THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/CT-TTG | Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2022 |
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giữ vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và trong giao thương với các nước ASEAN, Tiểu vùng sông Mê Công; là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu; đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.
Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19, giá trị gia tăng tổng sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL đạt 1,6%; 69,68% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 37 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất được thúc đẩy theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết giữa sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư, góp phần phát triển sản xuất, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản người dân.
Tuy nhiên, ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đầu tư của nhà nước[1], cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đầu tư bài bản, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn hạn chế so với một số vùng. ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ tác động của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn; những yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ, thiếu hợp tác, liên kết; cơ sở hạ tầng còn bất cập trước yêu cầu sản xuất quy mô lớn, thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp; các hình thức tổ chức sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp còn bất cập, hiệu quả chưa cao; biến động thị trường khó lường với xu thế tiêu dùng xanh đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn ngày càng cao.
Mục tiêu thời gian tới là phát triển ĐBSCL nhanh, bền vững; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo đột phá nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự xã hội. Tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; xác định “nông nghiệp là động lực, nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng”, “chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp”, trên cơ sở phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh; gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, giữa nông thôn với đô thị.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận phát triển theo hướng “tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công - tư, đời sống chất lượng”, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung một số nhiệm vụ sau:
1. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung chỉ đạo, thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và các chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn có liên quan trên địa bàn vùng ĐBSCL.
2. Tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chỉ đạo, điều phối phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng; triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các địa phương vùng ĐBSCL.
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố cần Thơ và các cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ để triển khai Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội. Tổ chức hoạt động điều phối phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL.
- Xây dựng Đề án sản xuất bền vững 01 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu.
- Nghiên cứu xây dựng Đề án đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL giai đoạn 2022 - 2030, trong đó xác định rõ kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp theo hướng xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, thông minh vùng ĐBSCL.
- Nghiên cứu đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo, hỗ trợ thỏa đáng cho các địa phương, hộ nông dân giữ ổn định đất trồng lúa, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa địa phương phát triển công nghiệp với địa phương chuyên trồng lúa.
- Chỉ đạo đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức và quản trị sản xuất; nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh theo hướng phát huy lợi thế so sánh, phát triển các sản phẩm đặc thù địa phương, vùng theo định hướng xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo; đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao và khuyến nông theo chuỗi giá trị, hợp tác, liên kết cung - cầu; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; khôi phục và phát triển rừng gắn với bảo vệ đa dạng sinh học và dải bờ biển, phát triển hệ thống nông - lâm kết hợp theo hướng sinh thái, hữu cơ, kết hợp du lịch sinh thái, phát triển các mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng, thích ứng biến đổi khí hậu.
- Chỉ đạo, triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống; Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL; Chương trình xây dựng thương hiệu, thúc đẩy sản xuất tiêu thụ nông lâm thủy sản theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, bảo đảm lợi ích hợp lý cho các bên tham gia chuỗi giá trị.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, xem xét bố trí vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch trung hạn và hàng năm để thực hiện các chương trình, dự án thuộc vùng ĐBSCL được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.
- Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ điều hành hiệu quả hoạt động của Hội đồng vùng ĐBSCL; thúc đẩy cơ chế điều phối liên kết vùng và tiểu vùng ĐBSCL, cơ chế phối hợp, chính sách liên kết, điều phối giữa các địa phương trong vùng.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng kết Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020”, làm cơ sở đề xuất cơ chế, chính sách mới cho giai đoạn tới.
c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan cân đối, bố trí kinh phí thường xuyên để thực hiện các chương trình, đề án liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL được phê duyệt phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách trung ương và đảm bảo theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm để phát triển, mở rộng hệ thống bảo hiểm nông nghiệp.
d) Bộ Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương xây dựng các ngành hàng chiến lược, gắn với định hướng phát triển các vùng nguyên liệu; phát triển năng lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh hệ thống lưu thông, phân phối và dịch vụ thương mại nông sản tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận nông sản. Theo dõi và kịp thời cung cấp thông tin thị trường, đặc biệt là các thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp, địa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; nâng cao vai trò của các Thương vụ, Tham tán thương mại, Tham tán nông nghiệp ở nước ngoài trong thúc đẩy xúc tiến thương mại, đầu tư trong nông nghiệp.
- Triển khai hiệu quả Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, trong đó tập trung vào công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp vùng ĐBSCL.
- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại hàng nông sản vào các thị trường tiềm năng, nhất là các sản phẩm nông sản chủ lực, thế mạnh của vùng ĐBSCL vào các thị trường trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam.
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các Hiệp hội, doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, rà soát để giảm các loại phí áp dụng đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng nông sản tại các cửa khẩu, cảng biển.
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương hoàn thành quy hoạch và triển khai xây dựng một số trung tâm logistics trên địa bàn trọng điểm, bảo đảm đồng bộ, phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải và quy hoạch khác có liên quan, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản xuất khẩu trên thị trường thế giới cũng như tiêu thụ nội địa.
đ) Bộ Khoa học và Công nghệ
- Chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, tạo giá trị gia tăng cao và nhiều cơ hội việc làm tại chỗ cho người dân vùng ĐBSCL; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm.
- Triển khai Chương trình khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu phát triển bền vững vùng ĐBSCL; trong đó tập trung nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh thích ứng biến đổi khí hậu, chú trọng các đề tài về bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL, nghiên cứu có tính ứng dụng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, viễn thông, viễn thám, công nghệ sinh học trong sản xuất, kinh doanh và quản trị nông nghiệp.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài Nguyên và Môi trường hoàn thành xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu ĐBSCL.
e) Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan đề xuất sửa đổi chính sách, pháp luật đất đai theo hướng phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong nông nghiệp; tạo thuận lợi cho tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh và hiệu quả cao, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tạo điều kiện huy động nguồn lực ngoài ngân sách khắc phục sạt lở bờ biển. Mở rộng hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; thiết lập các cơ chế thuận lợi để hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp tiếp cận đất đai hình thành các vùng sản xuất, chế biến nông sản tập trung.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và cơ quan liên quan nghiên cứu, triển khai giải pháp, công nghệ xử lý các vấn đề môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, tăng khả năng chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương tổ chức khai thác, sử dụng nguồn nước phù hợp với phân vùng chức năng nguồn nước, bảo đảm thích ứng trong điều kiện bình thường, hạn hán, thiếu nước ngọt; thu hút đầu tư các công trình lưu trữ, điều tiết nguồn nước nhằm bổ sung cấp nước cho các nhà máy, đặc biệt là khu vực ven biển.
g) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương trong vùng rà soát quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn, bố trí lại dân cư, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ sạt lở vùng ĐBSCL.
h) Bộ Giao thông vận tải chủ trì chỉ đạo, triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống logistics ở vùng ĐBSCL, bảo đảm kết nối giữa các phương thức vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics; phối hợp với các địa phương huy động nguồn lực để xây dựng khu bến cảng đầu mối, cửa ngõ của vùng ĐBSCL, trong đó nghiên cứu các phương án xây dựng cảng biên nước sâu đã được quy hoạch tại vùng ĐBSCL.
i) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội nông dân Việt Nam xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn; thu hút lao động tay nghề cao về làm việc tại vùng ĐBSCL.
k) Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng ĐBSCL; khuyến khích cơ sở giáo dục đại học tại vùng thu hút chuyên gia, trí thức trẻ; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các ngành phù hợp cho sự phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng ĐBSCL.
l) Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển chuyển đổi số, công nghệ thông tin, viễn thông, viễn thám, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ số trong quản trị nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh, xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
m) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để có chính sách đủ mạnh, ưu đãi, hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, sinh thái; tăng quy mô cho vay, giảm thủ tục vay.
- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn và tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt đối với các dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản.
- Rà soát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng. Tăng cường kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, Hợp tác xã và người dân, tạo thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, doanh nghiệp đầu mối liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
n) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thực hiện có hiệu quả những mục tiêu và định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL.
- Tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh, triển khai quy hoạch vùng ĐBSCL. Ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và nguồn lực của địa phương. Xây dựng, triển khai các Chương trình, đề án trọng điểm phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của địa phương; ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực và sản phẩm đặc sản của địa phương, vùng, tiểu vùng. Chủ động bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách, chương trình, dự án, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
- Đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn; xây dựng một số vùng chuyên canh lúa, trái cây, thủy sản (sản xuất theo tiêu chuẩn, được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, số hóa...).
- Tổ chức hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tham gia nghiên cứu, chuyển giao, xây dựng mô hình, phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chuỗi liên kết, chuyển đổi số liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn.
- Chủ động phối hợp giữa các địa phương để vận hành hiệu quả hệ thống thủy lợi, phòng chống thiên tai liên vùng; khai thác tiềm năng, phát huy hệ thống canh tác phù hợp với từng địa phương, tiểu vùng, liên tỉnh, liên vùng, chuyển nhanh sang canh tác hữu cơ, thân thiện với môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.
- Chủ động tiếp cận, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước.
Yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị này./.
| KT. THỦ TƯỚNG |
- 1 Quyết định 324/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Công văn 4320/VPCP-NN năm 2021 thực hiện Thông báo 70/TB-VPCP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Công văn 6107/BTNMT-BĐKH năm 2021 tình hình thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 4 Nghị quyết 78/NQ-CP năm 2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045