Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/2003/CT-NHNN

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, các tổ chức tín dụng đã có sự nhận thức đúng và chấp hành quy chế ch vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín dụng cũng được tăng cường một bước, kiểm soát được sự gia tăng khối lượng tín dụng ở mức hợp lý, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định tiền tệ, chất lượng tín dụng được cải thiện một bước theo hướng giảm dần tỷ trọng nợ xấu trên tổng dư nợ.

Tuy nhiên, nợ xấu vẫn tiếp tục phát sinh, nhiều khoản cho vay còn tiềm ẩn rủi ro. Nguyên nhân chủ yếu là một số tổ chức tín dụng chấp hành Quy chế cho vay chưa nghiêm túc, như chưa thực hiện tốt khâu thẩm định dự án trước khi cho vay, chưa xác định nguồn trả nợ một cách khả thi; còn hiện tượng che dấu nợ quá hạn chạy theo thành tích để không trích dự phòng rủi ro, gia hạn nợ phổ biến ở nhiều khoản vay và với thời gian dài, không chuyển nợ quá hạn, hạch toán nợ quá hạn không đúng tài khoản. Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng và thanh tra của Ngân hàng Nhà nước phát hiện và xử lý chưa nghiêm minh những sai phạm, chưa coi trọng việc theo dõi và cảnh báo đối với các khoản vay có tiềm ẩn rủi ro.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, nhằm nâng cao chất lượng tín dụng và hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ thị thực hiện một số biện pháp sau đây:

1. Các tổ chức tín dụng phải chấp hành nghiêm túc Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 và Quyết định số 688/2002/QĐ-NHNN ngày 1/7/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc thực hiện chuyển nợ quá hạn các khoản nợ vay của khách hàng tại tổ chức tín dụng, đặc biệt là các vấn đề sau:

1.1. Rà soát để sửa đổi, bổ sung việc hướng dẫn thực hiện Quy chế cho vay, xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước, điều kiện của tổ chức tín dụng và khách hàng vay nhằm vừa đảm bảo thực hiện đúng Quy chế cho vay, vừa linh hoạt, chủ động nhưng bảo đảm an toàn.

1.2. Trong quá trình xem xét cho vay phải chú trọng nâng cao năng lực thẩm định dự án, đặc biệt là xem xét kỹ khả năng tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng, khai thác thông tin của Trung tâm thông tin tín dụng và các nguồn thông tin khác để nắm chắc tình hình công nợ của khách hàng, nhất là khách hàng vay ở nhiều nơi, vay đầu tư dài hạn, vay dự án lớn, vay đầu tư vào bất động sản, các đơn vị nhận thầu vay ngắn hạn để thực hiện dự án nhằm tránh việc chuyển nợ xấu và rủi ro từ các đơn vị khác sang hệ thống ngân hàng.

1.3. Lập hợp đồng tín dụng phải đầy đủ các yếu tố theo quy định của pháp luật, ghi cụ thể ngày, tháng, năm của từng kỳ hạn trả nợ gốc, nợ lãi để có cơ sở điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ và chuyển nợ quá hạn được chính xác.

1.4. Việc định kỳ hạn trả nợ gốc, lãi vay phải căn cứ vào chu kỳ luân chuyển vốn của đối tượng vay, phù hợp với khả năng trả nợ của từng khách hàng và phương thức cho vay; khắc phục tình trạng định kỳ hạn trả nợ gốc, nợ lãi máy móc, thời hạn trả nợ quá ngắn trong cho vay hộ sản xuất, cho vay tiêu dùng và cho vay trả góp dẫn đến phải gia hạn nợ và phản ánh nợ quá hạn không chính xác.

1.5. Điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ phải xem xét kỹ các nguyên nhân của khách hàng không trả được nợ đúng hạn, chỉ những trường hợp đặc biệt do nguyên nhân khách quan không trả được nợ đúng hạn mới gia hạn nợ vượt thời gian quy định, tránh tình trạng điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ một cách tràn lan, làm cho nợ vay khó có khả năng thu hồi nhưng vẫn không được phản ánh trên tài khoản nợ quá hạn.

1.6. Các khoản nợ sau khi giải quyết cho gia hạn nợ vượt quá thời hạn quy định, tổ chức tín dụng phải báo cáo ngay với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (gửi Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) theo quy định về phân cấp đối tượng giám sát và thanh tra tại Mục III Chương II Thông tư số 04/2000/TT-NHNN3 ngày 28/3/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Nghị định số 91/1999/NĐ-CP ngày 4/9/1999 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Ngân hàng. Ngày 5 hàng tháng, tổ chức tín dụng phải tổng hợp các khoản vay đã cho gia hạn vượt thời gian quy định của tháng trước báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (gửi về Thanh tra Ngân hàng Nhà nước tại Trung ương).

1.7. Chấp hành nghiêm túc việc chuyển nợ quá hạn theo quy định. Những khoản nợ gốc, lãi vay đến hạn trả, khách hàng không trả được nợ và không được tổ chức tín dụng gia hạn nợ, phải kiên quyết chuyển vào tài khoản nợ quá hạn một cách kịp thời, đầy đủ để phản ánh đúng chất lượng tín dụng nhằm cảnh báo rủi ro và trích lập dự phòng rủi ro, nghiêm cấm mọi hình thức che dấu nợ quá hạn.

2. Tổ chức tín dụng phải nâng cao chất lượng công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay; kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động tín dụng, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; phát hiện và có biện pháp xử lý các khoản cho vay có rủi ro.

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động tín dụng:

3.1. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động tín dụng nhằm quản lý tốt chất lượng tín dụng, phát hiện và cảnh báo kịp thời những khoản vay có rủi ro; xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.

3.2. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước và chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp, theo dõi, phân tích các khoản vay được gia hạn nợ vượt quá thời hạn quy định theo báo cáo của các tổ chức tín dụng để cảnh báo với tổ chức tín dụng về rủi ro đối với các khoản vay được gia hạn nợ thời gian dài mà vẫn không thu hồi được nợ.

3.3. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (tại Trung ương) chịu trách nhiệm về việc theo dõi, tổng hợp phân tích, đánh gia về tình hình nợ xấu (bao gồm nợ quá hạn, nợ khoanh, nợ chờ xử lý), tình hình kết quả xử lý nợ tồn đọng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và đề xuất với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước biện pháp xử lý; cảnh báo với các tổ chức tín dụng trong trường hợp có rủi ro.

3.4. Các tổ chức tín dụng, các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước trong phạm vi chức năng có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến chất lượng tín dụng cho Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.

4. Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

5. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng có trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

 

 

Trần Minh Tuấn

(Đã ký)