NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2000/CT-NHNN14 | Hà Nội, ngày 24 tháng 08 năm 2000 |
Thực hiện Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg ngày 30/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; trong thời gian vừa qua, toàn ngành Ngân hàng đã có nhiều cố gắng trong việc mở rộng đầu tư tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.
Để thực hiện mục tiêu do Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP ngày 15/6/2000 là: "Xây dựng một nền nông nghiệp mạnh, phát triển bền vững, được áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới, từng bước được hiện đại hoá, vươn lên trở thành một ngành nông nghiệp với những nền sản xuất hàng hoá lớn, có sức cạnh tranh ngày càng cao trong quá trình hội nhập quốc tế, có năng suất và thu nhập cao trên một đơn vị diện tích, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho nhân dân, nguyên liệu cho công nghiệp, tăng kim ngạch xuất khẩu và bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần nâng cao đời sống nông dân, ổn định kinh tế và xã hội đất nước", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Tổng giám đốc các Ngân hàng thương mại quốc doanh, Tổng giám đốc (giám đốc) các tổ chức tín dụng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung sau:
I/ ĐỐI VỚI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI QUỐC DOANH VÀ CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG:
1. Tăng cường huy động mọi nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn trên cơ sở chủ động tiếp cận với các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đảm bảo khả năng thu hồi vốn, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành và địa phương.
Xem xét cụ thể, trên cơ sở chủ động nắm bắt thông tin thị trường tiêu thụ từng loại nông, lâm, thuỷ, hải sản để có kế hoạch đầu tư vốn cho phát triển trồng cây công nghiệp ngắn ngày (cây có dầu, dâu tằm, bông), một số cây lâu năm có giá trị cao như cà phê, điều, cao su, chè, rau hoa quả, chăn nuôi, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản.
Quan tâm đầu tư tín dụng cho khâu sản xuất, tạo việc làm cho người lao động trong nông nghiệp và nông thôn, cần chú ý đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, công nghệ sau thu hoạch, các ngành hàng tạo ra sản phẩm chế biến xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, phát triển sản xuất của các làng nghề, ngành nghề truyền thống ở nông thôn, tập trung trước hết là các ngành nghề có nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh, sử dụng nhiều lao động.
2. Về cho vay đối với Hợp tác xã và kinh tế trang trại:
a. Các Ngân hàng thương mại cần chủ động xem xét để mở rộng đầu tư tín dụng đối với loại hình kinh tế Hợp tác xã theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg ngày 30/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ. Chú trọng các hợp tác xã đã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã để tiếp cận và có giải pháp đầu tư thích hợp; xem xét kỹ các khâu cần đầu tư mà các Hợp tác xã phát huy được lợi thế và hiệu quả kinh tế.
b. Các Ngân hàng thương mại cần bám sát chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố về định hướng phát triển kinh tế trang trại theo Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 2/2/2000 của Chính phủ và tiến hành khảo sát xác định số lượng các trang trại trên địa bàn theo hướng dẫn tại Thông tư Liên tịch số 69/2000/TTLT-BNN-TCTK ngày 23/6/2000 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Tổng cục thống kê về hướng dẫn tiêu chí xác định kinh tế trang trại để nắm vững số lượng và đặc điểm sản xuất kinh doanh của loại hình này để có biện pháp cụ thể đầu tư thích hợp, đặc biệt là các hộ kinh tế trang trại sản xuất theo hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
3. Theo dõi sát tình hình sử dụng vốn tín dụng, có biện pháp xử lý, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình đầu tư, đảm bảo chu chuyển vốn nhanh, an toàn và hiệu quả.
4. Có biện pháp nâng cao năng lực và trình độ của cán bộ tín dụng nhằm tạo khả năng cho cán bộ tín dụng tiếp cận tốt các dự án, có kế hoạch bổ sung số lượng cán bộ tín dụng nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, gắn quyền lợi và trách nhiệm của cán bộ tín dụng.
Rà soát lại hồ sơ, thủ tục; quy trình nghiệp vụ cần tinh giảm gọn, đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm sự tuỳ tiện, hướng dẫn trái với quy định chung của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp trong quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc về cơ chế, chính sách báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý kịp thời.
Nghiên cứu sắp xếp tổ chức hợp lý, bố trí mạng lưới phục vụ thuận lợi để triển khai mạnh mẽ việc đầu tư tín dụng toàn diện vào nông nghiệp, nông thôn.
II/ ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ THUỘC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC:
1. Các đơn vị tại trụ sở chính của Ngân hàng Nhà nước:
a. Cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước trong chỉ đạo hoạt động tín dụng, tạo môi trường thuận lợi cho các Tổ chức tín dụng kinh doanh an toàn, thông thoáng.
b. Để đảm bảo sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước không ách tắc, trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, các Vụ, Cục cần xử lý các vướng mắc, đề nghị trong hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng và các đơn vị có liên quan nhanh chóng, kịp thời.
2. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố:
a. Đôn đốc chỉ đạo các Tổ chức tín dụng trên địa bàn, rà soát, phát hiện những sai sót, yếu kém trong hoạt động nghiệp vụ, khắc phục tệ quan liêu, sợ trách nhiệm, chấn chỉnh lề lối làm việc trong hoạt động Ngân hàng để phục vụ và kinh doanh tốt hơn.
b. Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện cơ chế cho vay của Tổ chức tín dụng, phát hiện kịp thời các khó khăn vướng mắc của Tổ chức tín dụng, báo cáo các cấp có thẩm quyền liên quan để xử lý kịp thời.
c. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh thành phố yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện báo cáo đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu tại công văn số 320/CV-NHNN14 ngày 16/4/1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về triển khai thực hiện Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg ngày 30/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ.
d. Nhằm tăng cường sự phối kết hợp của ngành ngân hàng với các cơ quan chính quyền, các ngành đoàn thể tại địa phương, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố lập đề cương kế hoạch cụ thể để triển khai nhiệm vụ chung về tín dụng cho phát triển nông nghiệp nông thôn, nhằm thực hiện Nghị quyết 09/NQ-CP ngày 15/6/2000 của Chính phủ; tổ chức họp định kỳ giữa giám đốc chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tham gia cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn với đại diện Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, các ngành, mặt trận tổ quốc, hội nông dân và một số đại diện dân bầu để báo cáo những việc đã làm được và lấy ý kiến đối với những việc sẽ phải làm trong thời gian tiếp theo trong hoạt động tín dụng và đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn.
Trên đây là một số nội dung chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn nhằm thực hiện Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP của Chính phủ. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tổng giám đốc (giám đốc) các Ngân hàng thương mại quốc doanh và Tổng giám đốc (giám đốc) các tổ chức tín dụng tham gia cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
| THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC |
- 1 Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
- 2 Quyết định 02/2001/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đầu tư từ Quỹ Hỗ trợ phát triển đối với các dự án sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu và các dự án sản xuất nông nghiệp do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 3 Thông tư 05/2000/TT-BTS hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 09/2000/NQ-CP về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do Bộ thuỷ sản ban hành
- 4 Thông tư liên tịch 69/2000/TTLT-BNN-TCTK hướng dẫn tiêu chí để xác định kinh tế trang trại do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tổng cục Thống kê cùng ban hành
- 5 Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP về kinh tế trang trại do Chính phủ ban hành
- 6 Công văn về việc thực hiện Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg ngày 30/03/1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách Tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển Nông nghiệp và Nông thôn.
- 7 Quyết định 67/1999/QĐ-TTg về chính sách ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 1 Thông tư liên tịch 69/2000/TTLT-BNN-TCTK hướng dẫn tiêu chí để xác định kinh tế trang trại do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tổng cục Thống kê cùng ban hành
- 2 Thông tư 05/2000/TT-BTS hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 09/2000/NQ-CP về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do Bộ thuỷ sản ban hành
- 3 Quyết định 02/2001/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đầu tư từ Quỹ Hỗ trợ phát triển đối với các dự án sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu và các dự án sản xuất nông nghiệp do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 4 Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn