Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11 /CT-UBND

Gia Lai, ngày 25 tháng 8 năm 2014

 

CHỈ THỊ

Về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020

Tỉnh Gia Lai thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, Quyết định số 04/2011/QĐ-UBND ngày 17/3/2011 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, kinh tế trong nước diễn biến phức tạp; thiên tai, dịch bệnh và thời tiết diễn biến bất thường; an ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp,... các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân đã nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.

Thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, vượt qua các khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp nhà nước tập trung triển khai các nội dung sau:

I/ Những nội dung chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020:

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đúng tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015; các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh; dự báo tình hình trong nước, thế giới và khu vực, tình hình trong tỉnh, trong huyện, thị xã, thành phố; từ đó xác định mục tiêu, định hướng phát triển của kế hoạch 5 năm 2016-2020. Những nội dung chủ yếu của báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 gồm:

1. Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015:

a) Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 của UBND tỉnh, trong đó làm rõ các kết quả đạt được so với mục tiêu, chỉ tiêu và các định hướng phát triển đề ra, các khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch.

b) Kết quả thực hiện chủ trương, chính sách lớn trong tái cơ cấu kinh tế. Tập trung đánh giá kết quả thực hiện các đề án tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực; quá trình và kết quả thực hiện tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp. Đồng thời, phải có đánh giá tái cơ cấu trong nội bộ ngành, lĩnh vực, nhất là trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xuất khẩu, dịch vụ. Trong mỗi lĩnh vực nói trên, cần nêu bật được các chủ trương định hướng, chương trình kế hoạch tái cơ cấu, những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm.

c) Tình hình và kết quả thực hiện ba đột phá lớn của Chính phủ về hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong đó, cần làm rõ những kết quả đạt được so với mục tiêu kế hoạch đề ra; đặc biệt cần phân tích sâu các nguyên nhân khách quan và chủ quan của các hạn chế, yếu kém trong triển khai thực hiện các đột phá trong các ngành, các cấp.

d) Tình hình và kết quả thực hiện các cân đối vĩ mô về cân đối thu chi ngân sách nhà nước; xuất nhập khẩu; nợ chính quyền địa phương. Tình hình huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển và cơ cấu các nguồn vốn đầu tư.

đ) Những kết quả về phát triển và đổi mới giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, y tế, thông tin, văn hóa, thể dục thể thao, bảo vệ trẻ em, phát triển thanh niên, chăm sóc người có công và bình đẳng giới; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng,... quản lý tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

e) Đánh giá về thực hiện các nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; các kết quả về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

g) Đánh giá về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,...

2. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 xây dựng trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước phục hồi đà tăng trưởng sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng tốc độ phục hồi còn chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ở trong nước, kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt các diễn biến ở biển Đông có thể có tác động ảnh hưởng tới phát triển kinh tế đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Bên cạnh những khó khăn, thách thức giai đoạn 2016-2020 thì ở tỉnh cũng có những thuận lợi nhất định như tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh tăng khá và ổn định qua các năm, công tác an sinh xã hội thực hiện tốt, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, an ninh quốc phòng được củng cố, ổn định, vững chắc.

a) Mục tiêu tổng quát Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020:

Giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2020 xây dựng Gia Lai trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong Tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Củng cố và mở rộng các quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế.

b) Định hướng phát triển và các nhiệm vụ chủ yếu:

- Phấn đấu tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức cao hơn tăng trưởng bình quân chung cả nước (trên 7%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm, đối với các huyện nghèo giảm từ 3-4% (giảm nhanh hộ nghèo là đồng bao dân tộc thiểu số).

- Thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành, lĩnh vực, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cụ thể như sau:

+ Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá, hình thành các vùng chuyên canh phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh gắn với thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước với mũi nhọn là cây công nghiệp dài ngày (cao su, cà phê, hồ tiêu); phát triển chăn nuôi đại gia súc tập trung quy mô công nghiệp hình thành quy trình chăn nuôi khép kín; phát triển nông nghiệp gắn liền với đô thị hoá và xây dựng nông thôn mới.

+ Triển khai đồng bộ các giải pháp về phát triển công nghiệp, nhất là các giải pháp về tái cấu trúc trong sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản. Xây dựng và phát triển hạ tầng khu công nghiệp Trà Đa, các cụm công nghiệp, Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh.

+ Phát triển thương mại theo hướng đảm bảo cung ứng vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, hàng tiêu dùng cho đời sống, đồng thời xây dựng thị trường mở hòa nhập với thị trường vùng Tây Nguyên, Duyên Hải Miền Trung, cả nước và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Tăng cường xúc tiến thương mại, triển khai hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và tổ chức tốt phương án bán hàng lưu động đến các vùng sâu, vùng xa.

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020, tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, triển khai việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị, trong đó cần xây dựng và mở rộng nâng cấp các tuyến giao thông nội tỉnh, liên huyện kết nối với các trục đường quốc gia, nhất là giao thông các huyện dọc quốc lộ, tạo thành các hành lang kinh tế, các không gian phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, lưu thông thuận lợi với bên ngoài. Khẩn trương hoàn thành đi vào hoạt động các dự án khu đô thị Hoa Lư - Phù Đổng, dự án khu đô thị Cầu Sắt, khu dân cư Phượng Hoàng….

- Tiếp tục đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng.

- Tiếp tục tăng cường khai thác các nguồn thu, tiết kiệm chi ngân sách phấn đấu tốc độ tăng thu bình quân hàng năm đạt khoảng 15-16%; nâng dần tỷ lệ tự cân đối ngân sách, huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển nền kinh tế.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển giáo dục - đào tạo và phát triển mạnh khoa học - công nghệ. Phát triển văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng. Tập trung giảm nghèo bền vững. Thực hiện các chính sách lao động, việc làm tiến tới phát triển thị trường lao động. Chủ động, tích cực phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy các di sản văn hóa dân tộc; tăng cường công tác thông tin truyền thông; phát triển mạnh phong trào thể dục, thể thao để nâng cao thể chất của người Việt Nam. Thực hiện tốt chính sách dân tộc và tôn giáo; bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ. Chú trọng công tác chăm sóc, giáo dục thanh thiếu niên và bảo vệ quyền lợi của trẻ em; phát triển thanh niên.

- Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai.

- Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kết hợp phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

II/ Yêu cầu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020

1. Những yêu cầu trong tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015

a) Việc đánh giá Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 cần bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển theo Nghị quyết của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, các văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011- 2015 và kế hoạch hàng năm.

b) Việc tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 phải huy động, phát huy được sự phối hợp của cả bộ máy tổ chức nhà nước, các cơ quan khoa học, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các hiệp hội và cộng đồng dân cư.

c) Việc đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 phải bảo đảm tính khách quan, trung thực, sát đúng thực tiễn.

2. Những yêu cầu trong xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020

a) Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của tỉnh phải xây dựng bám sát các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, sự chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh và phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020; Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Gia Lai 10 năm 2011-2020.

b) Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 của các ngành, lĩnh vực và các địa phương phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của tỉnh, các quy hoạch ngành, sản phẩm, lĩnh vực; phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của từng ngành, từng huyện, thị xã, thành phố.

c) Các mục tiêu, định hướng và giải pháp, chính sách trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 phải bảo đảm tính khả thi; sắp xếp thứ tự các mục tiêu ưu tiên.

d) Trong quá trình xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, các ngành và địa phương cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan nghiên cứu, các đoàn thể, các hiệp hội sản xuất và tiêu dùng, cộng đồng dân cư, các nhà tài trợ và các chuyên gia.

3. Kinh phí xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm

Kinh phí xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để bảo đảm việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 có chất lượng.

III/ Phân công và tiến độ xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Hướng dẫn các Sở, ngành và địa phương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 trong tháng 8 năm 2014.

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương tính toán, xây dựng các phương án tăng trưởng kinh tế.

c) Tổng hợp và xây dựng dự thảo báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trình UBND tỉnh trước ngày 01/11/2014 và báo cáo Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp cuối năm 2014.

2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các cân đối lớn về ngân sách nhà nước, trong đó bảo đảm chi đầu tư phát triển trên tổng chi ngân sách nhà nước ở mức hợp lý, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10 tháng 11 năm 2014.

3. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp nhà nước của tỉnh:

a) Hướng dẫn các ngành, các cấp xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.

Đối với chỉ tiêu tổng giá trị tăng thêm trong nước trên địa bàn của tỉnh, sử dụng số liệu chính thức do Tổng cục Thống kê tính toán và công bố cho giai đoạn 2011-2013 và giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cục Thống kê báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến Tổng cục Thống kê về rà soát, ước thực hiện năm 2014, dự kiến năm 2015 và ước thực hiện cả giai đoạn 2011 - 2015, làm căn cứ xây dựng chỉ tiêu này cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Đối với chỉ tiêu giá trị sản xuất trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố; các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với Chi cục thống kê để tính cho các năm và cả giai đoạn 2011-2015.

b) Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 thuộc ngành, lĩnh vực và địa phương phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, trình cấp có thẩm quyền; đồng thời, báo cáo các cơ quan cấp trên theo tiến độ quy định. Gửi dự thảo báo cáo Kế hoạch 5 năm 2016-2020 thuộc ngành, lĩnh vực và địa phương đến Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 01 tháng 10 năm 2014.

c) Sở Tài chính bố trí kinh phí trong dự toán chi ngân sách nhà nước để xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, bảo đảm nâng cao chất lượng các báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Giám đốc các Công ty TNHH MTV vốn UBND tỉnh chủ sở hữu nghiêm túc tổ chức thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực tỉnh uỷ (để báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (để báo cáo);
- Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Chủ tịch, các đ/c PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, TX, TP;
- Các Cty TNHH MTV vốn UBND tỉnh chủ sở hữu;
- CVP, các PVP UBND tỉnh;
- Website tỉnh, CV các khối;
- Lưu VT, KTTH.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng