Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2013/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 6 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ KIỆN TOÀN VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC HOẠT ĐỘNG TỔ CHỨC PHÁP CHẾ CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN VÀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

Ngày 07 tháng 6 năm 2007, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2496/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng và kiện toàn tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp Nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố (Đề án 2496). Qua 5 năm triển khai thực hiện, một số Sở - ngành, doanh nghiệp Nhà nước đã thành lập Phòng Pháp chế, chất lượng công tác liên quan đến hoạt động pháp chế từng bước được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy và việc phân công giao việc cho cán bộ pháp chế tại một số đơn vị chưa phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ chưa phát huy năng lực, kỹ năng nghiệp vụ pháp chế, việc tham gia tố tụng, tư vấn pháp lý còn hạn chế.

Thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (Nghị định số 55/2011/NĐ-CP); đồng thời, kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức pháp chế trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:

1. Sở Tư pháp:

Sở Tư pháp là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý nhà nước về công tác pháp chế trên địa bàn thành phố, thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Tổ chức rà soát các văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành trước đây nhưng nay không còn phù hợp với Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ; kịp thời phát hiện và báo cáo đề xuất Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ;

b) Chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, vai trò của công tác pháp chế trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước nói riêng và quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung;

c) Hàng năm, chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế cho cán bộ pháp chế của các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố;

d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện kiểm tra về tổ chức, hoạt động của tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố;

đ) Hướng dẫn, tổng hợp và báo cáo về công tác pháp chế theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất của Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền.

2. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố:

a) Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày ban hành Chỉ thị này, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố được quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP chưa tổ chức thành lập Phòng Pháp chế cần xây dựng Đề án thành lập Phòng Pháp chế, bao gồm: Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Y tế;

b) Các cơ quan chuyên môn đã thành lập Phòng pháp chế tiếp tục củng cố, kiện toàn về tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế, đảm bảo về tiêu chuẩn chuyên môn. Các cơ quan chuyên môn không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP căn cứ yêu cầu công tác pháp chế tại cơ quan, đơn vị, chủ động phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định việc thành lập Phòng Pháp chế;

c) Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện rà soát chức năng, nhiệm vụ của các phòng ban, chuyên môn, điều chuyển, phân công hợp lý, xây dựng quy chế hoạt động của Phòng Pháp chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Điều 2 và Điều 6 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP;

d) Việc tuyển dụng, bố trí nhân sự làm công tác pháp chế phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Nội vụ có kế hoạch cử cán bộ đi đào tạo trình độ cử nhân luật. Đến tháng 8 năm 2016 (thời gian 05 năm sau khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP có hiệu lực) có 100% cán bộ làm công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố có trình độ cử nhân luật;

đ) Nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức pháp chế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác chuyên môn sâu của từng ngành, lĩnh vực; tạo điều kiện cử những người đang làm công tác pháp chế chưa có trình độ cử nhân luật tham gia chương trình đào tạo về pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế do Bộ Tư pháp tổ chức theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

3. Thủ trưởng các doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố:

a) Thủ trưởng các doanh nghiệp nhà nước căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế của doanh nghiệp để thành lập tổ chức pháp chế hoặc quyết định việc bố trí nhân viên pháp chế chuyên trách;

b) Xây dựng, củng cố tổ chức pháp chế và bảo đảm kinh phí, tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động của tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước; có thể vận dụng tiêu chuẩn, chế độ của công chức, cán bộ và viên chức pháp chế quy định tại Điều 12 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP để chọn, bố trí đủ nhân viên pháp chế, sử dụng và quyết định chế độ đối với nhân viên pháp chế;

c) Chỉ đạo, kiểm tra và thực hiện báo cáo về công tác pháp chế ở doanh nghiệp theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố đồng thời gửi Sở Tư pháp tổng hợp.

4. Sở Nội vụ:

a) Phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố tham mưu, trình Ủy ban nhân dân thành phố Đề án thành lập Phòng Pháp chế để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thành lập, củng cố tổ chức, bố trí biên chế cho các tổ chức pháp chế đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

5. Sở Tài chính:

a) Hướng dẫn các Sở - ban - ngành thành phố dự toán kinh phí hàng năm cho hoạt động pháp chế theo quy định;

b) Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tham mưu triển khai thực hiện các văn bản pháp luật về phụ cấp ưu đãi theo nghề cho những người làm công tác pháp chế theo quy định.

6. Các Ban quản lý thuộc Ủy ban nhân dân thành phố:

a) Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế tại đơn vị để quyết định việc thành lập Phòng Pháp chế hoặc bổ sung, tăng cường thêm cán bộ làm công tác pháp chế;

b) Việc phân công, bố trí cán bộ phải đảm bảo tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ của người làm công tác pháp chế theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

7. Tổ chức thực hiện:

a) Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, các Ban quản lý thuộc Ủy ban nhân dân và các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung chỉ đạo, tổ chức và phối hợp thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này;

b) Các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp nhà nước, Ban quản lý thuộc Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo kết quả công tác pháp chế theo định kỳ hàng năm trước ngày 05 tháng 10 (tính từ ngày 01 tháng 10 của năm trước đến ngày 30 tháng 9 của năm sau) hoặc báo cáo đột xuất cho Ủy ban nhân dân thành phố (đồng gửi 01 bản cho Sở Tư pháp).

c) Giao Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị, kịp thời phản ánh, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết những khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ban Pháp chế HĐND thành phố;
- Các Sở - ban, ngành thành phố;
- Ban Quản lý; DNNN thuộc UBND.TP;
- Ủy ban nhân dân quận - huyện;
- VPUB: CPVP; các Phòng CV;
TT Công báo; TT Tin học;
Phòng Kiểm tra VB QPPL-Sở Tư pháp;
- Lưu:VT, (PCNC-TNh) H.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận