Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1073/CT-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 07 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ HIỆN ĐẠI HÓA CÔNG SỞ CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH Ở ĐỊA PHƯƠNG THEO HƯỚNG TẬP TRUNG

Trong những năm qua, các cơ quan nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về việc quản lý tài sản công, trong đó có tài sản là công sở của các cơ quan nhà nước. Các quy định này đã phát huy hiệu quả, tăng tính chủ động của đơn vị trong việc quản lý, sử dụng công sở, trụ sở làm việc đúng mục đích, đáp ứng yêu cầu về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tài sản nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế còn có địa phương sử dụng nhiều nhà, đất trụ sở làm việc chưa đúng mục đích như: cho thuê, cho mượn, làm nhà ở… Trong khi đó hệ thống công sở của một số địa phương vẫn còn nhiều bất cập như diện tích làm việc còn thiếu, không đồng bộ, nhiều trụ sở làm việc xây dựng đã lâu, chưa được sửa chữa cải tạo dẫn đến xuống cấp, lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu làm việc, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trước yêu cầu đổi mới của nền hành chính nhà nước và giải quyết nhu cầu công việc của người dân.

Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, để thực hiện yêu cầu “quy hoạch và xây dựng công sở theo hướng tập trung và từng bước hiện đại, có đủ điều kiện và phương tiện làm việc, tạo thuận lợi cho người dân khi đến liên hệ giải quyết công việc”, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, đặc biệt rà soát lại hệ thống công sở các cơ quan hành chính nhà nước thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

2. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hệ thống công sở còn nằm rải rác, chưa đủ diện tích làm việc và chất lượng công sở bị xuống cấp thì chủ động sắp xếp, cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức. Đối với địa phương có đủ điều kiện thì xây dựng phương án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét về chủ trương đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung.

3. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch liên quan và đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Khu hành chính tập trung phải đáp ứng mục tiêu, yêu cầu hiện đại hóa công sở; bảo đảm mục tiêu làm việc liên hoàn với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại (phòng họp, hội nghị, hội thảo, bộ phận tiếp công dân, lưu trữ, thư viện, giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc…); là địa điểm làm việc giao dịch thuận lợi cho các cơ quan nhà nước và đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc của người dân; được trang bị đồng bộ (thiết bị văn phòng) phù hợp, hiệu quả, thống nhất cung cấp các dịch vụ công sở.

b) Vị trí lựa chọn để xây dựng khu hành chính tập trung phải phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thiết kế kiến trúc, xây dựng công trình tuân theo các quy định của pháp luật về quy hoạch và xây dựng; tùy theo điều kiện về địa hình, khí hậu và đặc điểm địa chất, kiến trúc của từng vùng, miền để nghiên cứu phương án bảo đảm tiết kiệm quỹ đất và chi phí vận hành.

c) Việc quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung phải căn cứ định hướng biên chế của cơ quan hành chính nhà nước theo từng giai đoạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm phù hợp tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc các cơ quan nhà nước theo quy định tại Quyết định số 147/1999/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 1999 và Quyết định số 260/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.

d) Khu hành chính tập trung được bố trí là nơi làm việc của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước cấp tỉnh. Tùy theo tình hình thực tế ở địa phương có thể bố trí trong khu hành chính tập trung là khu làm việc của các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh khu hành chính tập trung hình thành khu dịch vụ công (các đơn vị sự nghiệp công lập, trung tâm y tế, các khu thể thao…).

đ) Khu hành chính tập trung phải có Quy chế quản lý quy định cụ thể về công tác quản lý, sử dụng. Thành lập Ban quản lý khu hành chính tập trung là cơ quan chuyên trách được giao dự toán ngân sách hàng năm có trách nhiệm quản lý, bố trí sử dụng, quản lý vận hành hoặc thuê dịch vụ quản lý, vận hành đồng bộ khu hành chính tập trung.

4. Việc quản lý, sử dụng công sở thực hiện theo quy định tại Quyết định số 213/2006/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý công sở các cơ quan hành chính nhà nước, Quyết định số 141/2008/QĐ-TTg ngày 22 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý trụ sở, nhà làm việc các đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

5. Về nguồn vốn để đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung:

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn các hình thức huy động vốn đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung, phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực hiện có, cụ thể là:

Trường hợp sử dụng nguồn tiền bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ các công sở cũ thì thực hiện theo các phương thức sau:

+ Tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất các công sở hiện tại để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung theo quy định của pháp luật.

+ Thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao theo quy định của pháp luật để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung.

- Bố trí từ nguồn vốn đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

6. Đối với những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhu cầu xây dựng khu hành chính tập trung ở cấp huyện thì thực hiện theo quy định tại các điểm 3, 4 và 5 Chỉ thị này. Việc quy hoạch xây dựng và đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung cấp huyện phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đồng ý về chủ trương trước khi phê duyệt.

7. Tổ chức thực hiện:

a) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhu cầu xây dựng khu hành chính tập trung:

- Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành liên quan căn cứ quy hoạch xây dựng đô thị và kế hoạch sử dụng đất để lựa chọn vị trí xây dựng khu hành chính tập trung làm cơ sở để lập, thẩm định, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung.

- Thực hiện đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

- Xây dựng Quy chế quản lý, sử dụng khu hành chính tập trung bảo đảm đúng mục đích và hiệu quả.

b) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính ban hành quy chế hoạt động của Ban quản lý khu hành chính tập trung.

8. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng