UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2008/CT-UBND | Bến Tre, ngày 07 tháng 8 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG, DẬP DỊCH BỆNH TAI XANH HEO
Hiện nay tại xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày đã xảy ra dịch bệnh trên đàn heo, có chiều hướng lây lan ra diện rộng. Qua xét nghiệm mẫu bệnh phẩm heo được lấy từ ấp Thanh Sơn, xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre đã có kết quả dương tính với vi rút gây bệnh tai xanh heo (Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở heo).
Bệnh tai xanh là bệnh nguy hiểm, có tốc độ lây lan rất nhanh và có thể gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi heo. Tình hình dịch tại xã Cẩm Sơn thuộc huyện Mỏ Cày đang diễn ra rất phức tạp và có nguy cơ lây lan đến các xã lân cận khác trong huyện, cũng như các huyện khác trong tỉnh là rất lớn do việc giấu bệnh, giữ lại gia súc bệnh để điều trị, khó khăn trong việc kiểm soát buôn bán, vận chuyển heo ...
Để khống chế, ngăn chặn và dập dịch bệnh tai xanh trên heo, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền, các sở, ban ngành, đoàn thể thực hiện các biện pháp cấp bách sau:
1. Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm các cấp từ tỉnh đến cấp xã để phân công trách nhiệm các thành viên theo dõi địa bàn, giúp các địa phương tổ chức triển khai công tác giám sát dịch bệnh heo tai xanh kịp thời và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và đột xuất của mình.
Từng địa bàn hành chính từ cấp xã, phường, thị trấn phải tổ chức kiểm tra và thống kê lại số hộ nuôi heo, số heo hiện có, số heo nghi bệnh; xây dựng kế hoạch hành động khẩn cấp và kế hoạch hành động phòng, chống dịch tai xanh ở heo khi có dịch xảy ra; tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh; kiên quyết không để dịch tai xanh heo lây lan, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và thiệt hại tài sản của nhân dân.
2. Tăng cường thông tin tuyên truyền
Thực hiện tốt việc tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, nhất là hướng dẫn người chăn nuôi về triệu chứng dịch bệnh và biện pháp phòng ngừa bệnh tai xanh heo, làm cho nhân dân có ý thức chủ động phòng, chống dịch tai xanh heo, chủ động phát hiện và tự giác khai báo dịch.
Tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi trong từng ấp ký cam kết thực hiện "5 không": không giấu dịch; không mua heo bệnh, sản phẩm của heo bệnh; không bán chạy heo bệnh; không vận chuyển heo bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt bừa bãi xác heo bệnh ra môi trường.
Việc tuyên truyền, đưa tin dịch bệnh tai xanh heo phải phù hợp với tình hình dịch bệnh ở địa phương và không gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.
3. Thực hiện các biện pháp phòng, chống, dập dịch tai xanh
a) Tại xã có dịch:
- Phân công lãnh đạo địa phương, các ngành, các cấp phối hợp với cơ quan chuyên môn, các tổ chức đoàn thể đến tận ấp, xã tiến hành việc giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên đàn heo tới từng hộ chăn nuôi; phải tổ chức trực 24/24 kể cả ngày nghỉ, lễ, báo cáo hàng ngày tình hình dập dịch về Ủy ban nhân dân huyện, giúp cho chỉ đạo.
- Tiêu hủy ngay toàn bộ số heo mắc bệnh (không chờ kết quả xét nghiệm), tuyệt đối không chữa trị và chủ động thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi theo Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm;
- Đình chỉ việc giết mổ heo trong thời gian công bố dịch; nghiêm cấm việc đưa heo, sản phẩm của heo ra, vào vùng dịch (tịch thu, tiêu hủy không hỗ trợ đối với heo, các sản phẩm của heo ra, vào vùng dịch; đồng thời tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường chi phí tiêu hủy) khi chưa thông báo hết dịch;
- Khoanh vùng dịch, thống kê số lượng heo trong vùng dịch, lập chốt kiểm dịch ở trục giao thông ra, vào vùng dịch; lập biển báo nơi có dịch, hạn chế người ra vào vùng dịch;
- Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên phạm vi toàn xã, huyện có dịch tại khu vực chăn nuôi, lối ra vào vùng dịch, khu vực tiêu hủy hoặc chôn lấp heo bệnh. Những người tham gia quá trình xử lý, tiêu hủy heo cũng phải thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tắm rửa trước khi rời khỏi vị trí tiêu hủy heo bệnh.
b) Các xã chưa có dịch:
- Thiết lập các trạm, chốt tại các đầu mối giao thông chính gồm lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Thú y hoạt động 24 giờ trong ngày để kiểm soát việc vận chuyển heo, sản phẩm heo đưa vào tỉnh, tiêu hủy và xử phạt trường hợp vận chuyển heo, sản phẩm heo trái phép;
- Giao trách nhiệm giám sát, phát hiện và báo bệnh cho chính quyền cấp ấp, xã, đồng thời huy động các tổ chức đoàn thể và các ngành chức năng liên quan phối hợp với ngành nông nghiệp để theo dõi diễn biến dịch bệnh trên đàn heo tại địa phương đến từng hộ chăn nuôi;
- Khi phát hiện gia súc có dấu hiệu mắc bệnh phải tổ chức bao vây, lấy mẫu xét nghiệm trước khi tiêu hủy toàn bộ gia súc đã mắc bệnh ngay từ khi số lượng còn ít và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch khác theo Quyết định số 80/2008/QĐ-BNN ngày 15 tháng 7 năm 2008 của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn về Ban hành Quy định phòng, chống hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS).
4. Các sở, ban ngành có trách nhiệm:
a) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan thông tin đại chúng có hình thức thông tin tuyên truyền để người dân thực hiện “5 không”; tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân và người chăn nuôi về triệu chứng bệnh tai xanh ở heo để người chăn nuôi biết phát hiện bệnh và khai báo với chính quyền địa phương; hướng dẫn người chăn nuôi xung quanh vùng dịch thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng, trại chăn nuôi, tiêm vắc xin phòng các bệnh phổ biến trên heo như: tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn ...
b) Sở Tài chính hướng dẫn các huyện, thị xã thực hiện phân bổ kinh phí kịp thời để hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo bị mắc bệnh phải tiêu hủy và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
c) Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn cử người tham gia chống dịch, phối hợp cơ quan chuyên môn thú y trực 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần (kể cả ngày nghỉ và ngày lễ) tại các chốt, trạm kiểm dịch trong thời gian xảy ra dịch; tăng cường kiểm tra việc buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định Pháp lệnh Thú y và các quy định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống dịch.
d) Sở Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với ngành thú y để tăng cường giám sát, tránh lây nhiễm liên cầu khuẩn ở heo sang người.
đ) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục thú y tổ chức trực 24/24, kể cả ngày nghỉ, lễ trong suốt thời gian có dịch; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, chống dịch, dập dịch có hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn các địa phương xử lý kịp thời, chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh. Xây dựng kế hoạch chống dịch khẩn cấp, dự trù và cung ứng đủ, kịp thời vật tư, kinh phí để chống dịch.
5. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh phân công các thành viên bám sát các địa phương để chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi công tác phòng, chống và dập dịch; tổ chức họp giao ban định kỳ trong thời gian đang có dịch để chỉ đạo, xử lý tình hình dịch bệnh và thường xuyên báo cáo tình hình hoạt động cho Ủy ban nhân dân tỉnh qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo).
Yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo tình hình về Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo kịp thời
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1 Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2010 triển khai biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh tai xanh ở lợn do tỉnh Quảng Trị ban hành
- 2 Chỉ thị 29/CT-UBND năm 2008 về tăng cường các biện pháp phòng, chống Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (bệnh Tai xanh) ở lợn do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 3 Quyết định 80/2008/QĐ-BNN về phòng, chống Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS) do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4 Quyết định 719/QĐ-TTg năm 2008 về việc chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Chỉ thị 19/UB-CT năm 1982 về phòng chống dịch đang gây bệnh cho trâu, bò, heo trong tỉnh Bến Tre
- 1 Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2010 triển khai biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh tai xanh ở lợn do tỉnh Quảng Trị ban hành
- 2 Chỉ thị 29/CT-UBND năm 2008 về tăng cường các biện pháp phòng, chống Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (bệnh Tai xanh) ở lợn do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 3 Chỉ thị 19/UB-CT năm 1982 về phòng chống dịch đang gây bệnh cho trâu, bò, heo trong tỉnh Bến Tre