THÀNH ỦY ĐÀ NẴNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 10-CT/TU | Đà Nẵng, ngày 04 tháng 07 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 8/6/2009 của Ban Thường vụ Thành ủy, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố từng bước đi vào nền nếp. Việc quản lý, khai thác và sử dụng nguồn lực đất đai ngày càng có hiệu quả, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng đất để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đô thị Đà Nẵng.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về đất đai vẫn còn một số mặt hạn chế. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền địa phương cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, chưa có kế hoạch triển khai cụ thể về công tác quản lý đất đai. Công tác kiểm tra, thanh tra phát hiện, xử lý những vi phạm pháp luật; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai chưa kịp thời. Một số nơi còn xảy ra tình trạng chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đặc biệt là đất trồng lúa nước; chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp không đúng thẩm quyền, với mục đích kiếm lời, hưởng lợi trong chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Tình hình đó làm cho công tác quản lý đất đai tại một số địa phương diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người có đất bị thu hồi.
Để chấn chỉnh và tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai trong thời gian tới, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm đối với những hành vi lợi dụng chính sách, pháp luật trong thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân để trục lợi bất chính, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, Mặt trận và các đoàn thể thành phố lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai. Trong đó, tập trung:
- Tuyên truyền, phổ biến Luật đất đai năm 2003 và các trình tự, thủ tục hành chính liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất; nhấn mạnh những trường hợp không được chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng và phải thực hiện thủ tục chuyển nhượng thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật đất đai.
- Tuyên truyền, phổ biến đến người dân, cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, nhất là việc: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai năm 2003).
- Các cơ quan, đơn vị có liên quan, báo, đài của thành phố lập kế hoạch và thực hiện thường xuyên việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai với nội dung thiết thực, hình thức phù hợp với từng nội dung và điều kiện thực tế của địa phương, phát hiện và đưa ra công luận các vi phạm, hành vi nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.
2. Tiến hành rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành; bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật đất đai, đảm bảo tính đồng bộ và chế tài cao.
3. Tăng cường công tác lập, công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các khu vực dự án phải thu hồi đất theo quy hoạch.
- Các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 09/2007/CT-TTg ngày 06/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý sử dụng đất của các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư, các quy định của pháp luật đất đai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Chỉ thị số 01/2010/CT-BTNMT ngày 17/3/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tăng cường công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 08/6/2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố.
- Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng và hoàn thành công tác lập, xét duyệt quy hoạch sử dụng đất trên năm 2020 theo đúng nội dung quy định tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ.
- Tổng kiểm tra lại đất nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn thành phố.
- Tổ chức rà soát và công bố hàng năm các đồ án quy hoạch trên địa bàn thành phố để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp với thực tế.
- Các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện giao đất có trách nhiệm phối hợp với đơn vị chức năng để đo đạc chính xác diện tích thửa đất trước khi thực hiện thủ tục giao đất, thuê đất cho người sử dụng đất theo quy hoạch của thành phố.
4. Tăng cường công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính về đất đai, theo hướng rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tối đa không quá 15 ngày làm việc; thời gian thực hiện việc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tối đa không quá 7 ngày làm việc.
- Đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, doanh nghiệp, kể cả các đơn vị được giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền hàng năm. Chú trọng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Ban Quản lý rừng để quản lý chặt chẽ đối với các khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tại Bà Nà - Núi Chúa, Hải Vân, Sơn Trà.
- Trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, nhưng mục đích sử dụng đất ghi không đúng theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đất đai, hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp có nội dung không đúng với quy định của pháp luật thì thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp và xem xét, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật (nếu thuộc trường hợp phải cấp lại Giấy chứng nhận).
- Kết hợp việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với hiện đại hóa hệ thống hồ sơ địa chính; tăng cường việc lập và hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính, thực hiện nghiêm quy trình cập nhật biến động về sử dụng đất tại các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Ủy ban nhân dân các phường, xã.
5. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và chuyển mục đích sử dụng đất.
- Khi thực hiện chuyển quyền sử dụng đối với đất phi nông nghiệp, nếu người sử dụng đất chưa thực hiện nghĩa vụ thuế sử dụng đất hàng năm thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đất hàng năm đối với nhà nước.
- Trường hợp dùng hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất nghĩa địa, đất hoang, đất nông nghiệp do Ủy ban nhân dân phường, xã quản lý, đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đất chưa có Quyết định giao đất của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì không có cơ sở để xem xét, giải quyết việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
- Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo trực tiếp Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã và các ban, ngành tại địa phương quản lý chặt chẽ, không cho phép chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất trong các trường hợp sau:
+ Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
+ Chỉ giải quyết thủ tục cho nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với người trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong cùng địa phương.
Trường hợp những người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp từ địa phương khác đến nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để đầu cơ, bỏ hoang, không sản xuất, gây ô nhiễm môi trường, gây lãng phí trong việc sử dụng đất, Ủy ban nhân dân các phường, xã kiểm tra, lập thủ tục báo cáo Ủy ban nhân dân quận, huyện quyết định thu hồi đất.
+ Đối với đất rừng, theo chủ trương của nhà nước chỉ giao đất cho người có nguồn sống chính bằng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp tại địa phương để trồng rừng, nhưng thời gian qua có rất nhiều tổ chức, cá nhân không có nhu cầu về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp từ nơi khác đến nhận chuyển nhượng đất trồng rừng để đầu cơ gây xáo trộn tại địa phương. Do đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ giải quyết việc chuyển nhượng cây trồng trên đất, còn đất thì chuyển sang thuê (đối với người nhận chuyển nhượng) cho đến khi hết thời hạn thì trả lại cho nhà nước quản lý.
+ Các cơ quan, đơn vị không được thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất đối với các khu vực đất nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và đã có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Về chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư sang đất ở, nếu không ảnh hưởng quy hoạch thì Ủy ban nhân dân các quận, huyện tập hợp hồ sơ, đề xuất giá đất chuyển mục đích sử dụng đất, báo cáo Hội đồng thẩm định giá đất thành phố thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
6. Quản lý, thực hiện nghiêm việc tách thửa đất, hợp thửa đất, theo hướng:
- Việc tách thửa đất ở phải đảm bảo diện tích tối thiểu được phép tách thửa, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các ngành, đơn vị có liên quan xây dựng quy định cụ thể diện tích đất ở tối thiểu được phép tách thửa cho từng khu vực (theo hướng diện tích tối thiểu đối với: khu vực trung tâm thành phố là 70m2, khu vực ven trung tâm là 100m2, các khu vực còn lại là 150m2). Trường hợp cha mẹ tách thửa đất cho con đã lập gia đình để làm nhà ở thì được tách thửa đất đối với diện tích ngoài hạn mức công nhận đất ở. Trường hợp tách thửa đất để chuyển nhượng cho các đối tượng khác thì chỉ được tách thửa đất trong hạn mức công nhận đất ở.
- Về hợp thửa đất, đối với các thửa đất sau khi giải tỏa thu hồi đất, diện tích còn lại dưới 40m2 thì thực hiện thu hồi đi hẳn và ưu tiên giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với phần diện tích này cho người sử dụng đất liền kề để hợp thửa đất nhằm đảm bảo cảnh quan đô thị.
7. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, xử phạt vi phạm hành chính về đất đai.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai tại các địa phương, đơn vị; tập trung giải quyết dứt điểm các đơn thư tồn đọng và giải quyết kịp thời đơn thư phát sinh thuộc thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật tại địa phương để hạn chế tối đa tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài. Có biện pháp chế tài giải quyết dứt điểm đối với một số người khiếu kiện kéo dài, dây dưa sau khi đã có kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền. Định kỳ, đánh giá rút kinh nghiệm về công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, đảm bảo pháp luật đất đai được thực hiện nghiêm, hạn chế tiêu cực và vi phạm.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về đất đai tại địa phương, đơn vị; phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật đất đai; triển khai và thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 của Chính phủ.
- Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 134/CT-TTg ngày 20/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
8. Tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện trực tiếp chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, xã, Đội kiểm tra Quy tắc Đô thị quận, huyện và đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, nghiêm cấm việc lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép trên địa bàn phụ trách.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện nếu để xảy ra lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện liên đới chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
9. Đẩy mạnh công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
- Các đơn vị thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cần quán triệt sâu rộng đến từng cán bộ, công nhân viên của đơn vị mình thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Nhà nước, thực hiện đúng quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Ủy ban nhân dân thành phố.
- Không thực hiện bồi thường đất ở và bố trí tái định cư cho trường hợp dùng hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất “3 lá” để chuyển nhượng đất nghĩa địa, đất hoang, đất nông nghiệp do Ủy ban nhân dân phường, xã quản lý, đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đất chưa có Quyết định giao đất của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.
- Nghiêm cấm tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các Ban Giải tỏa đền bù, các Ban quản lý dự án, các Công ty thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tham gia mua bán phiếu đất, mua bán hồ sơ đền bù giải tỏa, chuyển nhượng đất tái định cư của các hộ giải tỏa để trục lợi.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện trực tiếp chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, xã thực hiện nghiêm túc việc ký xác nhận hồ sơ, giấy tờ nhà đất. Nếu để xảy ra tình trạng ký xác nhận hồ sơ giấy tờ nhà đất lùi thời gian hoặc xác nhận không đúng với nguồn gốc đất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND quận, huyện.
- Ủy ban nhân dân xã, phường không chứng thực, xác nhận, sao y bản chính về đất đai của người dân và các loại đất đai không thuộc phường, xã mà mình quản lý.
- Ủy ban nhân dân các cấp có biện pháp xử lý thích hợp đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; trường hợp nghiêm trọng, cố ý làm trái thì xem xét chuyển cơ quan pháp luật xử lý theo quy định.
10. Ủy ban nhân dân thành phố cụ thể hóa các nội dung nêu trên thành kế hoạch để tổ chức thực hiện Chỉ thị đạt hiệu quả cao.
- Các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, Mặt trận, đoàn thể đưa nội dung tăng cường công tác quản lý và sử dụng đất đai vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của cấp mình, ngành mình để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Đồng thời, có kế hoạch tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị này đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; định kỳ có sơ kết, báo cáo kết quả thực hiện về cấp ủy đảng cấp trên đánh giá, rút kinh nghiệm chỉ đạo.
- Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy giúp Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi việc triển khai thực hiện Chỉ thị; định kỳ tổ chức việc sơ kết đánh giá kết quả thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, nếu có những vướng mắc phát sinh thì báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy để chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Nơi nhận: | TM. BAN THƯỜNG VỤ |
- 1 Chỉ thị 01/CT-BTNMT năm 2010 về tăng cường công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 2 Chỉ thị 134/CT-TTg năm 2010 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Nghị định 105/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
- 4 Nghị định 69/2009/NĐ-CP bổ sung quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
- 5 Chỉ thị 09/2007/CT-TTg về tăng cường quản lý sử dụng đất của các quy hoạch và dự án đầu tư do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Luật Đất đai 2003
- 7 Chỉ thị 13/2002/CT.UB về tăng cường công tác quản lý và sử dụng đất do tỉnh Lào Cai ban hành
- 8 Chỉ thị 03/CT-CT-UBT-96 tăng cường quản lý Nhà nước và lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Cần Thơ