ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 1 năm 1985 |
CHỈ THỊ
VỀ QUY HOẠCH PHÂN BỐ, SỬ DỤNG LAO ĐỘNG CỦA QUẬN, HUYỆN
Quán triệt các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và V từ nhiều năm nay, Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đã ban hành nhiều văn bản, Chỉ thị về công tác điều tra cơ bản, quy hoạch, cải tạo và tổ chức lại sản xuất… nhằm khai thác tốt hơn những khả năng về lao động và các thế mạnh về tự nhiên, kinh tế của địa phương. Gần đây, thực hiện Chỉ thị 212/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ngày 7-3-1984, Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UB về việc lập hồ sơ chung phát triển và phân bố lực lương sản xuất và quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 1986 – 2000. Trong đó, quy hoạch tổng thể các quận, huyện được xác định là một trong những cơ sở để xây dựng sơ đồ chung phát triển và phân bố lực lượng sản xuất trên địa bàn thành phố.
Nhìn chung, các huyện và một số quận đã xây dựng xong quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội. Các tiềm năng về tự nhiên, kinh tế đã bắt đầu được chú ý khai thác hợp lý hơn. Tuy nhiên, vấn đề tổ chức và phân công lại lao động là nguồn vốn quan trọng, chưa kết hợp hợp lý lao động với đất đai, ngành nghề và những cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có nhằm tận dụng và khai thác toàn diện lực lượng lao động của thành phố.
Hiện nay, lao động chưa có việc làm hoặc chưa sử dụng hết thời gian lao động còn lớn. Ở nông thôn, thời gian nhàn rỗi còn nhiều. Đây là những vấn đề nóng bỏng đòi hỏi phải được giải quyết gấp.
Sử dụng đầy đủ, hợp lý và có hiệu quả nguồn lao động là công tác rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của từng cơ sở, phường, xã, quận, huyện đến cấp thành phố, trong đó, quận, huyện giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Muốn sử dụng tốt nguồn lao động, các quận, huyện cần phải xem trọng công tác quy hoạch phân bố, sử dụng lao động của địa phương mình. Đây là một nội dung trọng yếu để hình thành toàn diện quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội. Quy hoạch phân bố, sử dụng lao động tạo điều kiện thuận lợi cho cách quận, huyện xây dựng một cơ cấu phân công lao động hợp lý, cũng như điều hành, hợp tác lao động, phát huy sức mạnh của toàn bộ lực lượng sản xuất trên từng địa bàn và giữa các địa bàn với nhau mà từng ngành riêng lẻ sẽ không đủ điều kiện để giải quyết.
Trong thời gian qua, công tác quy hoạch phân bố, sử dụng lao động chưa được cách quận, huyện tiến hành. Hầu hết chưa chú ý đến mối quan hệ khắng khít và tầm quan trọng của lao động đối với sản xuất.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên. Trong đó, có cả việc các quận, huyện chưa nhận thức được hết hiệu quả kinh tế - xã hội của việc tạo cho mọi người lao động đều có việc làm đầy đủ, cũng như hậu quả do tình trạng chưa có việc làm và thiếu việc làm gây ra.
Để tránh tình trạng khó khăn, bị động cho các quận, huyện, đồng thời góp phần bổ sung, hoàn chỉnh và cụ thể hoá đề án phát triển và phân bố dân số, lao động cho thời kỳ 1986 – 2000 của toàn thành phố, Uỷ ban Nhân dân thành phố chỉ thị cho các quận, huyện và các ngành liên quan khẩn trương tổ chức, phối hợp xây dựng và đưa vào thực hiện đề án quy hoạch, phân bố, sử dụng lao động của quận, huyện, gắn với quy hoạch, tổng thể kinh tế - xã hội, theo tinh thần sau đây :
I- MỤC ĐÍCH – YÊU CẦU
Đề án quy hoạch phân bố, sử dụng lao động được xây dựng nhằm mục đích :
- Góp phần phục vụ tích cực cho công tác quản lý quá trình phát triển dân số của quận huyện, nói riêng và thành phố nói chung.
- Vạch ra hướng phân bố hợp lý, sử dụng đầy đủ, có hiệu quả hơn nguồn lao động nhằm thúc đẩy tăng năng suất lao động xã hội, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng tự nhiên, kinh tế của quận, huyện, đồng thời góp phần tham gia tích cực vào quá trình phân bố lại lao động trên địa bàn thành phố, trong mối quan hệ hợp tác với các địa phương trong vùng và cả nước.
Việc xây dựng đề án quy hoạch phân bố, sử dụng lao động phải đáp ứng những yêu cầu chủ yếu sau :
- Phải nghiên cứu toàn bộ nguồn lao động ở quận, huyện, kể cả phần do quận, huyện trực tiếp quản lý và phần do thành phố, Trung ương quản lý. Trong đó, tập trung nghiên cứu sâu nguồn lao động do quận, huyện quản lý.
- Nghiên cứu về lao động phải gắn liền với nghiên cứu về dân số
- Phân bố, sử dụng nguồn lao động cần phải căn cứ vào sự phân bố sản xuất, đồng thời xuất phát từ khả năng lao động, kiến nghị đối với việc phân bố sản xuất để tạo điều kiện sử dụng đầy đủ, hợp lý nguồn lao động.
- Cần đặc biệt chú ý phân công, sử dụng nguồn lao động tại chỗ nhằm khai thác cao nhất các tiềm năng tự nhiên, kinh tế của quận, huyện.
- Điều quan trọng của công tác quy hoạch phân bố sử dụng lao động là thực hiện được đề án quy hoạch, cho nên phải nắm vững những điều kiện tự nhiên kinh tế, xã hội của từng nơi, trong từng giai đoạn phát triển để đề xuất những hình thức tổ chức sản xuất, những biện pháp chỉ đạo thực hiện thích hợp, bảo đảm tính hiện thực của đề án quy hoạch.
II- NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN QUY HOẠCH PHÂN BỐ, SỬ DỤNG LAO ĐỘNG:
1- Đánh giá hiện trạng phát triển dân số, hiện trạng phân bố sử dụng lao động của quận, huyện.
2- Dự báo dân số, lao động cho thời kỳ tới, chủ yếu là giai đoạn 1986 – 1990.
3- Trên cơ sở phương hướng, mục tiêu của các quy hoạch ngành, tiến hành xác định nhu cầu về lao động, cân đối nhu cầu, khả năng và phân bố sử dụng hợp lý các nguồn lao động, chú ý lao động có tay nghề.
4- Đề xuất các biện pháp chủ yếu để triển khai đề án quy hoạch.
III- TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO VÀ PHỐI HỢP CÔNG TÁC :
1- Mỗi quận, huyện thành lập một tiểu ban chỉ đạo quy hoạch phân bố, sử dụng lao động nằm trong Ban chỉ đạo quy hoạch tổng thể của quận, huyện. Trưởng phòng lao động là thành viên trong Ban chỉ đạo quy hoạch tổng thể và trực tiếp phụ trách tiểu ban chỉ đạo quy hoạch phân bố, sử dụng lao động. Các ban, ngành liên quan đều có nhiệm vụ tham gia, góp phần tích cực vào hoạt động của tiểu ban này.
2- Sở Lao động phối hợp với Ban Phân vùng kinh tế, Ủy ban Kế hoạch, Cục Thống kê thành phố, có nhiệm vụ hướng dẫn cụ thể nội dung, phương pháp và hỗ trợ các quận, huyện làm công tác này.
IV- TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN :
- Từ nay đến hết tháng 6/85, các quận, huyện chuẩn bị cán bộ, xây dựng xong tổ chức các đơn vị cơ sở, ban, ngành chuẩn bị xong tài liệu, phối hợp với quận, huyện tổ chức tập huấn cho cán bộ.
- Sở Lao động phối hợp với các ngành thống nhất lịch tổ chức điều tra, thu thập, xử lý, tổng hợp số liệu hoàn chỉnh để án và triển khai thực hiện đề án.
V- KINH PHÍ :
- Ủy ban Kế hoạch thành phố, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật thành phố, Sở Tài chánh trích trong ngân sách dành cho các hoạt động khoa học kỹ thuật chung của thành phố một số kinh phí, chuyển cho Sở Lao động quản lý để chi trong quá trình chỉ đạo công tác này.
- Các quận, huyện trích một phần kinh phí sự nghiệp và nghiên cứu khoa học của địa phương để chi cho việc thực hiện phần công tác của mình.
*
Giám đốc Sở Lao động có trách nhiệm giúp Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức việc thực hiện theo dõi tiến độ thực hiện và báo cáo cho Ủy ban Nhân dân thành phố.
Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các Sở, Ban, Ngành nói trên và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện thi hành nghiêm túc chỉ thị này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1 Quyết định 25/1999/QĐ-UB-NC bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lãnh vực kế hoạch-tổng hợp do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2 Quyết định 25/1999/QĐ-UB-NC bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lãnh vực kế hoạch-tổng hợp do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành