Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Nam Định, ngày 08 tháng 05 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, VẬN HÀNH KHAI THÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC TẬP TRUNG NÔNG THÔN

Chương trình MTQG Nước sạch & VSMT nông thôn giai đoạn 2012 - 2015 được thực hiện theo Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 31/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT, các Sở, ngành liên quan, đặc biệt là sự cố gắng nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền các cấp và sự đồng tình ủng hộ của toàn thể nhân dân, Chương trình đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Đến hết năm 2013, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 91,52% trong đó 63,79% sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế; tỷ lệ số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 73,27%; về vệ sinh công cộng, tỷ lệ công trình công cộng (Trường học và trạm y tế xã) có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 100%; các công trình cấp nước sau khi đưa vào khai thác sử dụng hoạt động tương đối hiệu quả, các mô hình tổ chức quản lý nhìn chung đáp ứng được yêu cầu, chất lượng nước ngày càng được nâng cao góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng và điều kiện sống của người dân khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, ở một số địa phương công tác quản lý, vận hành khai thác công trình cấp nước tập trung vẫn chưa được coi trọng, có những công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả, không được duy tu, bảo dưỡng định kỳ dẫn đến nhanh bị hư hỏng, xuống cấp; không bảo đảm yêu cầu cấp nước sạch bền vững cho người dân nông thôn.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động bền vững các công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc một số công việc sau:

a) Rà soát hiện trạng, đánh giá hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước tập trung, bao gồm hiện trạng công trình và trang thiết bị, tình trạng hoạt động của công trình, phân loại công trình và mô hình tổ chức quản lý vận hành làm rõ nguyên nhân tồn tại và có phương án xử lý cụ thể đối với từng công trình hoạt động kém hiệu quả. Tổng kết đánh giá mô hình tổ chức quản lý vận hành để lựa chọn mô hình phù hợp. Kiên quyết thay đổi mô hình tổ chức quản lý vận hành kém hiệu quả. Đối với công trình đầu tư dở dang do không huy động được kinh phí đóng góp của nhân dân thì phải làm thủ tục đình chỉ thi công công trình và điều chuyển thiết bị cho công trình khác, không để tình trạng thiết bị hư hỏng do không sử dụng.

b) Giao Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành đơn vị liên quan nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn công nghệ xử lý nước hiệu quả và phù hợp với điều kiện nguồn nước, kinh tế xã hội, phong tục tập quán ở địa phương để xây dựng cẩm nang hướng dẫn thực hiện.

c) Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện tốt Thông tư 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 về quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.

d) Tiếp tục mở rộng hoạt động cho vay vốn tín dụng Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư ngân sách, ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho công tác sửa chữa, nâng cấp công trình xuống cấp, hư hỏng để nâng cao hiệu quả sử dụng; hỗ trợ chi phí vận hành bảo dưỡng đối với các công trình thu phí nước không đủ bù các chi phí theo Thông tư số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn; ưu tiên bố trí nguồn lực cho các xã khó khăn, hỗ trợ những hộ gia đình nghèo và gia đình chính sách.

e) Giao Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo Trung tâm Nước sạch & VSMT nông thôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước theo quy định của Bộ Y tế. Hàng năm ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình để thực hiện nhiệm vụ này.

g) Đối với những công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động cần cương quyết chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư và quản lý khai thác vận hành công trình sau đầu tư. Chỉ thực hiện việc phân cấp đầu tư xây dựng và quản lý vận hành các công trình cấp nước tập trung khi thẩm định đơn vị có đủ năng lực, trình độ chuyên môn và nắm vững quy định hướng dẫn của Chương trình, đồng thời tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra và giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý chuyên môn đối với việc đầu tư và quản lý khai thác công trình sau đầu tư.

h) Giao Sở Tài chính thẩm định, xem xét trình UBND tỉnh điều chỉnh giá nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh theo lộ trình phù hợp trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý. Trường hợp thu không đủ chi phí, tham mưu cho UBND tỉnh phương án xử lý đúng quy định.

i) Đẩy mạnh công tác Thông tin - Giáo dục - Truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nước sạch và vệ sinh môi trường, để người dân có ý thức quản lý, bảo vệ công trình cấp nước tập trung, bảo vệ nguồn nước và môi trường.

2. Sở Nông nghiệp & PTNT, Văn phòng thường trực Chương trình MTQG nước sạch & VSMT nông thôn tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện Chỉ thị này; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND, UBND tỉnh;
- Mặt trận Tổ quốc tỉnh;
- Các Sở, ngành (thành viên BĐH Chương trình);
- UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng thường trực BĐH Chương trình tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Nam Định;
- Website tỉnh, website VPUBND tỉnh;
- Lưu: VP1, VP3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Viết Hưng