Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2011/CT-UBND

An Giang, ngày 16 tháng 8 năm 2011.

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG HÓA CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG.

Qua kết quả khảo sát thực tế tại hơn 100 cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh và sử dụng hóa chất trên địa bàn tỉnh An Giang cho thấy công tác quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới; tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, từng bước đưa công tác quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, góp phần bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe của con người và bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Công Thương:

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nội dung sau:

a) Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về hóa chất trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, ban hành;

b) Hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường, lực lượng Thanh tra chuyên ngành phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh, cất giữ, bảo quản, sử dụng hóa chất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong ngành công thương trên địa bàn tỉnh;

c) Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động hóa chất thuộc phạm vi quản lý;

d) Tiến hành xử phạt hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất trên địa bàn vi phạm các quy định tại Nghị định số 90/2009/NĐ-CP ngày 20/10/2009 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hóa chất;

đ) Hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cất giữ, bảo quản, sử dụng hóa chất thuộc “Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng Biện pháp; Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và thiết lập khoảng cách an toàn” quy định tại Phụ lục IV và Phụ lục VII Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08/4/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất phải tiến hành xây dựng Biện pháp; Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và thiết lập khoảng cách an toàn phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất và đặc tính của hóa chất;

e) Hướng dẫn cho các Phòng Kinh tế thị xã, thành phố; Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện các quy định và thủ tục cần thiết về quản lý sản xuất, kinh doanh, cất giữ, bảo quản, sử dụng hóa chất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành công thương theo quy định;

g) Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền đến các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của nhà nước về sản xuất, kinh doanh, cất giữ, bảo quản, sử dụng hóa chất; chấp hành việc đăng ký để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp theo quy định;

h) Tổ chức các đợt điều tra, khảo sát nắm thông tin, hiện trạng về tình hình sản xuất, kinh doanh, cất giữ, bảo quản, sử dụng hóa chất của tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành công thương hoạt động liên quan đến hóa chất trên địa bàn tỉnh;

i) Tổ chức đào tạo, huấn luyện về kỹ thuật an toàn hóa chất cho các cơ quan, đơn vị quản lý, các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh theo quy định.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể tăng cường công tác quản lý việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động hóa chất; việc xử lý, thải bỏ hóa chất độc tồn dư trong sản xuất, kinh doanh, hóa chất độc tồn dư của chiến tranh, hóa chất độc không rõ nguồn gốc và hóa chất độc bị tịch thu;

b) Tuyên truyền, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động hóa chất; tổ chức hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất theo đúng quy định;

c) Kiểm tra, theo dõi việc xử lý theo quy định của Luật Hóa chất và pháp luật về bảo vệ môi trường.

d) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động hóa chất.

đ) Chỉ đạo các Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, thị xã, thành phố:

- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật, các thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trên địa bàn quản lý theo đúng quy định;

- Thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý theo quy định.

3. Sở Y tế:

a) Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể tăng cường công tác quản lý hóa chất sử dụng để bào chế dược phẩm cho người; hóa chất sử dụng trong chất diệt khuẩn, diệt côn trùng trong gia dụng và y tế; hoá chất dùng làm phụ gia thực phẩm;

b) Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành y tế, ngành thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành y tế, ngành thực phẩm trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể tăng cường công tác quản lý hóa chất sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, thú y, bảo vệ thực vật; hoá chất bảo quản, chế biến nông sản, lâm sản, thủy hải sản và thực phẩm;

b) Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành hoá chất bảo vệ thực vật, ngành hoá chất thú y cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành hoá chất bảo vệ thực vật, ngành hoá chất thú y trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

5. Sở Khoa học và Công nghệ:

a) Tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý việc sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học;

b) Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất đảm bảo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn hóa chất theo quy định; triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu, phát triển, áp dụng công nghệ phù hợp với việc sử dụng hóa chất ít nguy hiểm.

6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:

Tăng cường công tác quản lý việc thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động tham gia hoạt động hóa chất; quản lý việc sử dụng hóa chất trong các cơ sở dạy nghề, các trung tâm thuộc ngành theo quy định của pháp luật.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Tăng cường công tác quản lý việc sử dụng hóa chất, an toàn hóa chất trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của pháp luật.

8. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Sở Thông tin và Truyền thông, Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang:

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục các văn bản quy phạm pháp luật về hóa chất, kiến thức về an toàn trong hoạt động hóa chất trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức phong phú, sinh động nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, xã hội và bảo vệ môi trường; đồng thời phát hiện và đưa ra công luận những trường hợp vi phạm trong họat động hóa chất trên địa bàn tỉnh.

9. Sở Giao thông vận tải:

Tăng cường công tác quản lý việc thực hiện các quy định về vận chuyển hóa chất nguy hiểm bằng đường bộ, đường thuỷ nội địa; các quy chuẩn kỹ thuật về vận chuyển hóa chất nguy hiểm trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

10. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh:

a) Tăng cường quản lý hóa chất, sản phẩm hóa chất trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; hóa chất phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật;

b) Phối hợp với các sở, ngành có liên quan phát hiện, điều tra, xử lý và hỗ trợ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động hóa chất theo quy định.

11. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:

a) Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật hiện hành về hóa chất nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về việc chấp hành các quy định của pháp luật;

b) Chỉ đạo Phòng Kinh tế thị xã, thành phố; Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện, các cơ quan chuyên môn liên quan và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát để biết cụ thể số lượng các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, cất giữ, bảo quản, sử dụng hóa chất trên địa bàn quản lý;

c) Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử phạt vi phạm hành chính và xử lý vi phạm về hoạt động hóa chất theo quy định của pháp luật.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang và các tổ chức thành viên phối hợp với các ban, ngành và chính quyền cùng cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn hoá chất.

13. Tổ chức thực hiện:

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm hành chính về hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật, đảm bảo không để xảy ra sự cố, tai nạn; góp phần thúc đẩy các hoạt động hóa chất theo hướng phát triển bền vững.

Giao Giám đốc Sở Công Thương chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và đôn đốc các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân thực hiện nghiêm tinh thần Chỉ thị này; định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện; đề xuất giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đến Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Chính phủ, Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- Bộ Công Thương, Cục Hóa chất;
- TT: Tỉnh ủy, HĐND, UBND;
- Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo-Tin học tỉnh;
- Lưu VT, TH, KT.

TM. ỦY BAN DÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Vương Bình Thạnh