Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 10/2008/CT-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 10 tháng 07 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành và chỉ đạo các cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về chấp hành nghiêm túc các trình tự, thủ tục trong đầu tư xây dựng, quản lý trật tự xây dựng đô thị theo hướng phân cấp mạnh cho cơ sở; công khai và đơn giản các thủ tục xin cấp phép xây dựng; đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 06/2007/CT-UBND ngày 30/5/2007, về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, việc triển khai thực hiện đã góp phần hạn chế các sai phạm trong hoạt động xây dựng cơ bản;

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý trật tự xây dựng vẫn còn những tồn tại như: việc thực hiện xây dựng theo giấy phép và quản lý trật tự xây dựng còn bị buông lỏng, xử lý chưa kịp thời, chưa nghiêm minh; tình trạng xây dựng sai phép, không phép vẫn còn diễn ra gây ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường đô thị, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, cũng như gây lãng phí cho xã hội;

Nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên và để đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý trật tự xây dựng theo đúng các quy định của pháp luật; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn có trách nhiệm:

- Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý trật tự xây dựng đô thị, quản lý đất đai đến từng thôn, tổ dân phố, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, kết hợp tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ phường, xã, thị trấn trong công tác quản lý trật tự xây dựng; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc công bố quy hoạch; thực hiện các biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn thuộc quyền quản lý của mình; thường xuyên kiểm tra, xử lý kiên quyết, kịp thời và ngăn chặn các hành vi lấn chiếm, xây dựng nhà, công trình trái phép;

- Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phiền hà trong việc xác nhận giấy tờ hợp pháp về đất đai, nhằm tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh việc cấp phép xây dựng;

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, lực lượng Quản lý trật tự đô thị, tăng cường công tác kiểm tra và tập trung chỉ đạo, kiên quyết xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng đô thị. Khắc phục ngay tình trạng xử phạt nhiều lần nhưng vẫn để tồn tại; Giao trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức, trong công tác kiểm tra quản lý xây dựng trên địa bàn; kiên quyết kiểm điểm, kỷ luật cán bộ, nhân viên có trách nhiệm trong việc để xảy ra xây dựng không phép hoặc sai giấy phép xây dựng, sự cố xây dựng do Chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng vi phạm các quy định quản lý xây dựng;

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai và xây dựng trên địa bàn. Qua kiểm tra, thanh tra phải kiên quyết xử lý những vi phạm do lấn, chiếm đất đai; chuyển mục đích và chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật. Đặc biệt là việc lấn, chiếm đất bãi bồi ven sông, ao hồ, đầm, đồi núi và các loại đất chưa chuyển đổi sang mục đích đất ở; đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp đã xây dựng nhà ở, các công trình kiến trúc trên đất bất hợp pháp, kể cả những trường hợp xây dựng trên đất hợp pháp thuộc diện phải xin phép xây dựng, nhưng không làm thủ tục đúng quy định của pháp luật; Đối với những trường hợp xây dựng nhà ở và các công trình trên đất không hợp pháp thì buộc tháo dỡ, nếu không chấp hành thì cưỡng chế tháo dỡ;

- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố bố trí lực lượng cưỡng chế để xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm, kịp thời ngăn chặn tình trạng lấn, chiếm đất công, xây dựng trái phép. Tổ chức cưỡng chế những trường hợp đã vi phạm thuộc diện phải cưỡng chế;

- Theo dõi, đôn đốc và tăng cường kiểm tra việc tuân thủ nội dung giấy phép xây dựng, thiết kế cơ sở; trình tự đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng xây dựng; Tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Xây dựng của Sở Xây dựng để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các dự án đầu tư xây dựng; tổ chức kiểm tra, rà soát và có biện pháp xử lý kiên quyết, kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân xây dựng không có giấy phép xây dựng, sai giấy phép xây dựng;

- Ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc cấp phép xây dựng, thanh tra xây dựng và quản lý trật tự xây dựng bảo đảm phát huy hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý xây dựng ở địa phương;

- Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra hoạt động xây dựng các công trình đang thi công xây dựng trên địa bàn, kể cả kiểm tra việc chấp hành các quy định về xây dựng của công trình, nhà ở riêng lẻ nằm trong khu quy hoạch được miễn cấp phép xây dựng, theo phân cấp trong lĩnh vực xây dựng; phải chịu trách nhiệm cá nhân trước HĐND cùng cấp và Chủ tịch UBND cấp trên nếu để xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất đai và xây dựng công trình, nhà ở bất hợp pháp trên địa bàn quản lý, không áp dụng kịp thời các biện pháp ngăn chặn để công trình vi phạm tiếp tục xây dựng, gây lãng phí, tốn kém trong công tác cưỡng chế tháo dỡ sau này và có trách nhiệm phổ biến nội dung Chỉ thị này đến từng địa bàn dân cư; Chỉ thị này được niêm yết công khai tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn và các khu sinh hoạt văn hóa khu vực thuộc các phường, xã, thị trấn;

2. Sở Xây dựng có trách nhiệm:

- Tổ chức kiểm tra công tác cấp giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình quản lý và xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng;

- Củng cố tổ chức Thanh tra Xây dựng, bảo đảm về số lượng, chất lượng, tăng cường cơ sở vật chất để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra việc xây dựng công trình trong suốt quy trình từ khi khởi công xây dựng công trình cho đến khi hoàn thành công trình; phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp trong công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm, bảo đảm giữ vũng trật tự, kỷ cương trong hoạt động xây dựng.

Các cơ quan quản lý xây dựng chuyên ngành theo thẩm quyền của mình, tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra việc đầu tư xây dựng phải bảo đảm đúng theo quy định, góp phần lập lại trật tự đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh;

Các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình quản lý trật tự xây dựng, nếu để tình trạng xây dựng không đảm bảo thủ tục xảy ra hậu quả, thì Chủ tịch UBND các huyện và thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành có liên quan chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh;

Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 06/2007/CT-UBND ngày 30/5/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh, về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Giao Sở Xây dựng là đầu mối giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Xây dựng (báo cáo);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (báo cáo);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh (báo cáo);
- UBMTTQ tỉnh (phối hợp);
- Cục kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp (báo cáo);
- Vụ Pháp chế - Bộ Xây dựng (báo cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh;
- Các tổ chức chính trị - xã hội;
- UBND các huyện, thành phố;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Đài PT-TH tỉnh; Báo Đăk Lăk;
- Công báo tỉnh;
- Website tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu VT, TH, TM, NC, NL, VX, CN (CH-300)

CHỦ TỊCH




Lữ Ngọc Cư