ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UBND | Cà Mau, ngày 13 tháng 10 năm 2023 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG TRONG THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
Các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định đầu tư. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan đã ban hành các văn bản pháp lý quy định, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 56/82 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 03/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Thành phố Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tổng số hộ nghèo còn 7.407 hộ, chiếm tỷ lệ 2,41% (giảm 2.162 hộ, tỷ lệ giảm 0,73% so với cùng kỳ năm 2021, vượt kế hoạch đề ra 0,56%); hộ cận nghèo 5.710 hộ, chiếm tỷ lệ 1,86% (giảm 1.223 hộ, tỷ lệ giảm 0,41% so với cùng kỳ năm 2021). Dự báo đến cuối năm 2023 toàn tỉnh còn 4.944 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,61% (giảm 2.463 hộ, với tỷ lệ giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022). Hàng năm giảm bình quân 2% hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn nhất định như: các địa phương còn lúng túng trong việc áp dụng các văn bản nguồn của các Bộ, ngành Trung ương; chưa chủ động trong thực hiện các thủ tục đầu tư đối với các dự án, tiểu dự án, dự án thành phần; tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư còn chậm dẫn đến tỷ lệ giải ngân đạt thấp so với yêu cầu; đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia chủ yếu kiêm nhiệm nên hiệu quả chưa cao; huy động nguồn lực ngoài ngân sách còn hạn chế, vẫn còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của cấp trên...
Để nâng cao hiệu quả tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh thời gian tới, đáp ứng yêu cầu hoàn thành đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và đơn vị có liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ như sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tại cơ quan, đơn vị và địa phương.
2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp, đặc biệt phát huy tối đa sự tham gia, giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, người dân địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
3. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân cấp xã và đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định, đảm bảo tiến độ và kịp thời giải ngân nguồn vốn thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia được phân bổ. Đối với những năm tiếp theo, các đơn vị được giao kế hoạch vốn cần chủ động triển khai các thủ tục đầu tư để đảm bảo tiến độ thực hiện, giải ngân đúng quy định.
4. Đối với các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì quản lý 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Dân tộc) chịu trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện từng Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh hàng năm; đồng thời, chủ trì việc tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo kế hoạch đã ban hành.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu đề xuất cấp thẩm quyền xem xét ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thực hiện từng Chương trình (nếu có) phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các Chương trình tại các địa phương, đơn vị. Tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, Ban Chỉ đạo Trung ương kết quả thực hiện Chương trình theo quy định.
- Làm đầu mối tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn từng Chương trình; đăng ký đề xuất nhu cầu bố trí và điều chỉnh vốn theo từng nội dung, dự án thành phần, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (đối với nguồn vốn đầu tư phát triển), Sở Tài chính (đối với nguồn vốn sự nghiệp) để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh theo định kỳ hoặc theo yêu cầu.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc, đơn vị có liên quan, tham mưu phân bổ kế hoạch vốn (nguồn vốn đầu tư phát triển) thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm và hàng năm theo quy định; theo dõi, tổng hợp tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn (nguồn vốn đầu tư phát triển) thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia.
6. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc, đơn vị có liên quan, tham mưu phân bổ kế hoạch vốn (nguồn vốn sự nghiệp) thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm và hàng năm theo quy định; theo dõi, tổng hợp tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn (nguồn sự nghiệp) thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.
7. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh có liên quan, căn cứ Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương liên quan, để tổ chức thực hiện các Chương trình trong phạm vi quản lý; chủ động xem xét giải quyết khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, quy định; trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, tham mưu đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, chỉ đạo, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân cấp xã khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương theo Kế hoạch của tỉnh; chủ động cân đối, bố trí ngân sách cấp huyện, cấp xã, thực hiện lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia và từ các chương trình, dự án khác được giao, để thực hiện các Chương trình bảo đảm hiệu quả, đúng quy định.
Định kỳ hàng tháng, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo tình hình, tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân (các công trình, dự án cụ thể) các Chương trình mục tiêu quốc gia về các cơ quan chủ trì quản lý Chương trình để tổng hợp; đồng thời, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (nguồn vốn đầu tư phát triển), Sở Tài chính (nguồn vốn sự nghiệp) để theo dõi, tổng hợp báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp thực hiện vai trò giám sát trong quá trình tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; quan tâm hỗ trợ huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Chỉ thị 03/CT-UBND về tăng cường vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020 do tỉnh Kon Tum ban hành
- 2 Chỉ thị 04/CT-UBND về tăng cường vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 do tỉnh Kon Tum ban hành
- 3 Chỉ thị 04/CT-UBND về tăng cường vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 do tỉnh Kon Tum ban hành