Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2008/CT.UBND

Long Xuyên, ngày 07 tháng 10 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH TRONG CÔNG TÁC THU GOM, XỬ LÝ CHẤT THẢI SINH HOẠT VÀ CHẤT THẢI NGUY HẠI.

Trong những năm qua, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, việc quản lý, thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại ở các địa phương và các đơn vị sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế đã có nhiều cố gắng. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh các khu dân cư, khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, khu điểm du lịch, xã hội hóa ngành y tế… như hiện nay đã làm lượng chất thải sinh hoạt và nguy hại trong nhân dân, bệnh viện, đơn vị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... ngày càng nhiều nhưng chưa được quản lý, tổ chức thu gom triệt để, chưa có phương án xử lý cụ thể để giảm thiểu nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống cũng như sức khoẻ của cộng đồng.

Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân cùng tham gia thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Tài Nguyên và Môi trường:

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn thủ tục lập hồ sơ, đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, cấp phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại, cấp mã số quản lý chất thải nguy hại.

- Tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường các bãi xử lý chất thải sinh hoạt và chất thải nguy hại, đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm tra sau báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án xây dựng bãi xử lý chất thải sinh hoạt và chất thải nguy hại theo đúng quy định của pháp luật. Cập nhật thông tin các công nghệ và chọn lọc công nghệ thu gom và xử lý chất thải phù hợp với địa phương đề xuất áp dụng.

- Chủ trì phối hợp các ngành có liên quan kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện công tác đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, quản lý chất thải nguy hại, cấp mã số quản lý chất thải nguy hại. Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:

- Xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện công tác đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, quản lý chất thải nguy hại.

- Xây dựng kế hoạch, đề án, dự án và có chính sách xã hội hóa để thu hút cá nhân, tổ chức tham gia công tác thu gom và xử lý các chất thải rắn trên địa bàn. Đặc biệt, có kế hoạch bố trí kinh phí hàng năm cho các xã, phường, thị trấn xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn và phấn đấu đến năm 2015 thu gom và xử lý toàn bộ chất thải rắn trên địa bàn.

- Bổ sung trách nhiệm của Ban công trình công cộng (Công ty Công trình đô thị) trong việc thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại.

3. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện, thị xã, thành phố để xây dựng và thực hiện đề án, dự án quy hoạch các bãi chôn lấp rác hoặc nhà máy xử lý rác đạt tiêu chuẩn kỹ thuật có kết hợp xử lý tiêu hủy chất thải nguy hại.

4. Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu rà soát các cơ sở công nghiệp có chất thải nằm trong Danh mục chất thải nguy hại theo Quyết định số 23/2006/QĐ-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành danh mục chất thải nguy hại (sau đây gọi tắt là Quyết định số 23) để hướng dẫn lập hồ sơ quản lý chất thải nguy hại.

5. Sở Y tế rà soát lại các cơ sở y tế (kể cả các cơ sở y tế tư nhân) để có giải pháp tổ chức thu gom và xử lý rác thải y tế nguy hại trong toàn ngành.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đề xuất giải pháp trong việc thu gom và xử lý chất thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp.

7. Sở Khoa học và Công nghệ: Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý mới, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trong việc triển khai các công nghệ thu gom và xử lý chất thải nguy hại; nhanh chóng ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân áp dụng đổi mới công nghệ, thiết bị trong các lĩnh vực xử lý chất thải sinh hoạt và chất thải nguy hại nhằm đảm bảo công tác bảo vệ môi trường thực hiện được tốt hơn.

8. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển: Xem xét cho vay vốn với mức ưu đãi, tạo điều kiện cho các cá nhân và tổ chức thực hiện các dự án liên quan đến thu gom và xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh.

9. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Phối hợp với cơ quan Báo, Đài Phát thanh Truyền hình An Giang thường xuyên tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng Quyết định số 23, Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép hành nghề, mã số quản lý chất thải nguy hại và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chất thải nguy hại.

10. Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Tăng cường quản lý nhà nước, từng bước xã hội hoá công tác thu gom và xử lý các chất thải sinh hoạt và chất thải nguy hại trong giai đoạn hiện nay là vấn đề cấp bách và vô cùng quan trọng. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc thì kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để nơi đây tổng hợp, báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo giải quyết của Uỷ ban nhân dân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh (báo cáo);
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Website Chính phủ;
- Các Sở, ngành cấp tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Phòng: KT, TH, NC, VHXH, XDCB;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Thế Năng