ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11 /2007/CT-UBND | Lai Châu, ngày 23 tháng 11 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH TIÊU CHẢY CẤP NGUY HIỂM
Bệnh Tiêu chảy cấp là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh, dễ tử vong, nhưng có thể phòng chống được. Hiện nay, dịch Tiêu chảy cấp nguy hiểm đã xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh phía Bắc, với tổng số mắc trên 1.700 người, tình hình dịch diễn biến phức tạp, có nguy cơ lan rộng sang các tỉnh khác.
Để chủ động phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, không để dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh Lai Châu, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các cấp, các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế triển khai các biện pháp chuyên môn phòng chống dịch:
Tăng cường công tác theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; kịp thời phát hiện các trường hợp tiêu chảy cấp, tổ chức lực lượng khoanh vùng ổ dịch (nếu có), tiêu trùng khử độc kịp thời, tuyệt đối không để dịch lan rộng.
Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ, hàng quán ăn uống, bếp ăn tập thể, dừng ngay việc mua bán, sử dụng mắm tôm.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền phổ biến 4 biện pháp phòng chống bệnh tiêu chảy đến tận người dân, thực hiện 6 không về vệ sinh an toàn thực phẩm: Không ăn rau sống ; Không ăn tiết canh; Không ăn mắm tôm, mắm tép sống; Không ăn gỏi cá, hải sản sống; Không ăn nem chạo, nem chua; Không uống nước lã, nước đá mất vệ sinh.
Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hoá chất, thuốc men, phương tiện, nhân lực để phòng chống dịch tiêu chảy cấp khi có dịch xảy ra.
2. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị có trách nhiệm chỉ đạo UBND các xã, phường triển khai các hoạt động phòng chống dịch. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng ổ dịch, tập trung lực lượng xử lý triệt để ngay từ đầu, không để dịch lan rộng. Tuyên truyền phổ biến cho nhân dân thực hiện các biện pháp về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh.
3. Ban Chỉ đạo công tác đảm bảo Vệ sinh an toàn thực phẩm từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao, xây dựng kế hoạch tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn.
4. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu tăng cường công tác tuyên truyền về 4 biện pháp phòng chống bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm và các thông điệp an toàn vệ sinh thực phẩm phòng chống bệnh tiêu chảy cấp .
5. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và lực lượng quân y có trách nhiệm phối hợp với Ngành y tế trong việc tuyên truyền phòng chống dịch và chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, nhân lực, phương tiện tham gia chống dịch khi có yêu cầu.
6. Sở Tài chính phối hợp đảm bảo nguồn kinh phí cho các hoạt động phòng chống dịch.
7. Thủ trưởng các Sở, Ban Ngành liên quan của tỉnh phối hợp với Ngành Y tế tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong ngành, nhân dân về sự nguy hiểm của dịch bệnh tiêu chảy cấp, tích cực, chủ động tham gia có hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn.
8. Đề nghị Uỷ ban mặt trận tổ quốc tỉnh chỉ đạo các tổ chức thành viên tích cực tham gia công tác phòng chống dịch, tăng cường tuyên truyền phổ biến các biện pháp phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, góp phần bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc chỉ thị này./.
| CHỦ TỊCH |