Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 10 tháng 05 năm 2016

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ TỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Luật Hộ tịch đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016. Luật Hộ tịch được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở nước ta theo hướng từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, bảo đảm một cách thuận lợi cho người dân thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch theo quy định, góp phần tăng cường quản lý dân cư trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Trong những năm qua, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những bước phát triển ổn định và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần khẳng định vị trí, vai trò và tâm quan trọng của công tác này đối với quản lý nhà nước và xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Nhằm phát huy kết quả đã đạt được và tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ thị:

1. Sở Tư pháp

a) Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về hộ tịch. Tập trung phổ biến, giáo dục trong các cơ quan, các tổ chức đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong toàn tỉnh dưới nhiều hình thức, từ đó tạo sự chuyển biến về ý thức tôn trọng và chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch trong các cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

b) Hướng dẫn Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, công chức Tư pháp - hộ tịch các xã, phường, thị trấn tham mưu cho UBND cùng cấp thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý hộ tịch theo quy định của pháp luật.

c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, khắc phục, sửa chữa kịp thời những sai sót, hạn chế trong hoạt động nghiệp vụ hộ tịch trên địa bàn tỉnh.

d) Phối hợp với Sở Nội vụ, Trường Chính trị tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về đăng ký, quản lý hộ tịch cho công chức tư pháp cấp huyện và công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã nhằm nâng cao kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chống mọi biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu trong việc thực hiện đăng ký hộ tịch cho công dân.

e) Thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch nhằm kịp thời tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc công bố mới các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.

g) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, UBND các huyện, thành phố (gọi chung là UBND cấp huyện), UBND các xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã) trong việc tiếp nhận và vận hành phần mềm quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.

h) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh kịp thời quy định về việc thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí hộ tịch trên địa bàn tỉnh theo quy định của Bộ Tài chính.

2. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và UBND cấp huyện, UBND cấp xã tiến hành rà soát, kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp cấp huyện, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã; có kế hoạch đào tạo đội ngũ này đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hộ tịch nhằm đảm bảo chất lượng để thực hiện công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính

a) Phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh kịp thời quy định về việc thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí hộ tịch trên địa bàn tỉnh.

b) Hướng dẫn UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong việc thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí hộ tịch theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

4. Cục Thuế tỉnh

Chỉ đạo, hướng dẫn và theo dõi Chi cục Thuế các huyện, thành phố thuộc tỉnh kịp thời cung cấp biên lai thu lệ phí hộ tịch theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Tham mưu đề xuất UBND tỉnh các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh.

b) Phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong việc tiếp nhận và vận hành phần mềm quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.

6. Các Sở, Ban, Ngành khác có liên quan

Trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp và UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hộ tịch cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị mình.

7. Đ nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể cấp tỉnh

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để không ngừng nâng cao nhận thức và ý thức tự chấp hành pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch cho hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

8. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Phổ biến Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thông qua hệ thống Đài truyền thanh, truyền hình đến người dân trên địa bàn tỉnh, sắp xếp thời lượng trong chương trình, chuyên trang, chuyên mục về pháp luật hợp lý, phát sóng vào khung giờ phù hợp để người dân có thể dễ dàng tiếp nhận các thông tin về đăng ký và quản lý hộ tịch.

9. UBND cấp huyện

a) Bố trí kinh phí, cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ tốt công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn huyện, thành phố.

b) Chỉ đạo Phòng Tư pháp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời hạn, lệ phí đăng ký hộ tịch; thực hiện việc lưu trữ sổ sách, giấy tờ hộ tịch, sử dụng sổ hộ tịch và biểu mẫu hộ tịch đúng theo quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành.

c) Chủ động kiện toàn Phòng Tư pháp đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng; chỉ đạo Phòng Nội vụ thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức Tư pháp - Hộ tịch; đồng thời, phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ hộ tịch cho đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã trên địa bàn quản lý.

d) Chỉ đạo Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên thực hiện tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Hộ tịch và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn bằng các hình thức theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

e) Tăng cường công tác kiểm tra về nghiệp vụ đăng ký và quản lý hộ tịch ở UBND cấp xã; giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiệm các hành vi vi phạm pháp luật về hộ tịch theo thẩm quyền.

10. UBND cấp xã

a) Tổ chức thực hiện tốt công tác đăng ký hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành;

b) Sắp xếp, bố trí công chức Tư pháp - Hộ tịch đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định; thường xuyên rà soát và cử công chức Tư pháp - Hộ tịch tham gia các lớp đào tạo nghiệp vụ đăng ký và quản lý hộ tịch do Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp tổ chức.

c) Thực hiện việc lưu trữ sổ sách, giấy tờ hộ tịch, sử dụng sổ hộ tịch và biểu mẫu hộ tịch đúng theo quy định.

d) Thực hiện nghiêm túc công tác báo cáo, thống kê số liệu hộ tịch theo quy định của pháp luật;

e) Phát huy vai trò của đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, thành viên Tổ hòa giải trong việc tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Hộ tịch và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tận người dân ở cơ sở thông qua các buổi sinh hoạt tổ, khu phố, thôn ấp và trên hệ thống truyền thanh cơ sở;

g) Thường xuyên kiểm tra các hoạt động của công chức tư pháp - Hộ tịch; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở địa phương.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm thực hiện các quy định của Luật Hộ tịch và Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện Chỉ thị, nếu có phát sinh vướng mắc, các cơ quan, đơn vị gửi báo cáo về Sở Tư pháp để tổng hợp tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Giao Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, kịp thời báo cáo UBND tỉnh.

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp (Cục HTQTCT);
- Cục Công tác phía Nam - BTP;
- TTr Tỉnh ủy, TTr HĐND tỉnh (để b/c);
- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh;
- Cục Thuế tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam và các đoàn thể cấp tỉnh;
- Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Báo Bà Rịa - Vũng Tàu;
- UBND các huyện, thành phố;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Lưu: VT, PCNC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Tịnh