BỘ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2005/CT-BBCVT | Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM VÀ ĐẠI DỊCH CÚM Ở NGƯỜI
Trong thời gian gần đây, tình hình dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người đang diễn biến rất phức tạp ở nước ta và nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực bằng mọi giá nhằm đẩy lùi sự bùng phát đại dịch cúm gia cầm. Ban Bí thư đã có chỉ thị số 53-CT/TW ngày 28/10/2005 về việc triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người. Ngày 15/10/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg về việc thực hiện đồng bộ có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người, nhằm ngăn chặn không để dịch xảy ra và phòng chống dịch có hiệu quả, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nhằm thực hiện nghiêm túc những chủ trương và giải pháp của Đảng và Nhà nước, để chủ động đối phó với tinh thần nỗ lực cao nhất và bằng các phương tiện thông tin liên lạc, Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông chỉ thị các đơn vị thuộc Bộ, Sở Bưu chính Viễn thông các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, các doanh nghiệp Bưu chính Viễn thông khẩn trương thực hiện tốt các công việc trọng tâm sau:
1. Tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng, nâng cao ý thức của cán bộ, công nhân, viên chức ở tất cả các đơn vị trong ngành về nguy cơ của dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người, tự giác và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả.
2. Chủ động nắm bắt nhu cầu thông tin phục vụ công tác phòng, chống và xử lý sự cố khi có xảy ra dịch cúm gia cầm và dịch cúm ở người để xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các phương án đảm bảo thông tin thông suốt phục vụ sự chỉ đạo của các cơ quan Đảng, chính quyền và Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp.
3. Các doanh nghiệp bưu chính viễn thông và Internet:
a) Tiếp tục triển khai nâng cấp mạng lưới bưu chính, viễn thông và internet; tăng cường công tác kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống trang thiết bị, mạng lưới đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi trường hợp.
b) Các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ triển khai thiết lập ngay đường dây nóng theo yêu cầu của các Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm Trung ương và địa phương đảm bảo nhu cầu phản ánh thông tin liên quan đến dịch cúm gia cầm của người dân. Miễn cước tất cả các cuộc gọi qua đường dây nóng.
c) Website của các cơ quan đơn vị thuộc Bộ, các doanh nghiệp bưu chính viễn thông và Internet, đặc biệt là các Báo điện tử mở chuyên mục "Thông tin ngay - Ngăn chặn kịp thời đại dịch cúm gia cầm" nhằm đảm bảo trao đổi thông tin 2 chiều tới mọi người dân.
4. Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam:
- Triển khai thiết lập hệ thống thông tin hội nghị từ xa nối Văn phòng Chính phủ với một số địa bàn trong cả nước để thực hiện các cuộc hội nghị truyền hình khi cần thiết của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm.
- Chỉ đạo Công ty phần mềm và truyền thông VASC triển khai xây dựng Website riêng "Thông tin ngay - Ngăn chặn kịp thời đại dịch cúm gia cầm", trong đó có cửa sổ để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế có thể chủ động cập nhật thông tin chính thức.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các nhân viên điểm Bưu điện văn hoá xã, thôn làm thêm nhiệm vụ tuyên truyền viên; bưu tá làm thêm nhiệm vụ thông tín viên, chuyển thông tin nhanh nhất về các bưu cục để bưu cục chuyển tới Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp và tới Website.
- Chỉ đạo các bệnh viện và cơ sở y tế trực thuộc xây dựng phương án phòng, chống dịch theo yêu cầu của các cơ quan chuyên môn; đảm bảo trang thiết bị và thuốc men để có thể tiếp nhận và điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu.
5. Công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ truyền hình (VTC) phối hợp với Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông triển khai thiết lập hệ thống thông tin hội nghị từ xa đồng thời xây dựng ngay chuyên mục riêng và tăng thêm thời lượng tuyên truyền cho công tác phòng, chống dịch.
6. Sở Bưu chính Viễn thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra và giám sát thường xuyên việc triển khai của các doanh nghiệp bưu chính viễn thông trên địa bàn.
7. Giao Văn phòng Bộ chủ trì và làm đầu mối xử lý các công việc liên quan để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng thường xuyên.
Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông yêu cầu các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và Internet, các đơn vị chức năng của Bộ, các Sở Bưu chính, Viễn thông quán triệt tinh thần của Chỉ thị, tổ chức triển khai và thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản về Bộ.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công điện số 1305/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A(H5N1) ở người do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Chỉ thị 53/CT-TW năm 2005 về triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3 Chỉ thị 34/2005/CT-TTg về tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Công văn số 65/TTg-NN về việc phòng chống dịch cúm gia cầm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Chỉ thị 47/2004/CT-BNN về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6 Chỉ thị 22/2004/CT-TTg về tiếp tục phòng chống dịch cúm gia cầm và nhanh chóng khôi phục phát triển sản xuất chăn nuôi gia cầm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Chỉ thị 47/2004/CT-BNN về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Công điện số 1305/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A(H5N1) ở người do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Công điện 1130/CP-NN về việc dịch cúm gia cầm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Chỉ thị 22/2004/CT-TTg về tiếp tục phòng chống dịch cúm gia cầm và nhanh chóng khôi phục phát triển sản xuất chăn nuôi gia cầm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Công văn số 65/TTg-NN về việc phòng chống dịch cúm gia cầm do Thủ tướng Chính phủ ban hành