/QĐ-UBND về quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- 1 Quyết định 34/2017/QĐ-UBND về quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- 2 Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 3 Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2018 về tăng cường trách nhiệm quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông