Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Hải Dương, ngày 15 tháng 5 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH CÚM A(H1N1) Ở NGƯỜI

Theo thông báo của Bộ Y tế tính đến ngày 06/5/2009 trên Thế giới đã có 21 nước ghi nhận 1.490 trường hợp mắc, xét nghiệm dương tính với cúm A(H1N1), trong đó có 26 trường hợp tử vong. Số nước chính thức xác nhận có trường hợp dương tính với cúm A(H1N1) tăng lên hàng ngày. Đây là dịch bệnh nguy hiểm đối với sức khoẻ cộng đồng, cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo đại dịch cúm A(H1N1) có nguy cơ lan rộng toàn cầu.

Tuy đến nay nước ta chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm cúm A(H1N1), nhưng để chủ động phòng ngừa dịch cúm A(H1N1), bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Thực hiện công điện số 639/CĐ - TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Y tế là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh chỉ đạo chuyên môn, xây dựng các phương án tổ chức giám sát, thu dung cấp cứu, điều trị và xử lý ổ dịch; chỉ đạo các đơn vị y tế thuộc thẩm quyền chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc men, hoá chất và nhân lực kỹ thuật sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân và khoanh vùng dập tắt ổ dịch khi dịch xâm nhập vào địa phương. Giao cho Sở Y tế thiết lập đường dây điện thoại nóng của tỉnh, thông báo rộng rãi cho nhân dân và các cấp, các ngành biết để thông tin và phối hợp tổ chức chỉ đạo phòng chống dịch.

2. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống đại dịch cúm A(H1N1) ở người, mở các chuyên mục trên báo, hàng ngày phát các tin bài tuyên truyền trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh, chỉ đạo đài truyền thanh các huyện/Thành phố, các xã, phường, thị trấn thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh, kiến thức phòng chống đại dịch để người dân biết và có ý thức phòng tránh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát chặt chẽ các ổ dịch cúm ở gia cầm, ở lợn; phối hợp với ngành y tế và các địa phương chủ động triển khai biện pháp phòng tránh không để dịch lây lan sang người.

4. Sở Công thương, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh phối hợp với Sở Y tế tổ chức hệ thống giám sát dịch và tập huấn kiến thức phòng chống dịch cúm A(H1N1) ở người cho 100% các chủ nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên du lịch và các doanh nghiệp có người nước ngoài mới đến làm việc; Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu thịt lợn từ những địa phương khác đến, đặc biệt là lợn và thịt lợn từ nước ngoài nhập vào địa phương.

5. Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế rà soát nhu cầu bổ sung kinh phí, trang thiết bị, hoá chất, thuốc men phục vụ cho công tác phòng chống dịch trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, tạo điều kiện nhanh nhất việc cung cấp kinh phí, hướng dẫn các đơn vị quản lý, sử dụng và kiểm tra thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

6. Các ngành có liên quan, đặc biệt các ngành là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp với Ngành Y tế thực hiện thật tốt các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn.

7. Uỷ ban nhân dân các huyện, Thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ngành có liên quan, các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác phòng chống đại dịch cúm A(H1N1) ở người, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong tình hình hiện nay. Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp huyện, xã phải duy trì hoạt động thường xuyên, phân công tác thành viên bám sát cơ sở; có kế hoạch và phương án phòng chống dịch cụ thể, kiên quyết không để dịch xâm nhập và bùng phát trên địa bàn phụ trách. Thực hiện thật tốt công tác giám sát dịch bệnh tới từng cơ sở, hộ gia đình; đặc biệt là những người từ các nước, khu vực đang có dịch trở về hoặc đến địa phương; các khu vực có gia súc, gia cầm chết chưa rõ nguyên nhân. Ở mỗi huyện, Thành phố phải thiết lập đường dây điện thoại nóng phục vụ cho công tác phòng chống dịch.

8. Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện và tổng hợp tình hình, thường xuyên báo cáo kết quả về Uỷ ban nhân dân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Cục YTDP và Môi trường – Bộ Y tế;
- Thường trực ỉnh ủy;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Thành viên BCĐ tỉnh;
- Các sở, ngành liên quan;
- UBND các huyện, TP;
- Lưu VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Minh