Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 08/CT-UBND

Tây Ninh, ngày 01 tháng 04 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC QUY HOẠCH XÂY DỰNG, QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG VÀ CẤP GIẤY CHỦ QUYỀN NHÀ Ở, CÔNG TRÌNH

Thi hành Luật Xây dựng ngày 26/11/2003, những năm qua Trung ương và tỉnh đã ban hành nhiều quy định, tạo được khung pháp lý cho các hoạt động trong lĩnh vực xây dựng ngày càng rõ ràng hơn về trách nhiệm, nội dung, trình tự và thẩm quyền thực hiện.

Việc phân cấp và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng và cấp giấy chủ quyền nhà ở và công trình ở tỉnh ta bước đầu tạo được nhiều chuyển biến tích cực; nhận thức về vị trí, vai trò của quy hoạch xây dựng, ý thức chấp hành pháp luật xây dựng được nâng lên; các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng được cải tiến theo hướng phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân; tình trạng xây dựng không phép, sai phép được kéo giảm…

Tuy nhiên thực tế đến nay, mức độ tổ chức thực hiện các việc trên ở tỉnh còn hạn chế. Công tác quy hoạch xây dựng bất cập cả về số lượng và chất lượng, gây nhiều bức xúc, vướng mắc trong đời sống dân cư, ảnh hưởng trực tiếp đến quản lý trật tự xây dựng, cấp giấy chủ quyền nhà ở, công trình, kêu gọi và thu hút đầu tư.

Ngày 28/2/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 09/2008/CT-TTg về việc tăng cường công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị.

Nhằm từng bước hình thành hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển đúng định hướng, khoa học; có diện mạo, cảnh quan đẹp - hài hòa; có bản sắc riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư; đồng thời về xây dựng, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bức xúc phát sinh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh chỉ thị:

1. Chủ tịch UBND huyện, thị xã, Giám đốc Sở Xây dựng căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng; Thông tư số 15/2005/TT-BXD ngày 19/8/2005 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng và Quyết định số 186/2007/QĐ-UBND ngày 23/3/2007 của UBND tỉnh về phân cấp quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 09/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị; Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/2/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị; khẩn trương rà soát, điều chỉnh và lập mới các quy hoạch xây dựng theo trách nhiệm, nội dung, trình tự và thẩm quyền đã được phân cấp, đạt yêu cầu chỉ đạo Trung ương, tỉnh.

Quá trình tổ chức thực hiện phải đạt các yêu cầu sau:

1.1. Chậm nhất đến cuối năm 2009, thị xã và các thị trấn trong tỉnh phải hoàn thành cơ bản trên địa bàn thị xã, thị trấn các quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000, làm cơ sở pháp lý để kêu gọi và triển khai các dự án đầu tư, quản lý trật tự xây dựng đô thị và cấp chủ quyền nhà ở, công trình.

1.2. Nội dung các đồ án quy hoạch xây dựng phải tuân thủ các quy định tại Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ; đặc biệt chú ý phải có thiết kế đô thị và đánh giá tác động môi trường theo quy định. Ngoài các khu chức năng, tỉ lệ đất dành cho giao thông đảm bảo trên 20%, cây xanh trên 10m2/người.

1.3. Đối với các huyện, thị đã có quy hoạch xây dựng được duyệt (QH chung và QH chi tiết): phải rà soát kỹ tính khả thi của các dự án theo quy hoạch, đánh giá mức độ phù hợp với điều kiện, đặc điểm phát triển của kinh tế xã hội, nguồn vốn triển khai ở địa phương, xác định cụ thể các dự án bị treo khi thực hiện theo qui hoạch được duyệt kiến nghị UBND tỉnh xử lý.

1.4. Đối với các huyện đã có quy hoạch chung được duyệt, chưa có QHCT 1/2000: phải rà soát quy hoạch chung tương tự như nói ở phần trên. Có kiến nghị điều chỉnh quy hoạch chung và lập mới quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000.

1.5. Việc điều chỉnh (hoặc lập mới) quy hoạch xây dựng phải đúng trình tự, thẩm quyền quy định. Cụ thể: (xem Quyết định 186/2007/QĐ-UBND ngày 23/3/2007), gồm các bước:

Bước 1: Lập (hoặc điều chỉnh) nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung;

Bước 2: Lập (hoặc điều chỉnh) nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết để quản lý;

Bước 3: Lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch 1/500 để triển khai dự án.

Việc lập quy hoạch chi tiết 1/500 khi lập dự án đầu tư xây dựng các khu chức năng, công trình xây dựng theo hướng dẫn số 559/SXD ngày 4/10/2007 của Sở Xây dựng.

1.6. Căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 (Quyết định số 147/2007/QĐ-UBND ngày 09/3/2007 của UBND tỉnh Tây Ninh) và đặc điểm tình hình thực tế đô thị hóa ở huyện, thị, UBND huyện, thị tổ chức, chỉ đạo đẩy nhanh công tác lập quy hoạch chi tiết xây dựng các điểm dân cư nông thôn, phấn đấu đến năm 2010 phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn trên địa bàn. Tùy quy mô, diện tích, dân số UBND huyện, thị quyết định việc lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 hay 1/500 đối với điểm dân cư nông thôn.

1.7. Về lập và thẩm định tổng dự toán quy hoạch (bao gồm lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng) thực hiện theo hướng dẫn của Sở Xây dựng (công văn số 397/SXD ngày 14/8/2007 của Sở Xây dựng).

2. Đối với những nơi chưa lập quy hoạch chi tiết xây dựng (trong phạm vi đô thị và nông thôn). Trong thời gian chờ lập quy hoạch chi tiết xây dựng, chủ tịch UBND huyện, thị xã khẩn trương quy định tạm thời và công bố ra dân:

- Các khu vực, tuyến đường cụ thể trên địa bàn phải xin phép xây dựng.

- Căn cứ quy hoạch giao thông, quy hoạch sử dụng đất được duyệt, đối với khu vực, tuyến đường phải xin phép xây dựng, UBND huyện, thị phải xây dựng và quy định rõ về chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng, chiều cao công trình, nhà ở, chiều cao tầng một; đồng thời khuyến cáo người dân xây dựng nhà đơn lẻ lựa chọn kiến trúc công trình phù hợp cảnh quan chung và nhà lân cận, tránh tương phản, lập dị từ hình khối đến kiểu dáng và màu sắc, tạo cảnh quan chung thiếu thẩm mỹ.

3. Đối với những nơi đã có quy hoạch chi tiết được duyệt, ngoài thẩm quyền điều chỉnh cục bộ theo quy định, UBND huyện, thị cần tiến hành rà soát, xác định các khu vực cần cấp giấy phép tạm, báo cáo UBND tỉnh theo quy định cấp phép xây dựng tạm tại Quyết định số 1502/2006/QĐ-UBND ngày 14/11/2006. Hiện nay, việc này chưa có huyện thị nào thực hiện, do vậy yêu cầu các huyện, thị khẩn trương triển khai thực hiện ngay và báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trước ngày 30/6/2008.

4. Tổ chức quản lý thực hiện các đồ án quy hoạch xây dựng được duyệt trên cơ sở áp dụng đồng bộ các biện pháp:

- Ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị.

- Tổ chức công bố các đồ án quy hoạch xây dựng để dân biết, dân kiểm tra và thực hiện.

- Lập, xét duyệt và đưa chỉ giới quy hoạch, cốt quy hoạch ra ngoài thực địa.

- Cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng, cấp chứng chỉ quy hoạch.

5. Về quản lý trật tự xây dựng:

- Đối với việc cấp phép xây dựng: thực hiện theo hướng dẫn số 273/HD-SXD ngày 13 tháng 6 năm 2007 của Sở Xây dựng.

- Việc cấp phép xây dựng phải dựa trên cơ sở pháp lý là quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt (1/2000 hoặc 1/500); hoặc căn cứ quy định tạm thời của UBND huyện, thị về các khu vực, tuyến đường phải xin phép xây dựng; hoặc theo quy định cấp phép tạm tại Quyết định số 1502/2006/QĐ-UBND.

Trường hợp cơ sở pháp lý chưa có, yêu cầu các cơ quan, đơn vị và cá nhân không được tùy tiện xử lý xây dựng không phép đối với nhà ở riêng lẻ của dân, nhất là ở nông thôn. Mọi trường hợp xử lý vi phạm về xây dựng không phép, sai phép phải tuân thủ các quy định tại Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007.

- Xử lý kiên quyết và dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng không đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; xây dựng không đúng với quy hoạch, xây dựng không phép hoặc xây dựng sai giấy phép; tự ý điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền và không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt.

6. Tổ chức thực hiện tốt việc cấp giấy chủ quyền nhà ở và công trình, theo các Quyết định số 269/2007/QĐ-UBND ngày 27/4/2007 và 270/2007/QĐ-UBND ngày 27/4/2007 của UBND tỉnh Tây Ninh.

a/ Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng phải được xem xét toàn diện, chặt chẽ về cơ sở pháp lý và phải xác định rõ nhà ở, công trình tạo lập có trước hay sau ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành (01/7/2006); có trước hay sau ngày công bố quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông, quy hoạch sử dụng đất (hoặc công bố quy định tạm thời của UBND huyện, thị xã về khu vực tuyến đường phải xin phép xây dựng, cấp phép tạm) để xử lý có tình, có lý. Không vì lỗi yếu kém trong quản lý nhà nước, trong các dự án bị treo khi thực hiện theo quy hoạch được duyệt mà gây thiệt hại bức xúc cho dân.

1. Đối với nhà ở, công trình tạo lập trước ngày 01/7/2006:

• Nếu tạo lập trước thời điểm công bố quy hoạch (hoặc quy định tạm thời UBND huyện, thị xã nếu có) được duyệt thì được cấp giấy nhà, đất theo hiện trạng.

• Nếu tạo lập sau thời điểm công bố quy hoạch được duyệt (hoặc quy định tạm thời UBND huyện, thị nếu có), phần nhà cấp theo quy hoạch, phần đất cấp theo hiện trạng (nếu chưa đền bù hoặc chưa có quyết định thu hồi đất của cấp thẩm quyền). Trong sơ đồ nhà đất phải thể hiện rõ lộ giới quy hoạch, phần nhà đất vi phạm quy hoạch thể hiện bằng nét đứt. Ghi rõ phần diện tích nhà đất vi phạm.

• Cả hai trường hợp đều không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng mà chỉ căn cứ 1/8 loại giấy tờ về tạo lập nhà quy định tại điểm 1, điều 33, Nghị định 90/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở để xét cấp giấy.

2. Đối với nhà ở, công trình sau 01/7/2006:

• Thuộc diện phải xin phép xây dựng:

- Trường hợp có giấy phép xây dựng: nếu xây dựng sai phép thì phải phạt vi phạm, buộc tháo dỡ phần sai phạm xong mới tiến hành cấp giấy. Trường hợp quá thời hạn xử phạt thì không phạt nhưng phải tháo dỡ xong mới xét cấp giấy.

- Trường hợp do điều chỉnh quy hoạch hay do sai sót trong quản lý, chủ đầu tư thực hiện đúng theo giấy phép nhưng không phù hợp với quy hoạch đang có hiệu lực thì xem xét cấp giấy, chủ đầu tư có cam kết tự tháo dỡ phần vi phạm quy hoạch khi nhà nước có yêu cầu triển khai dự án hoặc chỉnh trang đô thị.

- Trường hợp không có giấy phép xây dựng (mà theo quy định phải xin phép xây dựng): xử phạt vi phạm, buộc tháo dỡ phần vi phạm quy hoạch rồi mới cấp giấy. Trường hợp quá thời hiệu xử phạt thì không phạt nhưng phải tháo dỡ xong mới xét cấp giấy.

• Thuộc diện miễn cấp phép xây dựng:

- Đối với các trường hợp miễn xin phép xây dựng (nhà ở, công trình không sai thiết kế, không sai qui hoạch 1/500 được duyệt đối với dự án); hoặc chưa đủ cơ sở pháp lý quy định phải xin phép xây dựng thì xem xét cấp giấy theo hiện trạng. Trường hợp không phù hợp quy hoạch, không phù hợp quy định UBND huyện, thị thì chủ đầu tư làm cam kết tự tháo dỡ khi nhà nước triển khai dự án hoặc chỉnh trang đô thị mới xem xét cấp giấy.

b/ Đối với việc cấp giấy cho đối tượng là người nước ngoài, Sở Ngoại vụ hướng dẫn thủ tục xác nhận đối tượng là người nước ngoài thuộc diện được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.

c/ Đối với các trường hợp xin cấp giấy mà lộ giới giữa các quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông quy định không thống nhất thì xử lý như sau:

- Trong nội thị xã, thị trấn: những nơi chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt thì thực hiện theo quy hoạch giao thông được duyệt. Trường hợp lộ giới theo quy hoạch giao thông lớn hơn lộ giới quy hoạch xây dựng thì phải báo cáo UBND tỉnh xem xét.

- Ngoài nội thị xã, thị trấn thì thực hiện theo quy hoạch giao thông trừ trường hợp quy hoạch giao thông nhỏ hơn hiện trạng hoặc trước đây chính quyền địa phương có quy định về lộ giới, phải báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh xem xét.

7. Về tổ chức thực hiện:

a/ UBND các huyện thị:

- UBND huyện thị tiến hành rà soát, điều chỉnh và lập mới quy hoạch chung và chi tiết đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn trình duyệt theo quy định để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch đầu tư xây dựng hàng năm, triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, cấp phép xây dựng, cấp giấy chủ quyền nhà và công trình… hoàn thành việc phủ kín Quy hoạch chi tiết xây dựng chậm nhất đến cuối năm 2009 đối với đô thị và chậm nhất đến năm 2010 đối với điểm dân cư nông thôn. Đồng thời nhanh chóng có quy định các khu vực, tuyến đường phải xin phép xây dựng, xác định khu vực cấp phép xây dựng tạm theo mục 2, 3 của chỉ thị này.

- Đối với các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt còn hiệu lực và các đồ án mới được phê duyệt theo Nghị định 08 của Chính phủ, UBND huyện thị tổ chức quản lý thực hiện các đồ án quy hoạch xây dựng được duyệt trên cơ sở áp dụng đồng bộ các biện pháp:

+ Ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị.

+ Tổ chức công bố các đồ án quy hoạch xây dựng để dân biết, dân kiểm tra và thực hiện.

+ Lập, xét duyệt và đưa chỉ giới quy hoạch, cốt quy hoạch ra ngoài thực địa.

+ Cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng, cấp chứng chỉ quy hoạch.

- Tăng cường kiểm tra thực hiện dự án theo quy hoạch xây dựng được duyệt, giấy phép xây dựng bảo đảm chất lượng kiến trúc, cảnh quan và môi trường thuộc phạm vi được phân cấp.

- UBND huyện, thị chủ trì tổ chức rà soát lộ giới các tuyến đường trên địa bàn theo quy hoạch xây dựng và quy hoạch giao thông đang có hiệu lực thi hành, phát hiện mâu thuẩn (nếu có), báo cáo Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng trước ngày 30/4/2008 để tham mưu UBND tỉnh xem xét quyết định.

- Xây dựng kế hoạch nhu cầu vốn lập quy hoạch xây dựng hàng năm gởi Sở Xây dựng và Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND tỉnh.

b/ Sở Xây dựng:

- Hướng dẫn UBND huyện thị các bước và trình tự lập quy hoạch xây dựng đô thị theo Nghị định số 08/2005/NĐ-CP .

- Hoàn thành công tác cắm mốc tìm đường và cao lộ theo quy hoạch của Thị xã và 8 Thị trấn của các quy hoạch xây dựng đã được duyệt để bàn giao cho Huyện thị quản lý sử dụng trong năm 2008.

- Hướng dẫn UBND huyện thị nội dung xét phù hợp quy hoạch và giấy tờ tạo lập nhà đất khi cấp giấy chủ quyền nhà ở và công trình.

- Phối hợp cùng Sở Giao thông Vận tải đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh phù hợp đối với lộ giới giao thông trong đô thị trên cơ sở đề xuất, rà soát lộ giới của UBND huyện thị.

- Chủ trì kết hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, thẩm định và phân bổ vốn quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh xem xét để đảm bảo hoàn thành quy hoạch đô thị trong năm 2009 và quy hoạch điểm dân cư nông thôn trong năm 2010.

- Sở Xây dựng tăng cường việc kiểm tra thực hiện dự án đầu tư xây dựng và công trình xây dựng theo quy hoạch xây dựng được duyệt, giấy phép xây dựng đảm bảo chất lượng kiến trúc, cảnh quan và môi trường.

- Thanh tra xây dựng xử lý kiến quyết và dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng không đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; xây dựng không đúng với quy hoạch, xây dựng không phép hoặc xây dựng sai giấy phép; tự ý điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền và không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt.

c/ Sở Tài chính: Ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước cho công tác lập quy hoạch chi tiết xây dựng tại các đô thị và điểm dân cư nông thôn. Trong thời kỳ ổn định ngân sách (2007 - 2010), sử dụng vốn ngân sách tỉnh chi bổ sung cho ngân sách huyện thị xã để thực hiện công tác quy hoạch. Đến thời kỳ ổn định ngân sách sau, sẽ tính toán tỉ lệ điều tiết phù hợp và cân đối vào ngân sách huyện thị xã theo phân cấp.

d/ Sở Giao thông Vận tải: Chủ trì phối hợp cùng Sở Xây dựng đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh phù hợp đối với lộ giới giao thông trong và ngoài đô thị trên cơ sở đề xuất, rà soát lộ giới của UBND huyện thị.

đ/ Sở Nội vụ:

- Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, UBND huyện thị hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và bộ máy quản lý đô thị tại Sở Xây dựng và huyện thị xã theo đúng hướng tăng cường quyền hạn, trách nhiệm và tính chủ động cho chính quyền đô thị các cấp (theo Nghị định 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ về Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tại Thị xã chức năng tham mưu thuộc Phòng Quản lý đô thị, tại các huyện còn lại thuộc Phòng Công thương).

- Phối hợp Sở Xây dựng tổ chức các lớp đào tạo cán bộ quản lý đô thị.

c/ Sở Ngoại vụ:

- Sở Ngoại vụ hướng dẫn Sở Xây dựng và UBND huyện thị về thủ tục xác nhận đối tượng là người nước ngoài thuộc diện được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.

Yêu cầu giám đốc các Sở, ngành chức năng, chủ tịch UBND huyện, thị tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ thị này.