Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 112/CT-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 9 năm 1979

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐẨY MẠNH VIỆC XÂY DỰNG VÀ TỔ CHỨC SẢN XUẤT MẠNG LƯỚI CƠ KHÍ PHỤC VỤ NÔNG NGHIỆP

Thi hành nghiêm chỉnh nghị quyết của Thành ủy đẩy mạnh ngành cơ khí phục vụ đắc lực cho nông nghiệp, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị cho các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ sau đây :

1. Phải nhanh chóng xác định yêu cầu của nông nghiệp mà đề ra nhiệm vụ cho ngành cơ khí phục vụ.

Về lâu dài, việc xác định yêu cầu phải chính bản thân ngành nông nghiệp chủ động đề ra ; nhưng ngành công nghiệp với vị trí của mình, phải chủ động đi nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu quy cách, hết sức chi viện cho nông nghiệp trong việc đề ra yêu cầu phù hợp với khả năng sản xuất của ngành công nghiệp. Với vị trí là trung tâm công nghiệp, trách nhiệm của công nghiệp thành phố không những chỉ cung cấp cho nông dân ngoại thành mà còn tạo ra sản phẩm (từ nông cụ, phụ tùng, máy móc nông nghiệp,...) cho cả B 2, miền Nam.

Sở Nông nghiệp có trách nhiệm cùng Viện Quy hoạch, Ủy ban Kế hoạch thành phố hoàn chỉnh quy hoạch vùng nông nghiệp cho từng huyện và quận ven thành phố, xác định cơ cấu nuôi trồng, từ đó cùng với Ủy ban nhân dân các huyện và quận ven nắm chắc yêu cầu cụ thể về thiết bị phụ tùng máy nông nghiệp và nông cụ cầm tay cho trồng trọt, chăm sóc thời vụ, chăn nuôi, chế biến, ... cả về số lượng, chủng loại, quy cách phù hợp với tập quán canh tác và điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng nông nghiệp qua việc điều tra cơ bản rộng khắp trong quần chúng. Sở Công nghiệp và Liên hiệp xã tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp có trách nhiệm chủ động phối hợp chặc chẽ với Sở Nông nghiệp, các huyện để nắm chắc yêu cầu tập hợp đầy đủ chủng loại phục vụ cho nông nghiệp, mở hội nghị khách hàng, giới thiệu mẫu thàng hoặc thiết kế và đưa vào cân đối kế hoạch hóa.

2. Khẩn trương tổ chức và xây dựng mạng lưới cơ khí phục vụ nông nghiệp.

Từ việc xác định yêu cầu của ngành nông nghiệp mà tiến hành việc phân công, hiệp tác sản xuất và tổ chức lại sản xuất các cơ sở khi phục vụ nông nghiệp có sẵn, lập quy hoạch tổ chức và xây dựng mạng lưới cơ khí phục vụ nông nghiệp.

Ủy ban nhân dân thành phố giao trách nhiệm cho Sở Công nghiệp chủ trì cùng Sở Nông nghiệp, Ủy ban Kế hoạch thành phố, Sở Thủy sản, Ủy ban nhân dân các huyện ngoại thành và quận vùng ven tổ chức thực hiện nhiệm vụ này, cụ thể là :

- Lập quy hoạch và xây dựng màng lưới cơ khí bao gồm từ cơ khí huyện, cụm cơ khí phục vụ vùng, lò rèn xã, các xưởng cơ khí nông trường, hợp tác xã, trại chăn nuôi, các trạm sửa chữa cơ khí lưu động, đến cả màng lưới thương nghiệp bán phụ tùng, công cụ cầm tay cho các huyện, vùng, v.v… phù hợp với từng vùng nông nghiệp. Xác định nhiệm vụ, phương án sản phẩm và phân công, phân cấp giữa cơ khí thành phố với cơ khí huyện, quận vùng ven, giữa các cơ sở cơ khí trong màng lưới cơ khí quận, huyện theo hướng : cơ khí thành phố sản xuất các loại nông cụ tiêu chuẩn với quy mô sản xuất hàng loạt, sửa chữa lớn và vừa các loại máy móc phụ tùng nông nghiệp cơ khí quận, huyện sản xuất các loại nông cụ mang tính chất đặc thù thích hợp với địa phương và sửa chữa nhỏ, bảo trì máy nông nghiệp và các máy khác…

Các Ủy ban nhân dân quận, huyện cùng Sở Nông nghiệp chịu trách nhiệm chính về việc chọn địa điểm, Sở Công nghiệp chịu trách nhiệm sản xuất các nhà xưởng dã chiến, sản xuất thiết bị, cung cấp một số công nhân trên phương châm : không cầu toàn, kết hợp lợi ích trước mắt với lợi ích lâu dài trong thời kỳ quá độ, tận dụng các điều kiện sẵn có về mặt bằng, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng, điện nước, … để tranh thủ xây dựng nhà, cơ động (có thể sử dụng các phương án xây lắp dã chiến), tránh phô trương hình thức không cần thiết.

- Lập nhiệm vụ thiết kế, kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, kế hoạch cung ứng vật tư kỹ thuật, trang thiết bị và đảm nhiệm việc xây dựng màng lưới cơ khí phục vụ nông nghiệp, các cơ quan được phân công nói trên phải hoàn thành nhiệm vụ của mình trong vòng 20 ngày và báo cáo đề án trước Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố vào cuối tháng (30-9-1979). Trong khi chờ đợi cần chuẩn bị ngay máy móc, nhà cửa để lắp cho nhanh, Công ty Vật tư tổng hợp cần chuẩn bị cho 14-20 cụm cơ khí, 50 lò rèn giao cho Sở Công nghiệp.

Sở Công nghiệp cần cùng với Công ty Vật tư tổng hợp nắm lại số thiết bị có sẵn, tân trang hoặc sản xuất mới thêm cho đủ khi triển khai. Ủy ban Kế hoạch thành phố cần hết sức hỗ trợ vật tư như gỗ, xi măng, tấm lợp, sắt thép cần thiết. Ủy ban nhân dân đồng ý có thể điều một số cơ sở tư nhân bỏ chạy ra trang bị các huyện, …

3. Phải tranh thủ phát huy triệt để năng lực sản xuất cơ khí hiện có:

Ủy ban nhân dân huyện ngoại thành và quận vùng ven có trách nhiệm tranh thủ triệt để mọi năng lực sản xuất cơ khí trong màng lưới cơ khí nằm trong địa bàn quận, huyện bao gồm cơ khí trung ương, cơ khí thành phố, cơ khí quận, huyện, hợp tác xã và tổ hợp cơ khí, lò rèn thủ công để phục vụ tốt việc sửa chữa và trang bị cho nông nghiệp của quận, huyện, nông trường, hợp tác xã, tiểu vùng, v.v…

Để thúc đẩy sự chuyên môn hóa, hợp tác hóa trong sản xuất, cần xác định rõ số xí nghiệp cơ khí của thành phố trong việc sản xuất phụ tùng, máy móc phục vụ nông nghiệp,… Đối với cơ khí huyện, nhiệm vụ là phục vụ sản xuất ở địa bàn kinh tế huyện – cơ khí huyện có trách nhiệm sửa chữa máy móc nông nghiệp, máy móc hải sản cho ngư dân, máy móc cho lâm nghiệp, … sản xuất ra các loại phụ tùng đơn chiếc hoặc phụ tùng giản đơn để phục vụ sửa chữa, sản xuất các loại nông cụ cầm tay phục vụ cho kinh tế huyện, đặc biệt là các loại dụng cụ đặc thù của địa phương, cơ khí huyện là chỗ dựa về kỹ thuật cho các cụm cơ khí và lò rèn các xã, sản xuất ra những phương tiện vận tải thô sơ, máy móc đơn giản hoặc máy đặc thù dùng trong huyện, đào tạo cán bộ công nhân cho các cụm cơ khí và lò rèn xã, thành lập các đội đi sâu xuống các hợp tác xã, nông trường trong huyện để sửa chữa máy móc,… Cơ khí huyện là đơn vị kinh tế kinh doanh có tư cách pháp nhân. Do đặc điểm từng huyện có nền kinh tế khác nhau và do địa bàn hoạt động có nơi xa hoặc gần thành phố, cơ khí huyện cần được trang bị cho thích hợp với từng địa phương, không nhất loạt giống nhau. Việc này Sở Công nghiệp, Sở Nông nghiệp, Sở Thủy sản, Ty Lâm nghiệp cần bàn bạc cụ thể và quyết định.

Về cụm cơ khí : Do ngoại thành chưa làm ăn tập thể ở mức độ cao, nhưng để chuẩn bị cho phong trào hợp tác hóa nông nghiệp trong thời gian sắp tới. Nhà nước đầu tư các cụm cơ khí các vùng - tiểu vùng. Một cụm cơ khí có thể phục vụ 3-5 xã và cùng với màng lưới lò rèn xã và cơ khí huyện, cơ khí các nông trường, hợp tác xã nông nghiệp thành màng lưới cơ khí. Chức năng cụm cơ khí là phục vụ sửa chữa máy móc nông nghiệp, tàu thuyền đánh cá loại nhỏ (kể cả của dân chưa vào hợp tác xã, tập đoàn) các phương tiện vận tải nhỏ, các máy móc khác mà ở địa phương có. Việc sửa chữa ở các cụm chủ yếu từ xem xét, tiểu tu, trung tu…, còn đại tu các phương tiện đó thì do cơ khí huyện thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình tiến lên, nếu các cụm cơ khí có phụ tùng được cung cấp và có kỹ thuật vẫn có thể thực hiện đại tu máy móc theo đối tượng kể trên. Các cụm cơ khí nên được đặt ở các vị trí thuận lợi, trên các trục giao thông thủy bộ, trên các địa điểm trung tâm của các tiểu vùng kinh tế. Các cụm được trang bị một số máy móc, lò rèn cần thiết và phù hợp với đối tượng phục vụ. Các cụm có thể sản xuất các nông cụ cầm tay phù hợp với địa phương, làm ra một số phụ tùng giản đơn để sửa chữa,… Mỗi cụm cơ khí có thể có đốc công phụ trách, có một số công nhân giỏi, việc này do Sở Công nghiệp, Sở Lao động và Sở Nông nghiệp, Thủy sản bàn và quyết định. Cần phát huy các hiệu cơ khí sửa chữa hiện có của tư nhân.

Về lò rèn xã : Cần phát huy số hiện có của tư nhân hoặc của Nhà nước. Cần khuyến khích các tư nhân lập lò rèn và giúp đỡ cho họ hoạt động nhằm phục vụ xã hoặc liên xã.

Cần nhanh chóng xây dựng lò rèn ở các nơi đang thiếu và cần. Về trang bị lò rèn cần chú ý ở vùng có điện nên trang bị khác, vùng không có điện trang bị khác cho phù hợp. Nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất các nông cụ cầm tay phục vụ tại địa phương, sửa chữa những phương tiện giản đơn,…

Về cơ khí sửa chữa ở các nông trường, hợp tác xã, Sở Công nghiệp và Sở Nông nghiệp cần phối hợp làm đề nghị cụ thể về trang bị, quy mô cho phù hợp từng nơi và cần tiến hành nhanh (cần làm trong tháng 10 này báo cáo cho Ủy ban nhân dân quyết định).

Ở các quận ven, hiện đã hoặc đang hình thành cơ khí quận ven. Nhiệm vụ chủ yếu là sửa chữa máy nông nghiệp, xe vận tải của huyện, sản xuất các loại máy móc giản đơn phục vụ quận ven và sản xuất theo kế hoạch những máy móc, phương tiện mà cơ khí quận ven có khả năng…, sản xuất các loại công cụ cầm tay cho nền kinh tế quận ven,…

Hiện nay, Sở Nông nghiệp đang hình thành cơ khí Sở Nông nghiệp (do Liên Xô giúp một phần trang bị). Sở Nông nghiệp cần có bộ máy lo về kế hoạch hóa cả hệ thống màng lưới cơ khí. Để phục vụ sát với từng địa phương, cơ khí huyện đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện, quận, có sự giúp đỡ về quy hoạch, kỹ thuật, về đào tạo cán bộ của Sở Công nghiệp. Sở Nông nghiệp với tư cách là Sở chủ quản cần có kế hoạch theo dõi chặt chẽ màng lưới cơ khí huyện, quận ven để đi đúng hướng phục vụ nông nghiệp, hải sản, lâm nghiệp,…

Các cụm cơ khí các vùng đặt dưới sự chỉ đạo của cơ khí huyện. Các lò rèn dưới sự quản lý của Ủy ban nhân dân xã, các xưởng cơ khí ở các nông trường, hợp tác xã đặt dướng sự quản lý của giám đốc nông trường và hợp tác xã.

Để xây dựng màng lưới cơ khí vững chắc, và với vị trí của thành phố, ngành cơ khí thành phố (thuộc Sở Công nghiệp) cần quy hoạch, tiến hành cải tạo, xác định phương hướng sản xuất từng xí nghiệp, thực hiện kế hoạch đầu tư chiều sâu để từng bước phát huy vai trò của mình không những nông nghiệp, hải sản ngoại thành mà còn phải nhanh chóng vương lên phục vụ nông nghiệp B2,…

Cùng với xây dựng màng lưới cơ khí như nêu trên, cần nhanh chóng củng cố cơ khí ngành (cơ khí hải sản, cơ khí thủy lợi,…) theo một quy hoạch chung. Ủy ban kế hoạch thành phố cần dành ưu tiên đầu tư cho kế hoạch này và có kế hoạch sản xuất hàng năm, quý cho màng lưới cơ khí huyện, quận, cơ khí phục vụ nông nghiệp,…

4. Phải dành ưu tiên cung cấp vật tư kỹ thuật, trang thiết bị cho màng lưới cơ khí phục vụ nông nghiệp.

Cần phải tranh thủ sự chi viện của ngành cơ khí Trung ương kết hợp với khả năng chế tạo của thành phố, và năng lực vật tư thiết bị hiện có qua cải tạo công thương nghiệp tư doanh để trang bị nhanh nhất cho màng lưới cơ khí phục vụ nông nghiệp.

Ủy ban Kế hoạch thành phố chủ trì cùng các cơ quan sau đây tổ chức thực hiện việc trang bị cho màng lưới cơ khí phục vụ nông nghiệp :

- Sở Công nghiệp và Liên hiệp xã tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp có trách nhiệm cung cấp các loại thiết bị phụ tùng, dụng cụ tự chế đã sản xuất ổn định.

- Công ty Vật tư tổng hợp cùng Ban kiểm tra và phân phối vật tư có trách nhiệm cung cấp một số loại thiết bị vật tư đã có lệnh cấp phát và kiểm tra lại tồn kho để có kế hoạch huy động bổ sung. Nếu thiếu thì Sở Công nghiệp phải sản xuất bổ sung cho đủ, tranh thủ hết sức sự giúp đỡ về phụ tùng của Công ty Cơ khí - Bộ Cơ khí và luyện kim (đã có thông báo của Bộ về mặt hàng sản xuất cụ thể).

- Các huyện ngoại thành cần nhanh chóng hình thành các Công ty Đại lý vật tư tổng hợp và các cửa hàng bán nông cụ, phụ tùng cho nông dân,…

- Ban Cải tạo thành phố xem xét các cơ sở sản xuất cơ khí vắng chủ, thuộc diện cải tạo, đề nghị xử lý giao thiết bị cho Sở Công nghiệp trang bị cho cơ khí huyện.

Việc này cần hoàn thành trước 30-9-1979, sau khi phương án tổ chức màng lưới cơ khí phục vụ nông nghiệp được duyệt, Ủy ban Kế hoạch thành phố và Sở Công nghiệp có trách nhiệm cân đối lại yêu cầu và khả năng thiết bị vật tư để có kế hoạch điều động nội bộ cho hợp lý và đề nghị Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và ngành cơ khí Trung ương chi viện.

5- Khẩn trương giải quyết kinh phí cho việc xây dựng màng lưới cơ khí phục vụ nông nghiệp.

Sau khi nhiệm vụ thiết kế được duyệt, Ủy ban Kế hoạch thành phố cần định vốn, vật tư, thiết bị cho xây dựng cơ bản hệ thống cơ khí ngoại thành này trong quý IV/1979 và một phần đầu năm 1980 và giao nhiệm vụ này cho Sở Công nghiệp, các huyện ngoại thành khẩn trương triển khai kế hoạch xây dựng cơ bản này.

6- Đào tạo và bổ sung lực lượng lao động cho màng lưới cơ khí phục vụ nông nghiệp.

Sở Công nghiệp có trách nhiệm bổ sung đội ngũ công nhân kỹ thuật giỏi chi viện lâu dài hoặc có thời hạn cho cơ khí quận, huyện và cùng với Ủy ban nhân dân các huyện, quận vùng ven tuyển chọn lọc sinh đào tạo tập trung hoặc kèm cặp tại chỗ và triệt để khai thác lực lượng cán bộ công nhân kỹ thuật bố trí trái ngành nghề, cán bộ công nhân kỹ thuật hưu trí để sử dụng cho màng lưới cơ khí quận, huyện.

Sở Công nghiệp cần đào tạo một lớp công nhân cơ khí ở trường Nguyễn Tường Tộ (150-200 công nhân) cho màng lưới cơ khí huyện. Để giải quyết số công nhân này có thể bằng cách tuyển chọn một số học sinh lớp 10 hoặc 12 thi trượt cấp III, II hoặc trượt đại học để đào tạo. Sở Công nghiệp cùng các huyện tính toán nhu cầu này và cho tuyển dụng ngay để đào tạo.

Sở Lao động cùng với các cơ quan hữu quan nghiên cứu các chính sách tiền lương và phụ cấp cho công nhân kỹ thuật được điều động đi xa cho các xưởng cơ khí huyện, nhất là huyện Duyên Hải và Củ Chi, chính sách miễn đi nghĩa vụ quân sự đối với công nhân mới ra trường được phân công cho cơ khí huyện, chính sách đối với thợ giỏi tư nhân được sử dụng ở các điểm lò rèn xã, đề nghị cấp trên xét duyệt và ban hành. Đối với công nhân giỏi, cần có chính sách đưa cả gia đình họ ra ở gần các cụm cơ khí, có thể tạo cho gia đình anh em một số đất theo chính sách để làm nhà ở lâu dài. Sở Lao động cần tuyển chọn một số công nhân biết nghề cho cơ khí huyện mà hiện chưa có công tác. Cơ cấu đội ngũ thế nào, Sở Công nghiệp đề ra.

Riêng cán bộ quản lý màng lưới cơ khí huyện trong bước ban đầu này, Sở Công nghiệp phối hợp cùng Sở Nông nghiệp cần mở một lớp cán bộ bồi dưỡng cấp tốc. Mọi chi phí này Sở Công nghiệp tính toán và trình Ủy ban nhân dân duyệt.

7- Nghiên cứu việc phân công quản lý màng lưới cơ khí phục vụ nông nghiệp.

Ban Tổ chức chánh quyền cùng với Sở Công nghiệp, Sở Nông nghiệp, Ủy ban nhân dân các quận, huyện nghiên cứu việc phân công, phân cấp quản lý màng lưới cơ khí phục vụ nông nghiệp bao gồm xưởng cơ khí quận, huyện, cụm cơ khí, lò rèn xã, phù hợp với nguyên tắc quản lý đã quy định.

Sở Nông nghiệp và Sở Công nghiệp cùng Ủy ban Kế hoạch, Ủy ban Vật giá thành phố nghiên cứu chính sách giá cả sản phẩm, dịch vụ sửa chữa, bảo trì máy nông nghiệp và phương thức tiêu thụ sản phẩm của màng lưới cơ khí phục vụ nông nghiệp trình Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt.

Để thực hiện tốt việc tổ chức và hoạt động của màng lưới cơ khí phục vụ nông nghiệp, Ủy ban Kế hoạch thành phố, Sở Công nghiệp, Sở Nông nghiệp cần có tổ chức theo dõi việc này và thi hành chế độ báo cáo đã quy định.

Các Sở, ban, ngành, quận, huyện cần tổ chức triển khai thực hiện tốt chỉ thị này.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
C HỦ TỊCH




Võ Thành Công