ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2005/CT-UB | Quy Nhơn, ngày 22 tháng 4 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU KHOÁNG SẢN
Ngày 5/4/2005, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 10/2005/CT-TTg về tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản. ở tỉnh Bình Định việc quản lý khai thác, chế biến khoáng sản còn nhiều bất cập; việc thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản ít chú trọng đầu tư về kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để làm giàu quặng hoặc chế biến ra sản phẩm tinh chế mà chủ yếu vẫn là khai thác khoáng sản để xuất khẩu quặng thô, làm cạn kiệt, lãng phí tài nguyên khoáng sản, nhất là khai thác titan và đá granite.
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản theo đúng quy định Luật Khoáng sản, các văn bản hướng dẫn thi hành và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban có liên quan và UBND các huyện, thành phố thực hiện ngay một số công việc sau đây:
1- Triển khai thực hiện cụ thể Chỉ thị số 10/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17/2002/ CT-UB ngày 4/6/2002 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý hoạt động khoáng sản; Chỉ thị số 26/2003/CT-UB ngày 4/9/2003 của UBND tỉnh về nâng cao hiệu quả khai thác sa khoáng titan trên địa bàn tỉnh.
2- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, Công an tỉnh và các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra hiện trạng khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh; đình chỉ ngay các hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu khoáng sản trái quy định của pháp luật; có đề xuất biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản, kể cả thu hồi giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản; đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng phải đề nghị xử lý trách nhiệm hình sự theo pháp luật. Kết quả kiểm tra tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/5/2005 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến, xuất khẩu quặng titan và đá granite của các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác; lập thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép khai thác và đình chỉ xuất khẩu khoáng sản đối với các trường hợp vi phạm nội dung giấy phép được cấp.
3- Tiếp tục thực hiện việc tạm dừng cấp mới, gia hạn giấy phép khai thác tận thu titan, kim loại, kể cả vàng, bạc, đá quý. Sở Tài nguyên và Môi trrường hướng dẫn các doanh nghiệp tạm dừng ký kết mới hợp đồng xuất khẩu khoáng sản rắn dưới dạng nguyên liệu thô cho đến khi có quy định mới của Thủ tướng Chính phủ.
4- Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ban có liên quan rà soát, khoanh định các khu vực cấm và khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước tháng 7 năm 2005 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Các sở, ban, UBND các huyện, thành phố cần lưu ý khi quy hoạch các công trình hạ tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu di tích, vùng sản xuất và các công trình hạ tầng khác phải lấy ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường về quản lý khoáng sản.
5- Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý môi trường trong hoạt động khoáng sản; các dự án khai thác, chế biến khoáng sản phải thực hiện đúng các quy định về đánh giá tác động môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường cam kết bảo vệ và phục hồi môi trường sau khai thác; không làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa và các khu dân cư; có biện pháp kiên quyết, ngăn chặn ngay việc sử dụng các hóa chất độc hại trong khai thác, chế biến khoáng sản, bảo đảm an toàn vệ sinh nguồn nước; làm tốt công tác bảo vệ trật tự, an toàn xã hội và an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản.
6- Các sở, ban và UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao sự hiểu biết cho UBND các xã, các doanh nghiệp khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản và nhân dân trong vùng có tài nguyên khoáng sản về chính sách, pháp luật khoáng sản, nâng cao ý thức bảo vệ và khai thác hợp lý tài nguyên khoáng sản, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản.
7- Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình có kế hoạch thường xuyên tuyên truyền chính sách, pháp luật về khoáng sản; biểu dương những đơn vị, cá nhân làm tốt; phê phán, phát hiện và lên án những hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản.
Thủ trưởng các sở, ban, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH |
- 1 Nghị quyết 112/NQ-HĐND năm 2013 về kết quả giám sát công tác quy hoạch, quản lý thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh
- 2 Chỉ thị 10/2005/CT-TTg về tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 297/1998/QĐ-UB ban hành quy định quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai
- 4 Luật Khoáng sản 1996
- 1 Quyết định 297/1998/QĐ-UB ban hành quy định quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai
- 2 Nghị quyết 112/NQ-HĐND năm 2013 về kết quả giám sát công tác quy hoạch, quản lý thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh
- 3 Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2021 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên