HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1-HĐBT | Hà Nội, ngày 02 tháng 1 năm 1990 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC XOÁ NẠN MÙ CHỮ.
Hơn 40 năm qua, nhân dân ta đã kiên trì tiến hành công cuộc chống nạn mù chữ và đã giành được những thắng lợi to lớn. Tuy nhiên, do những khó khăn về kinh tế - xã hội, do chưa thực hiện được việc phổ cập giáo dục cấp I cho trẻ em, do các cấp uỷ Đảng và chính quyền những năm gần đây không quan tâm đầy đủ đến công tác này nên ở nhiều địa phương, nạn mù chữ vẫn tồn tại và đang có chiều hướng tăng lên, tập trung ở miền núi, vùng dân tộc ít người, vùng sâu thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Tình trạng đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân, gây trở ngại cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội ở nhiều vùng và trong cả nước.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 6 của Đảng "xoá bỏ nạn mù chữ còn lại ở một số địa phương", đồng thời hưởng ứng Năm quốc tế chống nạn mù chữ 1990 và chương trình chống nạn mù chữ do Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) đề xướng, Hội đồng Bộ trưởng quyết định một số chủ trương, biện pháp đối với công tác xoá nạn mù chữ trong những năm tới như sau.
I- NHIỆM VỤ VÀ MỤC TIÊU PHẤN ĐẤU
Để phấn đấu hoàn thành về cơ bản nhiệm vụ xoá nạn mù chữ trong cả nước trước năm 2000, từ nay đến năm 1995 cần tập trung xoá mù chữ cho khoảng 1 triệu người từ độ tuổi 35 trở xuống, trước hết cho cán bộ, đảng viên và những người trong độ tuổi thanh niên.
Muốn đạt được mục tiêu này một cách chắc chắn, phải gắn công cuộc xoá nạn mù chữ và phát triển giáo dục với việc thực hiện chính sách dân tộc, phát triển nền kinh tế hàng hoá xã hội chủ nghĩa trong khuôn khổ của những kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở từng cơ sở từng địa phương và chung trong cả nước.
Việc xoá nạn mù chữ phải được tiến hành đồng thời với việc phổ cập giáo dục cấp I cho trẻ em và tổ chức các hoạt động giáo dục bổ túc sau xoá mù chữ nhằm ngăn ngừa khả năng mù chữ trở lại.
II- NHỮNG VIỆC CẦN LÀM TRƯỚC MẮT
1- Uỷ ban nhân dân, các Bộ, các ngành, đoàn thể ở Trung ương, các tổ chức xã hội, các tổ chức sản xuất, kinh doanh, các đơn vị lực lượng vũ trang đều có trách nhiệm chỉ đạo chặt chẽ công tác chống nạn mù chữ trong phạm vi trách nhiệm của mình.
Để giúp Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo phối hợp các lực lượng ở địa phương đẩy mạnh công cuộc xoá nạn mù chữ, ở những nơi còn có nhiều người mù chữ, cần thành lập Ban chỉ đạo xoá nạn mù chữ với thành phần là cán bộ lãnh đạo các cơ quan giáo dục, tài chính, kế hoạch, thương nghiệp, lao động, thông tin, văn hoá, các đoàn thể thanh niên, công đoàn, phụ nữ, do một Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm Trưởng ban.
Các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, các tổ chức sản xuất, kinh doanh, các đơn vị lực lượng vũ trang có trách nhiệm vận động, tạo điều kiện cho những người chưa biết chữ đi học, cử người biết chữ tham gia giảng dạy, đóng góp tiền và vật tư cho công cuộc xoá nạn mù chữ tuỳ khả năng cụ thể của mình.
2- Uỷ ban Quốc gia Năm quốc tế xoá nạn mù chữ 1990 đồng thời là Uỷ ban Quốc gia xoá nạn mù chữ có nhiệm vụ giúp Hội đồng Bộ trưởng theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra đánh giá các hoạt động xoá nạn mù chữ trong phạm vi cả nước. Hàng năm, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố có trách nhiệm báo cáo lên Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban Quốc gia chống nạn mù chữ chỉ tiêu, mục tiêu phấn đấu và kết quả cụ thể của công tác này ở địa phương.
3- Bộ Giáo dục, ngoài việc bảo đảm biên soạn sách giáo khoa, sản xuất các đồ dùng dạy học thích hợp cho một số vùng, cần có kế hoạch sử dụng lực lượng cán bộ, giáo viên và học sinh lớn tuổi tham gia giảng dạy xoá nạn mù chữ.
Các Bộ Văn hoá, Y tế, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm cùng với Bộ Giáo dục xây dựng các chương trình hoạt động phối hợp liên ngành, trong đó chú trọng biên sọạn các tài liệu học tập và sách đọc thêm cho các đối tượng sau khi đã thoát nạn mù chữ, phục vụ thiết thực cho việc phát triển sản xuất, phòng bệnh chữa bệnh và nâng cao sức khoẻ, phát triển các hình thức sinh hoạt văn hoá, xây dựng nếp sống mới.
Ngành Công nghiệp nhẹ, thương nghiệp có trách nhiệm đáp ứng các nhu cầu về giấy in sách giáo khoa cũng như các nhu cầu về học phẩm, dầu thắp, ánh sáng cho người dạy, người học.
4- Trong năm 1990 và những năm tiếp theo, Nhà nước Trung ương và địa phương phải dành ngân sách cần thiết cho công cuộc xoá nạn mù chữ.
Bộ Tài chính, với sự phối hợp của Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Bộ Giáo dục, trình Hội đồng Bộ trưởng và hướng dẫn các cơ quan tài chính địa phương xét cấp ngân sách Nhà nước hàng năm, dựa theo kế hoạch hoạt động của công tác này, bảo đảm cho nhu cầu chi tiêu của công cuộc xoá nạn mù chữ ở những tỉnh, nơi đang có nhiều người mù chữ.
Xoá nạn mù chữ là nhiệm vụ quan trọng trước mắt của Đảng và Nhà nước ta, là thiết thực chăm lo đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương. Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các ngành phối hợp với các tổ chức sản xuất, kinh doanh, các đơn vị vũ trang, các đoàn thể thực hiện tốt Chỉ thị này. Chậm nhất đến quý I năm 1990, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương phải báo cáo cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban Quốc gia Năm quốc tế xoá nạn mù chữ 1990 kế hoạch tổ chức, chỉ đạo công tác này và những vấn đề lớn cần giải quyết.
| Đỗ Mười (Đã ký)
|
- 1 Quyết định 101/2002/QĐ-TTg giải thể ủy ban quốc gia năm quốc tế chống nạn mù chữ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 23-QĐ năm 1962 quy định tiêu chuẩn và thể thức công nhận thanh toán nạn mù chữ ở miền núi do Bộ trưởng do Bộ Giáo dục ban hành
- 3 Quyết định 317/QĐ năm 1956 quy định tiêu chuẩn thoát nạn mù chữ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành