BỘ THUỶ SẢN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2005/CT-BTS | Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC CỦA NGÀNH THUỶ SẢN PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM VÀ ĐẠI DỊCH CÚM Ở NGƯỜI
Theo thông báo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, đại dịch cúm ở người, đến nay, dịch cúm gia cầm với tác nhân gây bệnh là vi rút H5N1 đã xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và đã phát hiện một số trường hợp mắc bệnh cúm do vi rút H5N1 ở người. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 53-CT/TW ngày 28/10/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg và gửi công điện khẩn số 1856/TTg-NN ngày 19/11/2005 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong cả nước triển khai các biện pháp khẩn cấp nhằm khoanh vùng, tiêu diệt các ổ dịch đã phát sinh, ngăn chặn lây lan sang các vùng và địa phương khác, đặc biệt là phòng ngừa lây nhiễm virus cúm H5N1 sang người.
Nhằm tích cực thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản chỉ thị :
1. Ban công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người của Bộ Thuỷ sản (thành lập theo Quyết định số 1267/QĐ-BTS ngày 2/11/2005), Công đoàn Ngành Thuỷ sản, các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có quản lý thuỷ sản, các cơ quan thuộc Bộ Thuỷ sản, Hội Nghề cá, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, các cơ sở sản xuất kinh doanh thuỷ sản có trách nhiệm tuyên truyền, động viên cán bộ công nhân viên ngành thuỷ sản, bà con ngư dân thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ cộng đồng chống dịch cúm gia cầm và phòng đại dịch cúm ở người theo kế hoạch của Chính phủ và địa phương; Tham gia tích cực vào các hoạt động chống dịch cúm gia cầm và phòng đại dịch cúm ở người tại địa phương nơi công tác và cư trú.
2. Vụ Kế hoạch Tài chính, các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có quản lý thuỷ sản, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh và chế biến sản phẩm thuỷ sản nắm nhu cầu tiêu dùng trong nước, chủ động và có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất thực phẩm thuỷ sản, áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và giảm thấp giá thành để cung cấp cho thị trường trong nước nhằm bù đắp sự thiếu hụt thực phẩm từ gia cầm cho nhân dân của từng địa phương và các thành phố lớn, các khu công nghiệp tập trung. Đồng thời, có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng thuỷ sản dự trữ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thực phẩm tăng cao trong ngày Lễ hội, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, góp phần thiết thực vào việc bình ổn giá cả thị trường và ổn định cuộc sống nhân dân.
3. Cục Quản lý chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thuỷ sản – cơ quan thường trực Ban công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người của Bộ Thuỷ sản, có trách nhiệm :
a. Thành lập tổ thường trực công tác chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người của Bộ Thuỷ sản làm đầu mối tiếp nhận thông tin và triển khai các quy định, kế hoạch của ngành về công tác phòng chống dịch đến các đơn vị có liên quan trong toàn ngành.
b. Tăng cường giám sát khâu cung ứng các yếu tố đầu vào của quá trình nuôi trồng thuỷ sản. Nghiêm cấm các cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn, thuốc thú y, người dân nuôi trồng thuỷ sản sử dụng phân gà và các chế phẩm khác của gia cầm không rõ nguồn gốc trong sản xuất và nuôi trồng thuỷ sản.
Kiểm soát chặt chẽ nhằm tránh lây lan nguồn vi rút vào môi trường thuỷ sản và môi trường sản xuất. Hướng dẫn cho người nuôi trồng thuỷ sản thực hiện vệ sinh phòng ngừa lây nhiễm khi sử dụng các sản phẩm, nguyên liệu từ gia cầm, thuỷ cầm đã được kiểm dịch sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản.
c. Chủ trì thống kê danh mục các thiết bị và phương tiện, năng lực khác để thực hiện nội dung mục 4 dưới đây. Đầu mối của Bộ trong quan hệ với Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thực hiện nhiệm vụ này.
4. Các đơn vị chuyên môn thuộc ngành, đặc biệt các đơn vị có trang thiết bị có thể hỗ trợ cho ngành y tế và thú y khi cần thiết (các cơ quan quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản ở trung ương và địa phương, các Viện, Trường, …) có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thuỷ sản, chủ động chuẩn bị trang thiết bị, nhân sự sẵn sàng tham gia đào tạo – tập huấn, tiếp nhận hoá chất, môi trường, kít thử hỗ trợ phòng, chống dịch khi được yêu cầu.
5. Vụ Kế hoạch Tài chính phối hợp với thường trực Ban công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và địa dịch cúm ở người của Bộ Thuỷ sản chủ động lập kế hoạch tài chính để đảm bảo chi phí cho hoạt động phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người. Tổng hợp, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ phê duyệt đối với các khoản chi lớn, vượt quá khả năng chi ngân sách của đơn vị và Bộ Thuỷ sản.
6. Các cơ quan đơn vị có trách nhiệm thường xuyên cập nhật thông tin, theo sát diễn biến tình hình, nắm bắt kịp thời nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch cúm ở người, để triển khai thực hiện. Định kỳ ngày 15 và ngày 30 hàng tháng gửi báo cáo về thường trực Ban công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người của Bộ Thuỷ sản.
Ban công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người Bộ Thuỷ sản có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ hướng dẫn triển khai và kiểm tra giám sát thực hiện chỉ thị này. Định kỳ ngày 5 và 20 hàng tháng (hoặc đột xuất khi phát hiện có người làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp trong ngành thuỷ sản bị mắc dịch cúm gia cầm) tổng hợp, báo cáo tình hình phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người cho Bộ trưởng và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người.
6. Ban công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người của Bộ Thuỷ sản có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch hành động chi tiết của Ngành Thuỷ sản phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người, phân công và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị có liên quan, trình Bộ ban hành và tổ chức điều phối, hướng dẫn việc thực hiện.
| BỘ TRƯỞNG
|
- 1 Chỉ thị 53/CT-TW năm 2005 về triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 2 Chỉ thị 34/2005/CT-TTg về tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 751/2004/QĐ-TTg về việc thay đổi Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Chỉ thị 22/2004/CT-TTg về tiếp tục phòng chống dịch cúm gia cầm và nhanh chóng khôi phục phát triển sản xuất chăn nuôi gia cầm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Chỉ thị 34/2005/CT-TTg về tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 751/2004/QĐ-TTg về việc thay đổi Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo số 2786/TB-BTS về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng tại cuộc họp Ban công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người Bộ thuỷ sản ngày 23/11/2005 do Bộ Thủy sản ban hành
- 4 Chỉ thị 53/CT-TW năm 2005 về triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 5 Chỉ thị 22/2004/CT-TTg về tiếp tục phòng chống dịch cúm gia cầm và nhanh chóng khôi phục phát triển sản xuất chăn nuôi gia cầm do Thủ tướng Chính phủ ban hành