ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/CT-UBND | Bắc Giang, ngày 21 tháng 4 năm 2020 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường (gồm: cát, sỏi, sét làm nguyên liệu, đất san lấp) trên địa bàn tỉnh; các sở, ngành, địa phương đã nỗ lực, cố gắng thực hiện các nhiệm vụ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công; thủ tục hành chính từng bước được hoàn chỉnh, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân giải quyết các công việc liên quan; nguồn VLXD khai thác cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ thi công các công trình xây dựng trên địa bàn,... Tuy nhiên, hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, bất cập như: công tác quy hoạch mỏ còn ít được quan tâm, số lượng mỏ quy hoạch còn thiếu dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và tăng chi phí xây dựng công trình; việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường chưa được quan tâm dẫn đến tình trạng đơn vị thực sự có nhu cầu để thi công thì không có nguồn khai thác, đơn vị được cấp phép khai thác thì bị hạn chế về phạm vi cung cấp, đồng thời làm giảm nguồn thu ngân sách; quá trình thực hiện các thủ tục thăm dò, phê duyệt trữ lượng, cấp phép khai thác còn phức tạp, thời gian kéo dài; công tác quản lý hoạt động khai thác còn nhiều bất cập, tình trạng khai thác trái phép, sai phép, người dân cản trở không cho khai thác còn xảy ra ở nhiều nơi,...
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực sự có nhu cầu được tiếp cận thuận lợi với nguồn VLXD, đảm bảo tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong việc cấp quyền khai thác và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
I. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Rà soát, bổ sung quy hoạch các khu vực có khoáng sản làm VLXD thông thường đảm bảo nguồn vật liệu cho các công trình xây dựng trên địa bàn:
a) UBND huyện, thành phố tiếp tục rà soát, tổng hợp toàn bộ các khu vực có tiềm năng khai thác làm VLXD thông thường trên địa bàn (trừ những khu vực cần bảo vệ để thực hiện cho các mục tiêu phát triển, nhiệm vụ khác của địa phương và của tỉnh) theo Công văn số 385/TNMT-TNKS ngày 21/02/2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 10/5/2020.
b) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp, rà soát, xác định các khu vực có khoáng sản làm VLXD thông thường đủ điều kiện để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo VLXD đáp ứng nhu cầu xây dựng trong giai đoạn tới. Thời gian hoàn thành trong tháng 5/2020.
c) Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường xác định những khu vực cần bảo vệ cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
2. Đẩy mạnh đấu giá, tăng cường tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong việc cấp quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường:
a) Đối với những khu vực đã phê duyệt không đấu giá quyền khai thác nhưng chưa cấp phép thăm dò: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì rà soát, tham mưu UBND tỉnh quyết định điều chỉnh đưa ra ngoài danh mục khu vực không đấu giá trong tháng 5/2020; chỉ thực hiện theo hình thức không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong trường hợp thực sự cần thiết và đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo đúng quy định pháp luật.
b) Đối với những khu vực đã cấp phép thăm dò hoặc đã phê duyệt trữ lượng nhưng chưa cấp giấy phép khai thác: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì rà soát, đánh giá tình hình thực hiện; tham mưu UBND tỉnh thu hồi giấy phép, điều chỉnh đưa ra ngoài danh mục khu vực không đấu giá đối với những trường hợp vi phạm tiến độ thăm dò theo giấy phép được cấp hoặc đã phê duyệt trữ lượng nhưng hết thời hạn được ưu tiên cấp Giấy phép khai thác (6 tháng kể từ ngày Giấy phép thăm dò khoáng sản hết hạn); báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 20/6/2020.
c) Đối với những khu vực đấu giá quyền khai thác (ngoài danh mục đã được quyết định khu vực không đấu giá quyền khai thác): Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan căn cứ khả năng cung cấp VLXD hiện có, nhu cầu VLXD giai đoạn đến năm 2025, đề xuất kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường năm 2020, trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 30/6/2020, làm cơ sở tổ chức đấu giá theo quy định.
d) Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu kỹ quy định pháp luật hiện hành để xây dựng kế hoạch, trình tự các bước để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản và các nội dung công việc sau đấu giá (cho cả trường hợp đã phê duyệt trữ lượng và chưa phê duyệt trữ lượng), báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chậm nhất trong tháng 6/2020.
3. Đảm bảo quyền của người dân và địa phương nơi có khoáng sản được khai thác:
a) Các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc lấy ý kiến, công khai các thông tin trong quá trình quy hoạch, thăm dò, cấp phép, khai thác khoáng sản,... theo đúng quy định của pháp luật. UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức lấy ý kiến người dân, đặc biệt là người dân khu vực ảnh hưởng trực tiếp bởi hoạt động khai thác, đảm bảo công khai, dân chủ; người dân phải được cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan để tham gia ý kiến và giám sát trong quá trình thực hiện.
b) Khi thẩm định hồ sơ trình cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường, Sở Tài nguyên và Môi trường phải yêu cầu tổ chức, cá nhân đề nghị cấp quyền khai thác đề xuất rõ nội dung, khối lượng, kế hoạch, chương trình thực hiện các công việc, hạng mục công trình hỗ trợ địa phương (nếu có) để thông báo công khai đến thôn, bản, tổ dân phố và người dân nơi có khoáng sản khai thác biệt, giám sát trong quá trình thực hiện.
c) Sở Tài chính có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp nguồn thu hàng năm từ hoạt động khai thác khoáng sản, tham mưu UBND tỉnh việc hỗ trợ nâng cấp, cải tạo các hạng mục công trình tại địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
4. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường:
a) Các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường trong thời gian qua; tăng cường các biện pháp quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn phục vụ cho các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo nguồn VLXD đáp ứng nhu cầu cho các công trình xây dựng; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý khoáng sản và hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.
b) Sở Tài nguyên và Môi trường: Khẩn trương rà soát, chuẩn hóa các hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời gian các bước đảm bảo việc thực hiện nhanh chóng, thuận tiện, thống nhất và tuân thủ quy định pháp luật; thực hiện nghiêm túc Công văn số 1563/UBND-TH ngày 14/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc nâng cao chất lượng công tác tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát, tổng hợp tình hình cải tạo, phục hồi môi trường, đất đai và việc sử dụng mặt bằng tại các khu vực đã hết thời hạn khai thác hoặc đã bị thu hồi giấy phép khai thác, đồng thời nghiên cứu việc khuyến khích kết hợp khai thác VLXD với tạo mặt bằng cho các mục tiêu, nhiệm vụ khác; báo cáo, tham mưu đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh các nội dung liên quan trước ngày 30/6/2020.
c) Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an các cấp tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm khai thác khoáng sản trái phép, sử dụng phương tiện quá khổ, quá tải vận chuyển khoáng sản; đề xuất khởi tố những trường hợp vi phạm có yếu tố cấu thành tội phạm.
d) Các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, sai phép ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố báo cáo, đề xuất UBND tỉnh thu hồi Giấy phép khai thác, văn bản chấp thuận cho phép vận chuyển đất dư thừa khi san gạt, hạ cốt nền đã cấp đối với các trường hợp cố tình vi phạm. UBND huyện, thành phố xem xét xử lý, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cố tình bao che, cho phép khai thác trái phép, hủy hoại đất.
đ) UBND huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã nơi có hoạt động khai thác khoáng sản thành lập Ban Giám sát cộng đồng giám sát việc thực hiện của đơn vị khai thác và kịp thời phản ánh thông tin các vấn đề tồn tại trong quá trình thực hiện.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Chỉ thị này và các nhiệm vụ đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao; định kỳ trước ngày 15 hằng tháng báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
2. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật, chủ trương của tỉnh về công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn để người dân hiểu, đồng thuận, phối hợp thực hiện và phát huy vai trò giám sát; kịp thời phản ánh, thông tin các nội dung liên quan, nhất là những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý nhà nước và hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân,
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục quan tâm phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động và giám sát các hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
4. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ngành được xác định trong Chỉ thị; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương; định kỳ trước ngày 20 hằng tháng hoặc đột xuất tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện và tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Quyết định 26/2020/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
- 2 Nghị định 158/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật khoáng sản
- 3 Quyết định 804/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án "Đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên" (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường)
- 4 Quyết định 74/2012/QĐ-UBND ban hành Quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 5 Chỉ thị 01/2010/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
- 1 Chỉ thị 01/2010/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
- 2 Quyết định 74/2012/QĐ-UBND ban hành Quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 3 Quyết định 804/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án "Đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên" (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường)
- 4 Quyết định 26/2020/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang