Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 10/2008/CT-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO HỘ LAO ĐỘNG, AN TOÀN LAO ĐỘNG

Từ năm 1994 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ luật Lao động về bảo hộ lao động, an toàn lao động. Quá trình thực hiện các văn bản nêu trên đã tạo ra sự chuyển biến đáng kể về nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong việc bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, việc chấp hành pháp luật lao động về bảo hộ lao động, an toàn lao động của người sử dụng lao động và người lao động ở một số nơi chưa tốt, nhất là trong thời gian gần đây, tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có xu hướng gia tăng, nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã xảy, đặc biệt là trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình hình này là do công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động chưa được quan tâm đúng mức; nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động còn hạn chế; ý thức chấp hành các quy định về an toàn lao động của người sử dụng lao động và người lao động còn thấp; công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn lao động của các Bộ, ngành, địa phương chưa được thường xuyên, kịp thời, đặc biệt là tại các công trình trọng điểm của Nhà nước, các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động; công tác quản lý nhà nước về bảo hộ lao động, an toàn lao động của một số Bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong quá trình hội nhập; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hộ lao động, an toàn lao động chưa thường xuyên và nhiều hạn chế; những hành vi vi phạm về an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng chưa được xử lý nghiêm.

Để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm sức khoẻ, an toàn cho người lao động, góp phần ổn định và phát triển sản xuất, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện:

a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai, điều phối có hiệu quả các hoạt động của Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động đến năm 2010;

b) Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định của pháp luật lao động về bảo hộ lao động, an toàn lao động; xây dựng và ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn lao động; nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật An toàn lao động, vệ sinh lao động;

c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động trên các công trình trọng điểm, các khu công nghiệp tập trung, các cơ sở khai thác khoáng sản, khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng...; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn lao động;

d) Đẩy mạnh việc phổ biến, giáo dục, huấn luyện pháp luật về bảo hộ lao động, an toàn lao động cho người sử dụng lao động và người lao động; đồng thời phát động phong trào quần chúng thi đua làm tốt công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động đến tận các cơ sở sản xuất, các công trình trọng điểm kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất tư nhân, làng nghề, trang trại,...;

đ) Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng cường tuyên truyền về bảo hộ lao động, an toàn lao động;

e) Kiện toàn bộ máy làm công tác an toàn lao động và thanh tra lao động ở Trung ương và địa phương; đồng thời tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, nghiệp vụ và năng lực thanh tra, kiểm tra cho các thanh tra viên.

2. Bộ Công thương tăng cường quản lý, chỉ đạo thực hiện bảo hộ lao động, an toàn lao động trong các cơ sở thuộc ngành và lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công; kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động trong các cơ sở sản xuất, các công trình trọng điểm, các mỏ khai thác khoáng sản; nghiên cứu đề xuất các cơ chế giám sát về chất lượng, an toàn từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công đến vận hành, khai thác, bảo trì và bảo dưỡng máy móc, thiết bị; phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát năng lực giám đốc điều hành mỏ, quản lý và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại các mỏ khai thác do địa phương quản lý.

3. Bộ Xây dựng chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động đối với các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp (trừ các công trình công nghiệp do Bộ Công thương quản lý); đặc biệt là các công trình có người lao động làm việc trên cao; các đơn vị khai thác vật liệu xây dựng; các loại máy, thiết bị phục vụ thi công có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong các công trình xây dựng, khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng thuộc ngành; tăng cường kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình trong các khâu: khảo sát, thiết kế, thi công, xây dựng, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành và bảo trì công trình xây dựng; thành lập bộ phận chuyên trách công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động trong xây dựng.

4. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động đối với các công trình xây dựng cầu đường, đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm thuộc quyền quản lý; tăng cường kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình trong các khâu: khảo sát, thiết kế, thi công, xây dựng, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành và bảo trì công trình.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 20/2004/CT-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng, chống mối mọt, côn trùng, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng máy nông nghiệp; thành lập bộ phận chuyên trách công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động trong nông nghiệp.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát việc cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản nhằm bảo đảm an toàn lao động và bảo vệ tài nguyên, môi trường; quy định, hướng dẫn lồng ghép kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn lao động.

7. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiện toàn tổ chức bộ máy Thanh tra lao động ở Trung ương và địa phương bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về thanh tra lao động.

8. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn công tác vệ sinh lao động, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp trong các cơ sở sản xuất kinh doanh; đầu tư nâng cấp cơ sở, vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở điều trị và phục hồi chức năng để nâng cao năng lực điều trị và phục hồi chức năng cho người lao động.

9. Bộ Công an chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác phòng cháy và chữa cháy đối với các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm những quy định về phòng cháy chữa và cháy; đồng thời tăng cường chỉ đạo điều tra các hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm để xử lý; phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân và Toà án các cấp để đưa ra truy tố, xét xử những người thiếu trách nhiệm, có những hành vi vi phạm pháp luật lao động để xảy ra những vụ tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

10. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Nghị định số 148/2006/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về quy hoạch, xây dựng, quản lý và bảo vệ vành đai an toàn các kho đạn dược, vật liệu nổ, nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ do Bộ Quốc phòng quản lý. Kiện toàn hệ thống tổ chức, cán bộ, nhân viên làm công tác kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động về bảo hộ lao động, an toàn lao động đối với các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý và trong lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công, chú trọng đặc biệt đối với công tác xử lý bom, mìn, đạn dược còn sót lại sau chiến tranh, công tác khai thác khoáng sản, xây dựng cơ bản.

11 . Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng chuyên mục về an toàn lao động để phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo hộ lao động, an toàn lao động và kinh nghiệm phòng, chống tai nạn lao động.

12. Bộ Tài chính bố trí kinh phí để thực hiện Chương trình quốc gia về Bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động đến năm 2010 theo Quyết định số 233/2006/QĐ-TTg ngày 18 tháng 1 0 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quốc gia về Bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động đến năm 2010 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

13. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo đục và Đào tạo theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13/1998/CT-TTg ngày 26 tháng 3 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ dạo và tổ chức công tác bảo hộ lao động trong tình hình mới.

14. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương phối hợp với các Bộ, các ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động về bảo hộ lao động, an toàn lao động của các cơ sở sản xuất trên địa bàn địa phương đặc biệt là trong việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, khí, ga... trong các cơ sở sản xuất kinh doanh của tư nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề, trang trại, mỏ khai thác khoáng sản, xây dựng...; kiên quyết xử phạt những hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động; kịp thời đình chỉ hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền đình chỉ tước quyền sử dụng giấy phép hoặc thu hồi chứng chỉ hành nghề của cơ sở vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động có nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và an toàn về cháy, nổ...

15. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động; phối hợp với các Bộ, các ngành, các địa phương thực hiện các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động chấp hành pháp luật lao động về bảo hộ lao động, an toàn lao động; tổ chức tốt các phong trào về bảo hộ lao động, an toàn lao động trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

16. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam cần tập trung ưu tiên triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, hỗ trợ kỹ thuật về bảo hộ lao động, an toàn lao động cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong các làng nghề.

17. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các đơn vị, cơ sở trong phạm vi trách nhiệm của mình phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn cùng cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, nếu để xảy ra tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng.

Người sử dụng lao động, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tăng cường tự kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh ngay việc thực hiện pháp luật lao động về bảo hộ lao động, an toàn lao động; bố trí đủ cán bộ làm công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động. Tổ chức tốt việc huấn luyện an toàn lao động cho người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, VX (5b). A

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng