Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Hà Nam, ngày 24 tháng 8 năm 2012

 

CHỈ THỊ

V/V PHÁT HUY VÀ NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI QUÊ HƯƠNG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Hưởng ứng và thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động; trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tổ chức, cá nhân với tình cảm và trách nhiệm của mình đã tham gia góp công, góp của, hiến đất cho xây dựng hạ tầng nông thôn mới góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Thực hiện mục tiêu đến hết năm 2015 toàn tỉnh có tối thiểu 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 30 xã đạt 50% và những xã còn lại đạt 30% tiêu chí trở lên theo Bộ tiêu chí quốc gia; đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nhằm phát huy và nâng cao hơn nữa trách nhiệm và tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đối với quê hương trong xây dựng nông thôn mới; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, các đoàn thể, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, giám đốc các doanh nghiệp trong tỉnh và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ và nhân dân về chủ trương, quan điểm, mục tiêu, tiêu chí và các bước triển khai của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về xây dựng nông thôn mới; làm cho mỗi cán bộ và người dân hiểu rõ nội dung, phương pháp, cách làm và phát huy vai trò chủ thể của mình để tự nguyện, tự giác tham gia đóng góp công sức, tiền của và sáng tạo trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

2. Phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trong từng cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp từ tỉnh đến cơ sở; Mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người

lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp lập bản đăng ký thi đua hàng năm đóng góp cho xây dựng nông thôn mới gắn với địa chỉ xã, thôn cụ thể. Cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên cần nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu trong việc tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới, tham gia ý kiến đóng góp vào nghị quyết về xây dựng nông thôn mới của cấp ủy địa phương nơi cư trú. Vận động chủ doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với tấm lòng hảo tâm và trách nhiệm với quê hương đăng ký ủng hộ bằng tiền, vật tư để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tiếp tục đăng ký ủng hộ bằng vật liệu hoặc bán hàng chậm trả cho các thôn, xóm, xã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cụ thể hóa tiêu chí thi đua trong cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị.

3. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong từng cơ quan, đơn vị; trên cương vị công tác, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình đối với quê hương nơi sinh ra hoặc nơi đang cư trú tham gia xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức như đóng góp trí tuệ, công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới; đồng thời động viên gia đình, người thân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới ở quê hương, nơi cư trú nhằm tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới.

4. Tiếp tục rà soát, bổ sung và xây dựng các cơ chế, chính sách mới nhằm tạo ra các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; từng bước chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở; tổng kết đánh giá chương trình tuyển cán bộ có trình độ đại học về làm công chức dự bị ở xã, trên cơ sở đó tiếp tục thực hiện đưa cán bộ trẻ có trình độ đại học, cao đẳng để bổ sung thay thế cho cán bộ, công chức hết tuổi hoặc chuyển công tác và tham gia quản lý xây dựng nông thôn mới. Xây dựng và ban hành cơ chế chính sách ưu đãi cán bộ trẻ là người con quê hương có trình độ chuyên môn cao, có nhiệt tình tâm huyết với phong trào xây dựng nông thôn mới về các xã phân công trực tiếp đảm nhận công tác xây dựng nông thôn mới.

5. Các cơ quan truyền thông, thông tin đại chúng các cấp bằng nhiều hình thức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, kết quả thực hiện và các điển hình tiên tiến trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới đến năm 2020.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, các đoàn thể; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Giám đốc các doanh nghiệp trong tỉnh và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ thị này, kịp thời báo cáo kết quả thực hiện và những vấn đề phát sinh qua Sở Nội vụ để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Mai Tiến Dũng