UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/1999/CT-UB | Hà Nội, ngày 11 tháng 08 năm 1999 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC ĐIỀU KIỆN KINH DOANH NHÀ HÀNG ĂN UỐNG, QUÁN ĂN UỐNG BÌNH DÂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Gần đây có nhiều trường hợp sử dụng thực phẩm không đảm bảo chất lượng và vệ sinh như: Dư lượng hóa chất bảo vệ thực phẩm vượt qúa mức cho phép hoặc thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn gây ra ngộ độc, làm tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời với tình hình trên, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường, ngõ phố... để kinh doanh hàng ăn uống vẫn diễn ra trên nhiều địa bàn của Thành phố, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị.
Thi hành Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 3/3/1999 của Chính phủ quy định về hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện; hàng hóa, dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và Thông tư số 18/1999/TT-BTM ngày 19/5/1999 của Bộ Thương mại hướng dẫn điều kiện kinh doanh nhà hàng ăn uống, quán ăn uống bình dân; UBND Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện; Thường trực các Hội, Đoàn thể, các tổ chức kinh tế, xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
1. Sở Thương mại chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành liên quan như: Y tế, Kế hoạch & Đầu tư, Du lịch, Văn hóa Thông tin, Công an Thành phố, Khoa học công nghệ & môi trường, Đài phát thanh & truyền hình Hà Nội, báo Hà Nội mới và UBND các quận, huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các điều kiện và các quy định phải thực hiện khi kinh doanh hàng ăn uống. Yêu cầu các hộ kinh doanh hàng ăn uống cam kết thực hiện đúng các điều kiện và các quy định mà Nhà nước đã ban hành; mở hội nghị với đại diện các hộ, các doanh nghiệp đang kinh doanh hàng ăn uống để xây dựng quy chuẩn của mô hình quán ăn uống bình dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội, trình UBND Thành phố xem xét trước 30/9/1999.
2. Sở Y tế cùng Sở Thương mại phối hợp với UBND các quận, huyện tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê những nhà hàng, quán ăn uống bình dân thuộc địa bàn quản lý và chỉ đạo thực hiện theo các điều kiện đã quy định trong Thông tư số 18/1999/TT-BTM của Bộ Thương mại. Những nhà hàng, quán ăn uống bình dân không đảm bảo các điều kiện quy định thì kiên quyết đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy phép kinh doanh và xử lý nghiêm những vi phạm; chỉ thực hiện cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho những cơ sở kinh doanh đạt các tiêu chuẩn quy định tại Thông tư số 04/1998/TT-BYT ngày 23/3/1998 của Bộ Y tế. Định kỳ tổ chức kiểm tra chéo việc cấp "Giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm" theo Quyết định số 2482/BYT - QĐ của Bộ Y tế. Nếu phát hiện ra việc cấp sai quy định, phải có biện pháp xử lý đối với người có thẩm quyền trong việc cấp Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân và Nghị định số 46/CP ngày 6/8/1996 của Chính phủ.
3. Công an Thành phố phối hợp với Thanh tra Giao thông công chính, UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn và chỉ đạo các lực lượng Công an thuộc quyền, kiên quyết xử lý việc các hộ kinh doanh hàng ăn uống lấn chiếm vỉa hè, dưới lòng đường để bán hàng, gây nên lộn xộn, mất mỹ quan đô thị và không đảm bảo vệ sinh môi trường; đồng thời cần có kế hoạch tổ chức cho các hộ kinh doanh đăng ký cam kết không vi phạm Nghị định 36/CP và Nghị định 87/CP; không để xảy ra những tệ nạn xã hội như đánh bạc, tiêm chích hoặc sử dụng ma túy, mua bán mại dâm tại các cơ sở kinh doanh hàng ăn uống.
4. Sở Văn hóa - Thông tin biên soạn các tài liệu giới thiệu về văn hóa ẩm thực Việt Nam và Hà Nội; phối hợp với các Ngành, Đoàn thể, các tổ chức kinh tế, xã hội, báo Hà Nội mới, Đài Phát thanh & truyền hình Hà Nội và UBND các quận, huyện để thường xuyên phổ biến, vận động những người kinh doanh hàng ăn uống và mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên về bản sắc văn hóa dân tộc trong ăn uống của người Việt Nam nói chung và của người Hà Nội nói riêng.
5. Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn có biện pháp mở rộng việc sản xuất các loại thực phẩm sạch (rau, thịt, cá, trứng...) để cung cấp ngày càng nhiều các loại thực phẩm sạch đáp ứng nhu cầu ăn uống thường ngày của nhân dân.
UBND thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Thường trực các Hội, Đoàn thể và Chủ tịch UBND các quận, huyện căn cứ vào chỉ thị này để có kế hoạch triển khai thực hiện. Ban chỉ đạo 197 Thành phố thường xuyên kiểm tra và có báo cáo chuyên đề về việc thực hiện chỉ thị này trong các kỳ giao ban của Ban chỉ đạo.
Yêu cầu các hộ kinh doanh hàng ăn uống, các quán ăn uống bình dân trên địa bàn Thành phố cần chủ động và tự giác chấp hành các điều kiện kinh doanh mà Nhà nước đã quy định.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
- 1 Quyết định 247/2006/QĐ-UBND Quy định tạm thời về phòng, chống các tệ nạn xã hội trong kinh doanh cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống tỉnh Bình Dương
- 2 Chỉ thị 17/2001/CT-UB thực hiện Nghị định 08/2001/NĐ-CP về điều kiện an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện do Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 3 Thông tư 18/1999/TT-BTM hướng dẫn điều kiện kinh doanh nhà hàng ăn uống, quán ăn uống bình dân do Bộ Thương mại ban hành
- 4 Nghị định 11/1999/NĐ-CP về hàng hoá cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện, hàng hoá, dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện
- 5 Nghị định 46-CP năm 1996 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về y tế
- 1 Quyết định 247/2006/QĐ-UBND Quy định tạm thời về phòng, chống các tệ nạn xã hội trong kinh doanh cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống tỉnh Bình Dương
- 2 Chỉ thị 17/2001/CT-UB thực hiện Nghị định 08/2001/NĐ-CP về điều kiện an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện do Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành