UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2005/CT-UB | Hà Nội, ngày 23 tháng 3 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO, ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI DỰ ÁN XÂY DỰNG HẠ TẦNG KỸ THUẬT XUNG QUANH HỒ TÂY
Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây là dự án trọng điểm của Thành phố. Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, UBND quận Tây Hồ và Ban quản lý dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây đã có nhiều tích cực, cố gắng và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên tiến độ triển khai giải phóng mặt bằng, thi công một số gói thầu chưa đáp ứng được yêu cầu, việc xử lý các vướng mắc khó khăn, nhất là các vấn đề về quy hoạch kiến trúc, đền bù giải phóng mặt bằng còn chậm, hiệu quả chưa cao. Năm 2005 là năm phải hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian còn lại rất ngắn, nhưng khối lượng công việc lại rất nhiều nên đòi hỏi phải có sự quyết tâm, nỗ lực và tập trung cao độ trong chủ đạo của các cấp uỷ, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Sở, ngành; sự năng động, sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao của Chủ đầu tư và sự đồng tình, ủng hộ tích cực của nhân dân trong khu vực dự án. Để đảm bảo thực hiện dự án đúng tiến độ, đạt hiệu quả và tiêu chuẩn chất lượng, UBND Thành phố chỉ thị:
1. Ban Quản lý dự án xây dựng Hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây (Chủ đầu tư) phải chịu trách nhiệm toàn diện về việc triển khai thực hiện dự án đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng công trình và các thủ tục theo quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình của Nhà nước; Rà soát lại toàn bộ nội dung công việc còn lại của dự án, báo cáo UBND quận Tây Hồ và Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất xây dựng, thông qua kế hoạch tiến độ triển khai chi tiết từng hạng mục của dự án, đảm bảo hoàn thành theo tinh thần Quyết định phê duyệt dự án của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Thường trực Thành uỷ, UBND Thành phố làm cơ sở để triển khai thực hiện. Theo đó, công tác giải phóng mặt bằng thuộc các gói thầu đang triển khai thi công thuộc kế hoạch đấu thầu giai đoạn I phải hoàn thành trước ngày 30/4/2005; Các gói thầu còn lại phải hoàn thành thủ tục giải phóng mặt bằng và khởi công trước ngày 30/7/2005; Hoàn thành đồng bộ và đảm bảo đủ điều kiện để sớm đưa khu di dân Xuân La II vào khai thác sử dụng trong tháng 6/2005; Chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.
2. UBND quận Tây Hồ có trách nhiệm nghiên cứu, bố trí cán bộ có đủ năng lực và kinh nghiệm công tác cho Ban QLDA; phối hợp với các sở, ngành có liên quan bổ sung cơ sở vật chất, chi phí quản lý đảm bảo cho Chủ đầu tư có đủ điều kiện để thực hiện dự án; chỉ đạo Chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án theo kế hoạch tiến độ đã thống nhất, được UBND Thành phố phê duyệt; Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Công chính và các sở ngành có liên quan nghiên cứu, soạn thảo Quy chế quản lý khu vực Hồ Tây, báo cáo UBND Thành phố; Tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và nhân dân trong khu vực dự án đồng tình, ủng hộ và tự giác chấp hành những quy định của Thành phố; Phối hợp với các sở, ngành có liên quan và cơ quan nội chính giải quyết dứt điểm khiếu nại của công dân tại Cụm 3 phường Xuân La theo quy định của pháp luật, kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình chây ỳ, cản trở công tác GPMB làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, thực hiện dự án.
3. UBND quận Tây Hồ và UBND quận Ba Đình phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất và các sở, ngành, cấp có liên quan kiểm tra, xử lý dỡ bỏ các lều lán xây dựng, kinh doanh trái phép trên mặt đất và mặt nước xung quanh Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch; Báo cáo UBND Thành phố thu hồi hoặc ra văn bản thu hồi (đối với những trường hợp thuộc thẩm quyền) những khu đất sử dụng sai mục đích, ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc, môi trường đô thị và trật an toàn xã hội.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án; Chủ động đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù được phép áp dụng để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đấu thầu.
5. Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cân đối đảm bảo đủ nguồn vốn để triển khai Dự án; ưu tiên tập trung nguồn vốn để triển khai Dự án; ưu tiên tập trung nguồn vốn thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất khu đất 1,3 ha phía sau Phủ Tây Hồ và khu đất 18,6 ha nằm giữa đường Lạc Long Quân và đường vành đai 2 để đáp ứng nhu cầu vốn triển khai Dự án theo tiến độ.
6. Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định kết quả thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu, hỗ trợ Chủ đầu tư thực hiện phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu còn lại theo đúng quy định về quản lý dự án các công trình xây dựng tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ; Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc Chủ đầu tư thực hiện nghiêm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.
7. Sở Quy hoạch Kiến trúc có trách nhiệm kiểm tra, xác định chỉ giới đường và kè đoạn qua Câu lạc bộ Hà Nội, đường lên đê Yên Phụ, nhà khách K5, nhà nghỉ TƯ và đoạn qua Công viên nước Hồ Tây... và các đoạn còn lại trình UBND Thành phố phê duyệt trong tháng 4/2005.
8. Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất nghiên cứu, hướng dẫn Chủ đầu tư thực hiện quy trình điều tra, lập phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư theo đúng quy định của Luật Đất đai và phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố; khẩn trương tổ chức bàn giao cho Chủ đầu tư mốc giới các khu vực điều tra hiện trạng, giải phóng mặt bằng của các gói thầu còn lại; phối hợp với Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng Thành phố và UBND quận Tây Hồ rà soát, cân đối quỹ nhà, quỹ đất trên địa bàn quận Tây Hồ, đáp ứng đủ nhu cầu tái định cư của dự án đồng thời chủ động đề xuất, xây dựng cơ chế chính sách có liên quan đến công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư.
9. Ban Chỉ đạo xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây duy trì giao ban hàng tháng để kiểm điểm tiến độ, chỉ đạo các ngành, cấp có liên quan kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.
10. Đề nghị Quận uỷ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội quận Tây Hồ tích cực tham gia, chỉ đạo và hỗ trợ Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng vào cuối năm 2005, tạo thêm một điểm sáng mới phục vụ lợi ích công cộng của cộng đồng dân cư khu vực, đồng bào Thủ đô và nhân dân cả nước, lập thành tích thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XIV.
UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành, UBND quận Tây Hồ và các tổ chức cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phải kịp thời phản ánh, báo cáo UBND Thành phố xử lý, không được để chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
| T/M UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
- 1 Chỉ thị 27/2007/CT-UBND về tổ chức thực hiện tổng thầu xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2 Nghị định 16/2005/NĐ-CP về việc quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
- 3 Luật Đất đai 2003
- 4 Chỉ thị 29/CT-UB năm 1993 về việc tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm lộ giới và hành lang an toàn hệ thống truyền tải điện và các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1 Chỉ thị 27/2007/CT-UBND về tổ chức thực hiện tổng thầu xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2 Chỉ thị 29/CT-UB năm 1993 về việc tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm lộ giới và hành lang an toàn hệ thống truyền tải điện và các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành