Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 09/2014/CT-UBND

Đồng Xoài, ngày 10 tháng 04 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ, RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HÓA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của HĐND, UBND ngày 03/12/2004, Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính Phủ về kiểm tra và xử lý văn bản QPPL (sau đây viết tắt là Nghị định số 40/2011/NĐ-CP), Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06/2/2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL (sau đây viết tắt là Nghị định số 16/2013/NĐ-CP). Trong thời gian qua, công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả như: Chất lượng văn bản ngày càng được nâng cao; công tác kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản được tiến hành thường xuyên, kịp thời phát hiện những văn bản trái pháp luật hoặc chưa phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương để xử lý, khắc phục. Qua đó, đã nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản với hệ thống pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khả thi, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và các cơ quan, tổ chức đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý Nhà nước, quản lý xã hội và điều hành của các cấp chính quyền địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể: Một số sở, ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác này dẫn đến việc kiểm tra, xử lý văn bản chưa thường xuyên, toàn diện; có lúc, có nơi còn mang tính hình thức. Việc gửi văn bản QPPL sau khi ban hành đến cơ quan có thẩm quyền kiểm tra chưa được thực hiện nghiêm túc; công tác rà soát, cập nhật thông tin, xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu văn bản QPPL để phục vụ cho việc kiểm tra, xử lý văn bản tại các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã chưa được quan tâm đúng mức; hoạt động rà soát văn bản ở cấp huyện, cấp xã chưa hiệu quả; việc xử lý văn bản có nơi còn chậm, chưa nghiêm túc, vẫn còn tình trạng văn bản ban hành không đúng thẩm quyền, không đúng căn cứ pháp lý, căn cứ pháp lý đã hết hiệu lực, nội dung văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, câu từ chưa chuẩn xác, khó hiểu; công tác phối hợp xử lý kết quả kiểm tra văn bản còn thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước bằng pháp luật, UBND tỉnh Chỉ thị:

1. Văn phòng UBND tỉnh

- Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc kiểm tra và xem xét, kiến nghị xử lý các văn bản trái pháp luật thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh;

- Tổ chức thông tin kịp thời các văn bản QPPL theo luật định;

- Phát hành và kịp thời đăng Công báo các văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành theo quy định;

- Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo quy định tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP , Nghị định số 16/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Sở Tư pháp

- Giúp UBND tỉnh tự kiểm tra văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành, hướng dẫn Phòng Tư pháp cấp huyện giúp UBND cùng cấp tự kiểm tra văn bản QPPL và kiểm tra văn bản QPPL do HĐND, UBND cấp xã ban hành theo thẩm quyền;

- Kiện toàn tổ chức, sắp xếp biên chế bảo đảm thực hiện tốt công tác tham mưu UBND tỉnh quản lý Nhà nước về kiểm tra, rà soát, xử lý, hệ thống hóa văn bản QPPL; thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền, rà soát, hệ thống hóa văn bản, kiến nghị xử lý những văn bản không phù hợp với pháp luật hiện hành và tình hình kinh tế xã hội của địa phương. Thông báo, đôn đốc, xử lý kịp thời các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật; báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân tham mưu, đề xuất ban hành văn bản trái pháp luật và những hành vi vi phạm pháp luật trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản;

- Giúp UBND tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền; yêu cầu HĐND, UBND cấp huyện gửi văn bản về Sở Tư pháp để Sở Tư pháp kiểm tra theo thẩm quyền;

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh tăng cường công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trong hoạt động thường xuyên và theo các chuyên đề. Định kỳ 06 tháng lập danh mục văn bản QPPL của UBND tỉnh đã hết hiệu lực thi hành trình UBND tỉnh ra Quyết định công bố. Đảm bảo sự chuẩn xác trong việc tham mưu UBND tỉnh công bố danh mục văn bản QPPL hàng năm, làm căn cứ xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL;

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ xây dựng, ban hành, rà soát, kiểm tra, xử lý văn bản QPPL và hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính trong các văn bản QPPL do địa phương ban hành có quy định về thủ tục hành chính cho đội ngũ cán bộ pháp chế ngành, cộng tác viên kiểm tra văn bản, thành viên tổ rà soát, công chức phụ trách công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL của Phòng Tư pháp cấp huyện và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL đối với ngành, lĩnh vực quản lý;

- Chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND, Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND, Nghị định số 40/2010/NĐ-CP , Nghị định số 16/2013/NĐ-CP đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị, đặc biệt đối với những người được giao trực tiếp tham mưu soạn thảo, rà soát, kiểm tra, xử lý văn bản QPPL;

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn, bố trí công chức pháp chế đảm bảo đủ tiêu chuẩn để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong việc xây dựng, rà soát, kiểm tra, xử lý văn bản QPPL theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế;

- Tuân thủ trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản QPPL theo quy định tại Quyết định số 45/2011/QĐ-UBND ngày 27/7/2011 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh, Quyết định số 45/2013/QĐ-UBND ngày 08/11/2013 của UBND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản QPPL ban hành kèm theo Quyết định số 45/2011/QĐ-UBND ngày 27/7/2011 của UBND tỉnh; không tự đặt ra các trình tự, thủ tục quy định hành chính trái quy định hoặc gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, cá nhân. Từ đó nâng cao chất lượng văn bản QPPL do HĐND và UBND ban hành, hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót, vi phạm trong công tác ban hành văn bản QPPL;

- Phối hợp với Sở Tư pháp trong công tác giúp UBND tỉnh tự kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý để tham mưu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ đối với các văn bản trái pháp luật hoặc không còn phù hợp.

4. HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã

- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm nâng cao chất lượng ban hành văn bản QPPL thuộc thẩm quyền; thường xuyên tự kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản, kịp thời xử lý những văn bản có nội dung trái pháp luật theo kiến nghị của cơ quan Tư pháp, đơn vị và người có thẩm quyền; kịp thời xử lý hoặc tham mưu, kiến nghị việc đình chỉ, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế những văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội cũng như áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do việc ban hành và thực hiện các văn bản trái pháp luật gây ra theo quy định tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP , Nghị định số 16/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

- Chủ động kiểm tra hoặc phối hợp với Sở Tư pháp để kiểm tra, xử lý văn bản QPPL theo ngành, lĩnh vực hoặc địa bàn theo định kỳ hoặc tổ chức kiểm tra văn bản theo yêu cầu, kiến nghị của tổ chức, cá nhân;

- Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn quản lý;

- Gửi văn bản QPPL do cấp mình ban hành đến cơ quan Tư pháp cấp trên đúng thời hạn quy định để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật;

- Củng cố, kiện toàn, bố trí đủ biên chế công chức của Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã bảo đảm đúng tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ làm công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản theo thẩm quyền được giao;

- Bố trí kinh phí, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản theo quy định của pháp luật hiện hành; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, từng bước tin học hóa cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL;

- Nghiêm túc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL theo định kỳ hoặc đột xuất cho cơ quan Tư pháp cấp trên để tổng hợp, báo cáo UBND cùng cấp theo quy định.

5. Cơ quan Tài chính các cấp

- Hướng dẫn việc lập dự toán và tổ chức thẩm định dự toán, tổng hợp kinh phí kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL hàng năm theo đề nghị của cơ quan Tư pháp cùng cấp vào tổng kinh phí hàng năm của cấp mình trình cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, thông qua;

- Cấp phát và quyết toán kinh phí phục vụ công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL kịp thời, đầy đủ theo quy định của pháp luật; trong đó bao gồm cả kinh phí để xây dựng hệ cơ sở dữ liệu phục vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL;

- Hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng kinh phí hỗ trợ cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL theo quy định.

6. Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và báo cáo kết quả về UBND tỉnh theo quy định.

UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện nghiêm túc các nội dung nêu trên.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 13/2010/CT-UBND ngày 08/9/2010 của UBND tỉnh về tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Cục kiểm tra văn bản (BTP);
- Cục Công tác phía Nam (BTP);
- TTTU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, PCT;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Trung tâm Tin học - Công báo;
- Các sở, ban, ngành;
- HĐND, UBND cấp huyện;
- HĐND, UBND cấp xã;
- LĐVP, các Phòng;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Trăm