Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Bắc Kạn, ngày 17 tháng 12 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI BỮA ĂN ĐÔNG NGƯỜI “CỖ ĐẶT” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

Trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội quan tâm và có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm đã giảm từ 61,6 người/100.000 dân (năm 2015) xuống còn 5,9 người/100.000 dân (năm 2018), góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế, văn hóa và an sinh an toàn xã hội. Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, các ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ ở hộ gia đình vẫn xảy ra nhưng không được khai báo, trong cộng đồng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện nay xuất hiện loại hình cung cấp dịch vụ ăn uống phục vụ bữa ăn đông người do hộ dân tổ chức mang tên “Cỗ đặt” chuyên tổ chức nấu nướng ngay tại nơi diễn ra sự kiện (đám cưới, đám giỗ, vào nhà mới...) mà chưa được kiểm soát. Tại những cơ sở này, đa phần cơ sở vật chất và trang thiết bị không đáp ứng được yêu cầu về điều kiện ATTP như: Địa điểm, môi trường nơi tổ chức nấu nướng, ăn uống không đảm bảo; nguyên liệu thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; dụng cụ trang thiết bị không đảm bảo vệ sinh; người trực tiếp chế biến chưa thực hành tốt vệ sinh cá nhân khi tiếp xúc với thực phẩm, không có kiến thức về ATTP, bảo quản thực phẩm không đúng cách…, do đó tiềm ẩn rất nhiều mối nguy gây ngộ độc thực phẩm. Giữa gia đình tổ chức sự kiện với cơ sở cung cấp dịch vụ “Cỗ đặt” không ký hợp đồng thỏa thuận trách nhiệm, do đó khi xảy ra ngộ độc thực phẩm rất khó xác định đối tượng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đa số các cơ sở này hoạt động theo tính chất mùa vụ, tự, phát không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên không thuộc đối tượng phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, rất khó kiểm soát. Trong năm 2015 đã xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với 168 người mắc và phải nằm viện điều trị sau khi ăn đám cưới do các cơ sở chuyên cung cấp “Cỗ đặt” phục vụ.

Thực hiện Chỉ thị số: 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm ATTP và phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới; Chỉ thị số: 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Sở Y tế

- Giám sát việc chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP các huyện, thành phố trong việc bảo đảm ATTP bữa ăn đông người trên địa bàn.

- Tổ chức tập huấn kiến thức bảo đảm ATTP y tế tuyến cơ sở để từ đó tuyên truyền cho người dân, các cá nhân tổ chức “Cỗ đặt”, hướng dẫn các thủ tục khi tuyển chọn nhân viên tham gia chế biến phục vụ các bữa ăn tập trung đông người theo đúng quy định của pháp luật.

- Xây dựng thí điểm mô hình đảm bảo ATTP tại bữa ăn tập trung đông người trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, từ đó duy trì hằng năm và có sự kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu các chủ cơ sở ký cam kết đảm bảo ATTP khi phục vụ bữa ăn tập trung đông người.

- Hướng dẫn công tác quản lý nhà nước đối với loại hình dịch vụ “Cỗ đặt” phục vụ bữa cỗ đông người cho Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tuyến huyện và Ban Chỉ đạo xã, phường, thị trấn.

- Chuẩn bị trang thiết bị, thuốc và vật tư y tế, sẵn sàng điều trị khi có ngộ độc thực phẩm, điều tra ngộ độc thực phẩm theo quy định.

- Tổng hợp, báo cáo hằng quý hoạt động bảo đảm ATTP bữa ăn đông người trong nội dung báo cáo thực hiện Chỉ thị số: 13/CT-TTg để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế theo quy định.

2. Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương

- Quản lý chặt chẽ về ATTP đối với các sản phẩm thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Ngành quản lý.

- Phối hợp tuyên truyền thực hiện Chỉ thị này trong các hoạt động truyền thông chuyên ngành.

3. Các Sở, Ban, Ngành liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý chủ động phối hợp triển, khai thực hiện các nội dung theo Chỉ thị này.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Phối hợp với Ngành Y tế tập huấn nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ y tế; phối hợp tập huấn kiến thức về ATTP cho Ban Chỉ đạo xã, phường, thị trấn và Trưởng thôn, tổ dân phố, y tế thôn, tổ dân phố.

- Báo cáo hằng quý hoạt động bảo đảm ATTP bữa ăn đông người gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh) trong nội dung báo cáo thực hiện Chỉ thị số: 13/CT-TTg để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh theo quy định.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

+ Xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động bảo đảm ATTP bữa ăn đông người trên địa bàn (trong Kế hoạch đảm bảo ATTP hằng năm).

+ Tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn về chấp hành các quy định điều kiện đảm bảo ATTP và việc cần thiết thực hiện Chỉ thị đảm bảo ATTP đối với bữa ăn đông người trên địa bàn.

+ Giao cho Trạm Y tế xã, phường, thị trấn tổ chức giám sát việc thực hiện bảo đảm ATTP bữa ăn đông người (từ 30 người trở lên), cụ thể: Ký cam kết với tổ chức, cá nhân, chủ gia đình có tổ chức bữa ăn đông người về bảo đảm ATTP trước khi tổ chức ăn uống. Giám sát về nguyên liệu thực phẩm; giám sát địa điểm tổ chức chế biến, nấu nướng, ăn uống; trang thiết bị, dụng cụ chế biến nấu nướng; sức khỏe và thực hành ATTP của người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; hướng dẫn lưu mẫu thức ăn theo quy định.

+ Hằng quý báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố hoạt động bảo đảm ATTP bữa ăn đông người trong nội dung báo cáo thực hiện Chỉ thị số: 13/CT-TTg theo quy định.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trật Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Hội, đoàn thể chỉ đạo, phối hợp tham gia triển khai thực hiện tốt công tác bảo đảm ATTP, đặc biệt là việc vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia công tác tuyên truyền trong cộng đồng dân cư về các biện pháp bảo đảm ATTP bữa ăn đông người.

Đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị này gửi về cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế) để tổng hợp báo cáo theo quy định./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Duy Hưng