Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Phú Yên, ngày 04 tháng 5 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN “THÁNG VỆ SINH, TIÊU ĐỘC, KHỬ TRÙNG MÔI TRƯỜNG CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM”

Từ đầu năm 2013 đến nay, toàn quốc ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm (H5N1) tại 15 xã, phường của 07 huyện thuộc 04 tỉnh (Khánh Hòa, Tây Ninh, Điện Biên, Kiên Giang) làm 28.235 con gia cầm mắc bệnh, chết và phải tiêu huỷ. Ngoài ra ổ dịch cúm gia cầm H5N1 trên 117 con chim trĩ nuôi tại Tiền Giang và trên 4.000 con chim yến nuôi tại Ninh Thuận cũng đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Dịch lở mồm long móng (LMLM) xảy ra tại 15 xã, phường của 09 huyện, quận thuộc 04 tỉnh (Sơn La, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh), tổng số gia súc mắc bệnh là 1.541 con. Dịch lợn tai xanh xảy ra tại 117 xã, phường của 34 huyện, quận thuộc 11 tỉnh (Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Trị, Đắk Nông, Ninh Thuận, Long An); tổng số lợn mắc bệnh là 24.075 con.

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan; thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại Văn bản số 1377/BNN-TY ngày 24/9/2013) về việc triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, trong đó triển khai tổ chức thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi gia súc, gia cầm” trên địa bàn toàn Tỉnh từ ngày 10/5/2013 đến ngày 10/6/2013, với những nội dung cụ thể như sau:

I. NỘI DUNG VỆ SINH TIÊU ĐỘC KHỬ TRÙNG

1. Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm (gia cầm gồm: gà, vịt, ngan, ngỗng, chim).

a) Đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung:

- Phát quang cây, cỏ xung quanh chuồng nuôi, phát dọn thu gom phân, rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh;

- Tiêu độc, phun khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 01 lần.

b) Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm hộ gia đình:

- Quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm; thu gom phân, rác, độn chuồng để đốt hoặc chôn;

- Phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm và vùng phụ cận mỗi tuần 01 lần.

c) Đối với cơ sở ấp trứng gia cầm:

- Phát quang cây, cỏ xung quanh và quét dọn sạch sẽ toàn bộ khu vực lò ấp, đường ra vào cơ sở ấp trứng, thu gom vỏ trứng sau khi đã ấp nở để tiêu hủy;

- Phun tiêu độc khử trùng hàng ngày toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng, đường ra, vào cơ sở ấp trứng, các phương tiện vận chuyển trứng và gia cầm.

2. Đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung:

- Nơi nhốt gia súc, gia cầm chờ giết mổ: Sau khi gia súc, gia cầm được đưa đi giết mổ, toàn bộ khu vực nuôi nhốt phải được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng;

- Nơi giết mổ: Phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi ca sản xuất;

- Phát quang cây, cỏ xung quanh cơ sở, nhà xưởng; khơi thông cống rãnh.

3. Chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống:

- Quét dọn và phun thuốc khử trùng khu vực buôn bán gia súc, gia cầm và các vật dụng liên quan cuối mỗi buổi chợ;

- Phương tiện vận chuyển, lồng nhốt động vật phải được phun hóa chất khử trùng khi vào, ra khỏi chợ;

- Những quầy bán thịt gia súc, gia cầm phải được vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc tiêu độc, sát trùng cuối mỗi buổi chợ.

4. Nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm: Quét dọn, vệ sinh, phun tiêu độc một tuần 01 lần.

II. CÁCH THỨC TIẾN HÀNH VỆ SINH TIÊU ĐỘC KHỬ TRÙNG

- Những chủ trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm tự lo vật tư và kinh phí, tổ chức thực hiện theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền địa phương và chuyên môn thú y.

- UBND cấp xã tổ chức đội phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán gia súc, gia cầm, nơi công cộng, đường làng ngõ xóm. Tiền công phun thuốc sát trùng do ngân sách cấp xã chi trả. Việc phun thuốc sát trùng chỉ được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới (quét dọn, cọ, rửa…).

- Loại hóa chất sát trùng: Chi cục Thú y hướng dẫn sử dụng.

- Thời gian: 01 tháng, bắt đầu từ ngày 10/ 5/2013 đến ngày 10/6/2013.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị này; đồng thời kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi gia súc, gia cầm” trên địa bàn Tỉnh; báo cáo UBND tỉnh, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm về kết quả thực hiện.

- Chỉ đạo Chi cục Thú y: Chuẩn bị hóa chất sát trùng và kịp thời đề xuất UBND tỉnh phân bổ hóa chất sát trùng cho các huyện, thị xã, thành phố phục vụ tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thực hiện thật tốt các nội dung vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này tại địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình.

3. Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch động vật Tỉnh: Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này trên địa bàn được phân công phụ trách.

4. Các hội, đoàn thể: Đề nghị các hội, đoàn thể chủ động tham gia cùng chính quyền các cấp và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện có hiệu quả “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi gia súc, gia cầm” trên địa bàn Tỉnh.

Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Ban chỉ đạo phòng chống dịch động vật các cấp khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện thật tốt Chỉ thị này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Quang Nhất