ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UBND | Hà Nam, ngày 18 tháng 08 năm 2017 |
CHỈ THỊ
V/V TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XÃ HỘI HÓA, HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC CHỐNG XUỐNG CẤP, TU BỔ, TÔN TẠO DI TÍCH, DANH LAM THẮNG CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Những năm qua, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hoạt động tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (sau đây viết tắt là di tích) trên địa bàn tỉnh đã huy động được tổng hợp các nguồn lực và sự ủng hộ tích cực của cộng đồng, nhân dân. Tuy nhiên, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích còn những hạn chế cần khắc phục, cả trong nhận thức, tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực và sử dụng kinh phí xã hội hóa.
Để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, góp phần thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tuyên truyền sâu rộng và thực hiện hiệu quả Luật Di sản văn hóa, các văn bản dưới Luật, đặc biệt là các Quyết định của UBND tỉnh: số 48/2013/QĐ-UBND ngày 24/9/2013 ban hành Quy định về phân cấp quản lý di tích, số 1379/QĐ-UBND ngày 12/9/2016 phê duyệt đề án chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo di tích cấp tỉnh.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác xã hội hóa hoạt động tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích; bảo tồn phát huy giá trị của di tích; quy trình, thủ tục hồ sơ tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp di tích. Đặc biệt lưu ý: Di tích trước khi được công nhận, phải được hướng dẫn tu bổ, tôn tạo đảm bảo giữ gìn tính nguyên gốc của di tích, không làm sai lệch các giá trị và đặc điểm vốn có của di tích, không làm biến đổi những yếu tố cấu thành của di tích; tu bổ, tôn tạo di tích phải gắn với phát huy những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của di tích, phù hợp với quy hoạch; xã hội hóa, huy động sự tham gia của cộng đồng trong tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích bằng nhiều hình thức khác nhau.
- Kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình hiệu quả, các cá nhân, tổ chức tích cực tham gia vận động, đóng góp xã hội hóa tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
- Phối hợp với sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài chính tham mưu xây dựng cơ chế, danh mục, quy trình... vận động xã hội hóa.
3. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Nam và các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác xã hội hóa hoạt động tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về các tập thể, cá nhân, địa phương có nhiều thành tích trong công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn, tôn tạo các di tích.
4. Sở Xây dựng thẩm định hồ sơ kỹ thuật liên quan thiết kế, thi công tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích đảm bảo đúng quy định, quy hoạch và bảo tồn những giá trị lịch sử, nghệ thuật truyền thống, đặc biệt ưu tiên đẩy nhanh quá trình thẩm định các hồ sơ di tích đề nghị tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp bằng nguồn xã hội hóa.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh cơ chế hỗ trợ, khuyến khích hoạt động tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích được thực hiện từ các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước.
6. Công an tỉnh tăng cường phối hợp với ngành Văn hóa, các địa phương đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ tại các di tích, các khu, điểm du lịch; kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di tích và xã hội hóa tôn tạo di tích.
7. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn: Kiện toàn, tập huấn chuyên môn cho các Ban quản lý di tích; rà soát, thống kê hiện trạng, mức độ xuống cấp của di tích; tuyên truyền, vận động và thực hiện đa dạng các hình thức huy động các nguồn vốn xã hội hóa và sự tham gia công sức của cộng đồng; hướng dẫn người hảo tâm cúng tiến, sắp đặt đồ thờ, hiện vật phù hợp với di tích, với quy định pháp luật và thuần phong mỹ tục; tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, có sổ sách theo dõi công khai, minh bạch.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện xã hội hóa công tác tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Quyết định 34/2015/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- 2 Quyết định 32/2015/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 3 Quyết định 84/2014/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, bảo vệ, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 4 Quyết định 48/2013/QĐ-UBND về Quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 5 Luật di sản văn hóa 2001
- 1 Quyết định 84/2014/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, bảo vệ, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 2 Quyết định 32/2015/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 3 Quyết định 34/2015/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình