Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2010/CT-UBND

Hà Tĩnh, ngày 28 tháng 4 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC NÂNG CAO NĂNG LỰC VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CHI NHÁNH NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TỈNH HÀ TĨNH

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tập trung được các nguồn vốn tín dụng phục vụ chính sách xã hội vào một tổ chức duy nhất. NHCSXH hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận với nhiệm vụ là thực hiện các chương trình tín dụng chính sách chỉ định của Chính phủ để cho vay cho người nghèo, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay giải quyết việc làm, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...

Thực hiện Chỉ thị số 09/2004/CT-TTg ngày 16 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; đồng thời được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân; sự phối hợp của các sở, ngành liên quan và các tổ chức chính trị - xã hội nên từ khi thành lập (năm 2003) cho đến nay hoạt động của của hệ thống Ngân hành chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng việc tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nhân lực, đảm bảo an sinh, ổn định trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Tính đến cuối năm 2009, tổng dư nợ cho vay các đối tượng thụ hưởng chính trên địa bàn tỉnh do NHCSXH tỉnh đảm nhiệm là 1.786 tỷ đồng, trong đó Ngân sách tỉnh chuyển sang là 10 tỷ đồng, còn lại là do NHCSXH Trung ương chuyển vốn về để cho vay. Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ nên một số địa phương, một số tổ chức uỷ thác, một số tổ tiết kiệm và vay vốn chưa thực hiện đầy đủ các quy định, quản lý và sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao; công tác huy động vốn từ nguồn gửi tiết kiệm trong nhân dân, các nguồn vốn hợp pháp khác còn rất hạn chế, đặc biệt vốn huy động từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi từ ngân sách huyện, thành phố, thị xã chưa thực hiện được, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nhằm tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Chi nhánh NHCSXH tỉnh theo Chỉ thị số 09/2004/CT-TTg, góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, giải quyết việc làm, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới; mặt khác, trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn tín dụng chính sách như hiện nay (nguồn vốn tăng trưởng của hầu hết các chương trình tín dụng chính sách đều được giao cho NHCSXH tỉnh tự huy động tại địa phương); việc huy động nguồn vốn tại địa phương rất quan trọng và là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở ngành có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Trên cơ sở nguồn thu ngân sách, sau khi thực hiện chính sách tiền lương theo quy định và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ưu tiên dành mức cao nhất trong phần vốn ngân sách địa phương theo kế hoạch hàng năm uỷ thác qua NHCSXH để cho vay theo các chương trình tín dụng chính sách hiện có tại địa phương hoặc theo các chương trình giảm nghèo của địa phương với mức tối thiểu 100 triệu đồng/huyện/năm; trong đó năm 2010, phấn đấu tối thiểu mỗi địa phương dành 200 triệu đồng, đây cũng là chỉ tiêu trong việc thực hiện nhiệm vụ về chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, là thành tích chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc làn thứ XI của Đảng.

2. Khuyến khích các doanh nghiệp trên đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh duy trì dài hạn số dư tiền gửi tối thiểu tại NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh để tạo nguồn vốn cho vay quay vòng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, coi đây như một nghĩa cử cao đẹp và thể hiện trách nhiệm cộng đồng đối với người nghèo và những đối tượng dễ bị tổn thương khác, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh, ổn định trật tự xã hội tại địa phương.

3. Chi nhánh NHCSXH tỉnh chủ động, tích cực hơn nữa trong việc huy động các nguồn vốn (dài hạn, tập trung) ổn định, lãi suất thấp từ các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh; quản lý và tổ chức triển khai sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ và của địa phương.

4. Các sở, ban, ngành có liên quan theo chức năng nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với NHCSXH để gắn chương trình tín dụng chính sách với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và các chương trình khác của tỉnh, của huyện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi với vốn đầu tư các chương trình, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đã đề ra.

5. UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để NHCSXH hoạt động thuận lợi, đảm bảo thực hiện công khai hoá, dân chủ hóa hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương; cụ thể là:

- Tổ chức và chỉ đạo Ban chỉ đạo Chương trình xoá đói, giảm nghèo cấp xã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác giám sát việc bình xét hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng đối tượng; xác nhận danh sách hộ nghèo vay vốn, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn kiểm tra việc sử dụng các vốn vay và đôn đốc thu hồi nợ đảm bảo số lượng và thời gian yêu cầu.

- Bố trí địa điểm đảm bảo đủ điều kiện làm nơi đặt địa điểm giao dịch để cán bộ NHCSXH về giao dịch trực tiếp với dân.

- Bố trí vị trí lắp đặt biển chỉ dẫn, biển hiệu và các thông báo liên quan đến việc công khai chính sách, dư nợ của khách hàng... tại các điểm giao dịch.

- Bảo quản các loại biển chỉ dẫn thuộc địa bàn quản lý, các biển hiệu và các bảng thông báo đã được lắp đặt tại điểm giao dịch xã.

- Đảm bảo an toàn cho hoạt động của NHCSXH trong việc giải ngân, cho vay, thu nợ, thu lãi tiền vay đối với khách hàng tại điểm giao dịch.

- Chỉ đạo và phối hợp thực hiện công tác giao ban giữa NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác và các nhiệm vụ khác theo đúng quy định.

6. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung đã quy định tại văn bản liên tịch và hợp đồng uỷ thác về tín dụng đã ký với NHCSXH; chủ động phối hợp với các bên liên quan để thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác và đảm bảo chất lượng.

7. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp tỉnh, huyện và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của NHCSXH và tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH hoạt động có hiệu quả. Đồng thời NHCSXH tỉnh thực hiện các nội dung và tạo mọi điều kiện để người dân có thể tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của Ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các trường hợp có khả năng trả nợ nhưng cố tình chây ỳ, không chịu trả nợ, cho vay không đúng đối tượng..., NHCSXH cần kịp thời báo cáo cấp uỷ Đảng và chính quyền cơ sở để có biện pháp thích hợp (kể cả cưỡng chế) để thu hồi nợ; kiên quyết không để bất cứ người nào, tổ chức nào xâm tiêu tiền vốn tín dụng chính sách.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành; Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan. Đơn vị liên quan nghiêm túc tổ chức thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Chủ tịch HĐQT NHCSXH VN;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND Tỉnh;
- TTMTTQVN tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBDN tỉnh;
- Cục Kiểm tra Văn bản QPPL – Bộ Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Chi nhánh NHCSXH tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Trưởng Ban đại diện NHCSXH cấp tỉnh, huyện;
- Trung tâm Công báo - Tin học tỉnh;
- Chánh, Phó VP/UB;
- Lưu: VT, TH, TM.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Kim Cự