BAN CHỈ ĐẠO TW THÍ ĐIỂM THÀNH LẬP QTD ND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
SỐ 09/CT-NH17 | Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 1996 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO, BẢO ĐẢM NỘI DUNG, YÊU CẦU THÍ ĐIỂM, HOÀN THÀNH THẮNG LỢI ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM THÀNH LẬP QTD ND.
Sau 3 năm triển khai đề án thí điểm thành lập QTD ND theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã tạo lập được mô hình 3 cấp QTDND liên kết trong một hệ thống gồm: QTDTW, 8 QTD khu vực và gần 700 QTDND được thành lập và đi vào hoạt động tại 40/45 tỉnh, thành phố, thu hút trên 276.000 thành viên, chủ yếu là các hộ sản xuất trên địa bàn nông thôn, tổng vốn hoạt động 834 tỉ đồng, gần nửa triệu lượt hộ thành viên được QTD ND cho vay vốn.
Tuy còn phải tiếp tục củng cố và hoàn thiện, nhưng nhìn chung tổ chức và hoạt động của mỗi cấp QTD ND đều có bước phát triển nhanh, vững chắc và an toàn, quy mô và hiệu quả hoạt động ngày càng cao. Mô hình QTDND 3 cấp, liên kết thành hệ thống tuy mới được hình thành và đang trong quá trình vận hành thí điểm nhưng bước đầu đã khẳng định tính hiệu quả, trở thành nhân tố quan trọng hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của cả hệ thống.
Ở nhiều địa phương, chương trình thí điểm thành lập QTDND đã được ghi vào Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, QTDND đã được khẳng định là mô hình thích hợp, cần thiết và có điều kiện phát triển, phục vụ thiết thực phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, đẩy lùi cho vay nặng lãi.
Kết quả thí điểm 3 năm qua còn tạo thuận lợi cho việc triển khai thi hành Luật HTX trong mô hình QTDND.
Tuy nhiên, so với yêu cầu và kế hoạch đề ra, việc triển khai thí điểm thành lập QTDND còn một số mặt hạn chế, nổi lên là:
- Mô hình QTDND thí điểm đã đi vào giai đoạn tổng kết để điều chỉnh theo luật HTX, nhưng ở nhiều tỉnh, thành phố số lượng QTD thí điểm mới có 1 -2 Quỹ đến dưới 10 Quỹ, có tỉnh 7 tháng qua không tăng được quỹ nào; mô hình QTD trên địa bàn đô thị, liên xã, ngành nghề... chưa được chú ý chỉ đạo, chưa có cơ sở để kết luận về mô hình thích hợp.
- Công tác quản trị điều hành tại các QTDND còn nhiều biểu hiện yếu kém, bất cập trước yêu cầu phát triển hoạt động của QTD. Tình hình vi phạm cơ chế, quy chế còn tái diễn ở một số nơi; một số vụ việc chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời; tính chất HTX và mục tiêu tương trợ cộng đồng chưa được tôn trọng đầy đủ. Một số ít QTD thành lập hàng năm nay nhưng không phát triển được. Tóm lại, những vấn đề về chất lượng, hiệu quả cũng như công tác thanh tra, giám sát đối với QTD đòi hỏi phải được quan tâm hơn nữa.
- Mô hình QTD 3 cấp được hình thành nhưng hiệu quả còn hạn chế, đòi hỏi phải được tiếp tục hoàn thiện, làm rõ mối liên kết trong hệ thống, tính chất HTX và điều kiện tự phát triển của từng cấp cũng như cả hệ thống sau khi kết thúc chương trình thí điểm.
Nhằm khắc phục những yếu kém, hạn chế trên đây, chuẩn bị tốt cho việc triển khai thi hành luật HTX, các luật về Ngân hàng của mô hình quỹ tín dụng Nhân dân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương thí điểm thành lập QTDND, lưu ý Trưởng Ban chỉ đạo thí điểm các cấp và Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố những vấn đề dưới đây:
1. Quán triệt phương hướng chỉ đạo trong thời gian tới là: Đi đối với việc tiếp tục phát triển thêm QTDND trên cơ sở bảo đảm yêu cầu chất lượng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các QTDND đã có, cần tập trung chỉ đạo để có kết luận về những vấn đề dưới đây:
a) Quỹ tín dụng Nhân dân hoạt động tại địa bàn thành phố, liên xã, liên phường, ngành nghề và 1 số vùng kinh tế khác;
b) Những vấn đề cần được xử lý để bảo đảm nguyên tắc HTX trong mô hình QTDBD;
c) Xác lập mối liên kết hệ thống trong mô hình QTDND 3 cấp và những vấn đề cần được xử lý để hệ thống QTDND tự tồn tại và phát triển theo sự điều chỉnh của luật pháp, sau khi kết thúc chương trình thí điểm.
d) Công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với hệ thống QTDND.
2. Một số chủ trương và giải pháp cụ thể.
*. Đối với Quỹ Tín dụng Nhân dân
a) Việc phát triển thêm QTDND là cần thiết nhưng phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện, nhất là phải có cán bộ đủ khả năng quản trị, điều hành và hoạt động thanh tra, kiểm soát của Ngân hàng.
- Những tỉnh, thành phố được chấp thuận thí diểm cần có kế hoạch thí điểm đạt số lượng từ trên 10 Quỹ, bố trí đại diện cho các vùng để có điều kiện kết luận về mô hình.
- Những tỉnh, thành phố đã có số quỹ nhiều hơn và căn cứ vào điều kiện cụ thể địa phương cần triển khai việc thí điểm mô hình QTDND theo địa bàn liên xã, ngành nghề, vùng nông thôn nghèo.
- Đối với các tỉnh Miền núi, trước mắt cần triển khai thí điểm tại những địa bàn kinh tế phát triển, có điều kiện về cán bộ và phù hợp với điều kiện thanh tra, giám sát của Ngân hàng.
- Riêng các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh cần thí điểm 1 vài QTDND hoạt động trong khu vực nội thành để rút kinh nghiệm cho việc mở rộng và phát triển.
b) Chú trọng việc nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của các QTDND đã có. Hướng chính là phát triển thêm thành viên, tăng thêm vốn điều lệ, mở rộng hoạt động về huy động vốn và cho vay, làm đại lý, uỷ thác đầu tư, có giải pháp về nguồn vốn để cho vay trung, dài hạn.
- Đối với những quỹ đang hoạt động yếu kém cần tập trung củng cố, giúp đỡ để phát triển, tránh tình trạng 1 số Quỹ yếu kém kéo dài như ở 1 số nơi. Đối với những sai phạm đã phát hiện cần chỉ đạo việc sửa chữa kiên quyết và kịp thời.
- Việc xây dựng và củng cố QTD phải bám sát nội dung HTX, tinh thần tương trợ cộng đồng, quản lý dân chủ, không chạy theo lợi nhuận đơn thuần, tạo điều kiện cho các thành viên gắn bó với QTDND.
*. Đối với QTD khu vực và QTDTW:
Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và các cơ chế nhằm nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của QTD khu vực và QTDTW đối với cả hệ thống.
- Cần kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ khu vực theo yêu cầu hỗ trợ và phát triển hoạt động của các QTDND thành viên. Tiến hành sơ kết, qua đó bổ sung, hoàn thiện về tổ chức và cơ chế hoạt động đối với các QTD khu vực đã có, thí điểm mô hình QTD khu vực có chi nhánh, nhằm phục vụ tốt hơn đối với các QTDND thành viên, nếu thấy hiệu quả sẽ triển khai mở rộng.
Những tỉnh, thành phố thấy cần thiết và có đủ điều kiện được thành lập QTD khu vực theo các quy định hiện hành. Thí điểm việc mở chi nhánh QTDTW ở những nơi chưa đủ điều kiện thành lập QTD khu vực.
- Tổ chức tốt Đại hội lần thứ nhất QTDTW theo yêu cầu nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò đầu mối liên kết, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của cả hệ thống.
3. Coi trọng và làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra đối với các QTDND. Trước hết cần phát huy đầy đủ hoạt động của bộ máy kiểm soat nội bộ, bố trí những cán bộ có đủ năng lực đảm nhận hoạt động kiểm soát trong từng cấp QTDND. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cần bố trí đủ cán bộ làm công tác thanh tra, tiến hành thường xuyên các hoạt động thanh tra, giám sát đối với mỗi QTDND được thành lập, phát hiện và uốn nắn kịp thời những sai phạm, giám sát chặt chẽ việc khắc phục các sai sót đã phát hiện.
4. Tiếp tục triển khai công tác đào tạo cán bộ QTDND theo nội dung và kế hoạch đã xác định. Kịp thời rút kinh nghiệm về nội dung và hình thức đề nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Tiến hành nghiên cứu mô hình và cơ chế đào tạo đối với cán bộ QTDND sau khi kết thúc thí điểm.
5. Tiếp tục tiến hành các công việc theo yêu cầu tổng kết thí điểm thành lập QTDND và triển khai thi hành Luật HTX trong mô hình QTDND.
Cùng với việc triển khai xây dựng điều lệ mẫu QTDND, cần chỉnh sửa, bổ sung những nội dung cần thiết trong cơ chế, quy chế về tổ chức và nghiệp vụ, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa chuẩn bị tốt cho việc điều chỉnh mô hình QTDND theo Luật HTX và các Luật Ngân hàng được Quốc hội thông qua.
Trên đây là những vấn đề cần tập trung chỉ đạo, bảo đảm yêu cầu, nội dung thí điểm trong thời gian tới, trước mắt là những tháng cuối năm 1996 về thí điểm thành lập QTDND. Quá trình thực hiện đề nghị phản ảnh kịp thời về NHNNTW những vấn đề cần được xử lý.
| Cao Sĩ Kiêm (Đã ký) |
- 1 Quyết định 2039/QĐ-NHNN năm 2015 về bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 2 Quyết định 211/QĐ-NHNN năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kỳ hệ thống hóa 2014-2018
- 3 Quyết định 211/QĐ-NHNN năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kỳ hệ thống hóa 2014-2018