ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/CT-UBND | Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2021 |
Những năm gần đây, Thành phố đã có nhiều giải pháp trong công tác quản lý đê điều, thủy lợi, song tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp, có vụ việc nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến an toàn đê điều, công trình thủy lợi, thoát lũ, sạt lở bờ, bãi sông, an toàn giao thông, gây bức xúc dư luận như: các hành vi vi phạm xây dựng công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi và ở bãi sông; đổ phế thải, lấn chiếm lòng sông; khai thác cát trái phép ở lòng sông và tập kết vật liệu với quy mô lớn trên bãi sông, trong hành lang bảo vệ đê điều; xe quá tải trọng cho phép đi trên đê, công trình thủy lợi; xả thải trái phép vào công trình thủy lợi... Ủy ban nhân dân Thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành kiên quyết xử lý những vi phạm pháp luật về đê điều ngay từ khi phát sinh. Tuy nhiên, kết quả xử lý còn hạn chế, vi phạm tồn đọng nhiều.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đê điều, thủy lợi; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, dứt điểm vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu:
1. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã:
- Tập trung chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá, tổng hợp các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi trên địa bàn; chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi; kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật các vụ vi phạm tồn đọng, đặc biệt các vụ vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, công trình thủy lợi, thoát lũ, gây bức xúc trong dư luận;
- Kiểm tra, rà soát, có phương án quản lý, sử dụng đất tại các khu vực bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn theo quy định của pháp luật về đất đai, đê điều, thủy lợi và các quy định pháp luật có liên quan; kiên quyết xử lý, thu hồi theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với diện tích đất bãi sông, trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật;
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các Hạt Quản lý đê, các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi đóng trên địa bàn quận, huyện, thị xã, kiểm tra thường xuyên, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ khi vi phạm mới phát sinh; tăng cường xử phạt vi phạm hành chính, buộc các đối tượng vi phạm khôi phục lại hiện trạng ban đầu hoặc tổ chức cưỡng chế theo quy định; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Thành phố nếu để xảy ra những vụ việc vi phạm mới mà không bị xử lý đúng quy định pháp luật;
- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng những quy định của pháp luật về quản lý bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi đến mọi người dân; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện thỏa thuận, xin cấp phép trước khi có hoạt động liên quan đến đê điều, công trình thủy lợi;
- Công tác ngăn chặn, xử lý vi phạm phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và coi đây là nhiệm vụ hàng năm, đặc biệt là trước mùa mưa bão; thường xuyên tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi, tổng hợp chung.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp với các cơ quan truyền thông, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều, thủy lợi cho nhân dân; tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi;
- Chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục Phòng, chống thiên tai, Chi cục Thủy lợi, các Hạt Quản lý đê phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan, các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi tăng cường kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn kịp thời, có biện pháp xử lý dứt điểm các vụ vi phạm phát sinh mới theo thẩm quyền; thường xuyên thống kê, phân loại vi phạm tồn đọng, trên cơ sở đó kiến nghị Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, tổ chức xử lý;
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Quyết định cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều, công trình thủy lợi bảo đảm đúng quy định;
- Rà soát, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố tăng cường đầu tư các dự án phục vụ công tác quản lý đê điều, công trình thủy lợi: Cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi; xây dựng đường hành lang chân đê; di dân các khu vực nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, khu vực nằm ở bãi sông không phù hợp quy hoạch;
- Tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố một số nội dung sau:
Tổ chức triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 1821/QĐ-TTg ngày 07/10/2014 phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy và số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; Quyết định số 5202/QĐ-BNN-TCTL ngày 27/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Quy hoạch thủy lợi cấp, tiêu nước lưu vực sông Đáy giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Hà Nội; các Quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố: số 4673/QĐ-UBND ngày 18/10/2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy lợi thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và số 13/2020/QĐ-UBND ngày 24/6/2020 ban hành Quy định về bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội;
Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp kiểm tra, xử lý thường xuyên, đột xuất, đôn đốc triển khai thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố trong việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi;
Tổ chức rà soát, lập phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch Thủ đô theo quy định của pháp luật về quy hoạch và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, trong đó xác định cụ thể phương án quản lý, sử dụng đất ở bãi sông, số lượng công trình nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trên bãi sông phải di dời và xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời đảm bảo khả thi để tổ chức thực hiện;
Triển khai cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều, phạm vi bảo vệ bờ sông, phạm vi được phép xây dựng ở bãi sông, phạm vi bảo vệ các công trình đê điều, thủy lợi theo quy định của pháp luật.
3. Các Công ty Thủy lợi Thành phố:
- Tăng cường kiểm tra, phát hiện và thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời, đồng thời kiến nghị xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện giải tỏa vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật;
- Rà soát, thống kê, phân loại vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn, thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo theo quy định. Thống kê danh mục các công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ của công trình thủy lợi; thực hiện các giải pháp khắc phục hoặc dỡ bỏ, di dời, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất tại các khu vực bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi; kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác cát, thực hiện các dự án nạo vét luồng, lạch, lập bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng; xử lý nghiêm, kiến nghị thu hồi đối với các bến bãi tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng ngoài quy hoạch, sử dụng đất sai mục đích.
- Chủ trì, phối hợp sở, ngành liên quan, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông trên địa bàn Thành phố.
Yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thuộc Thành phố; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 4673/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy lợi Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 2 Quyết định 1821/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 4 Quyết định 257/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông
- 6 Quyết định 13/2020/QĐ-UBND Quy định về bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 7 Quyết định 15/2020/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội