- 1 Quyết định 06/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Kế hoạch 46/KH-UBND năm 2022 về triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/CT-UBND | Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 07 tháng 10 năm 2022 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO, ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN “ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG DỮ LIỆU VỀ DÂN CƯ, ĐỊNH DANH VÀ XÁC THỰC ĐIỆN TỬ, PHỤC VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2022 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng Dữ liệu Quốc gia về Dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030” (Đề án 06/CP), Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 18/3/2022 để chỉ đạo triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Qua 08 tháng thực hiện, đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện Đề án 06/CP tỉnh và Tổ công tác thực hiện Đề án 06/CP cấp huyện, cấp xã và cấp thôn ấp đã tích cực triển khai thực hiện quyết liệt; đặc biệt, lực lượng Công an tỉnh đã phát huy tốt vai trò thường trực tham mưu và vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu trong tổ chức thực hiện, qua đó tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp nhanh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn then chốt của năm 2022, nhưng còn một số nhiệm vụ chậm tiến độ, nhiều khó khăn, vướng mắc đã ngày càng bộc lộ rõ hơn như: Dữ liệu còn phân tán, chưa được kết nối chia sẻ, chưa đầy đủ, nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin ở mức cao và luôn thường trực; nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, nhất là chất lượng cao còn thiếu… Nếu không giải quyết được những vấn đề mấu chốt nêu trên, sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu của năm 2022 và những năm tiếp theo của Đề án 06/CP.
Nguyên nhân của hạn chế trên chủ yếu là do: Một số cấp ủy, người đứng đầu các đơn vị, địa phương chưa nhận thức đúng và đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Đề án 06/CP nên quyết tâm chính trị chưa cao, triển khai còn lúng túng, chưa mang lại hiệu quả thực chất; cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều khó khăn...
Căn cứ Nghị quyết số 13-NQ/ĐUCA ngày 30/9/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương về “Tăng cường lãnh đạo, đẩy mạnh thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trong lực lượng Công an nhân dân” và để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06/CP của Chính phủ, Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 18/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo thực hiện Đề án 06/CP, thực hiện tốt cả hai vai trò thường trực tham mưu với cấp ủy, Ủy ban nhân dân các cấp và vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu của thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ công tác thực hiện Đề án 06/CP các cấp trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực và địa bàn quản lý.
Quán triệt phương châm: “Pháp luật đi trước một bước và có tính dự báo”, bảo đảm các bước đi mới của Đề án được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là xây dựng quy trình, quy định để thực hiện chuyển đổi phương thức hoạt động từ thủ công sang công nghệ, trong đó, ưu tiên các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án 06/CP, nhất là các văn bản phục vụ triển khai dịch vụ công trực tuyến, các văn bản về định danh, xác thực điện tử.
Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị có liên quan tham mưu triển khai thực hiện.
2. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết nhanh nhất những tồn tại, khó khăn, vướng mắc về hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh, an toàn, nhân lực... góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06/CP, trước mắt là hoàn thành các mục tiêu trong năm 2022, tạo nền tảng để thực hiện các năm tiếp theo.
Đặc biệt coi trọng và lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống và dữ liệu từ cấp tỉnh tới cơ sở. Thành lập ngay các Tổ công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật ở từng cấp. Hạ tầng thông tin liên lạc, cơ yếu, tin học, hạ tầng công nghệ phục vụ đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật phải được đầu tư đồng bộ; các hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống công nghệ, phải thường xuyên được kiểm tra, đánh giá, giám sát thường xuyên và thực hiện nâng cấp; con người quản trị, vận hành hệ thống dữ liệu phải được quản lý, giám sát, kiểm tra đảm bảo tuân thủ quy trình, quy định.
Giao Sở Thông tin truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan trong xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại theo đúng quy hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trước mắt, ưu tiên phối hợp xây dựng, hoàn thiện hạ tầng phục vụ triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06/CP, nhất là phục vụ thực hiện có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến; số hóa và tái sử dụng kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh hiệu quả.
3. Xác định dữ liệu dân cư là dữ liệu gốc, là tài nguyên đặc biệt, việc bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” có ý nghĩa sống còn, cần phải được duy trì thường xuyên, quyết liệt. Từ dữ liệu dân cư, mở rộng kết nối, chia sẻ với các sở, ban, ngành, góp phần làm giàu dữ liệu, phục vụ quản trị thông minh. Các dữ liệu khác phải được bổ sung, cập nhật theo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”, kết nối với nhau đồng bộ, thống nhất, góp phần hình thành kho dữ liệu của tỉnh. Đẩy mạnh các ứng dụng phục vụ phát triển công dân số trên địa bàn tỉnh và hoàn thành hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư.
Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các sở ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương tham mưu triển khai thực hiện thường xuyên.
4. Đảm bảo nguồn nhân lực từ cấp tỉnh đến cấp xã, nhất là ở cấp xã, đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06/CP. Có chính sách tổng thể xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó, có nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh nói chung và thực hiện Đề án 06/CP nói riêng. Trước mắt, nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù để thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ quản trị, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu, gắn với trách nhiệm của người được hưởng chính sách. Chú trọng đào tạo con người về nghiệp vụ gắn liền với công nghệ; bố trí cán bộ chỉ huy đúng chuyên ngành đào tạo; rà soát sắp xếp đội ngũ cán bộ khi chuyển đổi từ các nhiệm vụ thủ công sang thực hiện quy trình điện tử, đảm bảo cải cách hành chính, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương tham mưu đề xuất thực hiện.
5. Ưu tiên bố trí ngân sách và có cơ chế linh hoạt trong việc đầu tư để triển khai nhanh, hiệu quả và đảm bảo tiến độ của Đề án 06/CP. Quá trình triển khai cơ chế đầu tư tập trung theo đúng quy định của pháp luật để khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót về hạ tầng, công nghệ, phục vụ kết nối dữ liệu, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Thông tin -Truyền thông, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương tham mưu, đề xuất triển khai thực hiện.
6. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai, thực hiện Đề án 06/CP. Quan tâm, chăm lo, động viên lực lượng trực tiếp triển khai thực hiện Đề án. Kịp thời tuyên dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến, nghiêm túc phê bình, chấn chỉnh sai phạm.
Giao Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Nội vụ và các cơ quan báo chí, truyền thanh, truyền hình trên địa bàn tỉnh tham mưu, tổ chức thực hiện.
7. Duy trì quyết tâm chính trị cao và bảo đảm công tác chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cơ sở, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các đơn vị. Quán triệt tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, nhất là khi triển khai những nội dung mới, chưa có tiền lệ trong quá trình thực hiện Đề án.
8. Quán triệt cho cán bộ, công chức viên chức, người lao động và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang nhận thức đầy đủ, sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Đề án 06/CP. Từng cán bộ, công chức, viên chức người lao động, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang gương mẫu, thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án 06/CP và tuyên truyền, vận động người thân chấp hành các quy định về cư trú; đăng ký tài khoản định danh điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Phải xác định việc thực hiện Đề án 06/CP là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý, mệnh lệnh công tác của cả hệ thống chính trị; triển khai Đề án 06/CP là một nội dung đột phá để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
9. Tổ chức thực hiện:
- Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quán triệt, nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị này; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06/CP tỉnh về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Đề án theo lĩnh vực, địa bàn quản lý. Quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và Công an tỉnh) để tổng hợp và phối hợp giải quyết.
- Giao Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Công an tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thực hiện Chỉ thị; định kỳ báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị tại các cuộc họp thường kỳ và đột xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh, cũng như các cuộc họp chuyên đề về Đề án 06/CP./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 06/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Kế hoạch 46/KH-UBND năm 2022 về triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu