Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/2000/CT-NHNN3

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2000

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TIẾP DÂN VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG CÁC NGÂN HÀNG

Sau gần hai năm thực hiện Luật khiếu nại, tố cáo và Nghị định số 67/1999/NĐ-CP ngày 7/8/1999 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật khiếu nại, tố cáo, Ngân hàng Nhà nước các cấp và các Ngân hàng thương mại đã có những chuyển biến trong nhận thức và hành động. Việc thụ lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân ở các cấp ngân hàng đã góp phần bài trừ tệ nạn tham nhũng, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, nâng cao lòng tin của dân vào Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên ở một số nơi việc thụ lý đơn thư còn sai sót mà nguyên nhân căn bản, là do những người làm công tác xét giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa nắm vững Luật khiếu nại, tố cáo, không thấy rõ cái mới của Luật khiếu nại, tố cáo so với Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo; thụ lý đơn thư theo đường mòn lỗi cũ, hoặc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, hoặc chưa công tâm trong xử lý nên tình trạng đơn thư vượt cấp còn nhiều.

Các sai sót chính trong công tác xét giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua gồm:

- Nhiều vụ việc không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật khiếu nại, tố cáo (như các tranh chấp về hợp đồng tín dụng, khiếu nại về hợp đồng lao động) vẫn thụ lý theo Luật khiếu nại, tố cáo khiến người khởi kiện không chịu, tiếp tục khởi kiện.

- Một số trường hợp giải quyết sai thẩm quyền:

+ Người bị tố cáo lại đích thân giải quyết đơn tố cáo dẫn đến dân không tin, bị kích động lại khiếu kiện đông hơn.

+ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố giải quyết trực tiếp các vụ khiếu kiện ở Ngân hàng thương mại khi thẩm quyền giải quyết còn đang thuộc Ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm.

- Vi phạm quy trình xét giải quyết khiếu nại, tố cáo:

+ Chủ yếu là tiếp nhận, thụ lý đơn thư quá thời gian quy định của Luật khiếu nại, tố cáo.

+ Khi giải quyết không phân biệt nội dung khiếu nại, nội dung tố cáo nên áp dụng sai các điều của Luật khiếu nại, tố cáo; ra văn bản thông báo hoặc ra quyết định xử lý trái pháp luật khiến dân bất bình;

Để chấn chỉnh một bước công tác xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước; Giám đốc các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố; Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc các tổ chức tín dụng Quốc doanh và Tổng Công ty Vàng bạc đá quý khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Tổ chức học tập, nghiên cứu nghiêm túc Luật khiếu nại, tố cáo và Nghị định số 67/1999/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, công nhân viên chức trong đơn vị để mọi người hiểu rõ luật và thực hiện đúng theo luật.

2. Tiến hành rà soát lại tất cả các vụ việc đã giải quyết từ năm 1999 đến nay để thấy rõ việc làm đúng, chưa đúng với quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo, nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm cho thời gian tới.

3. Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố tự kiểm tra đơn vị mình và tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm thủ trưởng đơn vị cấp dưới trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo để chấn chỉnh kịp thời các sai sót, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

4. Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm:

4.1- Soạn thảo, trình Thống đốc quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước và các cấp Ngân hàng thương mại Quốc doanh, Tổng Công ty Vàng bạc đá quý phù hợp với Luật khiếu nại, tố cáo và Nghị định số 67/NĐ-CP của Chính phủ.

4.2- Cử các tổ công tác đi một số tỉnh, thành phố để kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các đơn vị ngân hàng trên địa bàn, chấn chỉnh tại chỗ những sai sót trong thụ lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

5. Việc tiếp công dân là trách nhiệm của thủ trưởng Ngân hàng Nhà nước các cấp. Do đó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu:

5.1- Thủ trưởng đơn vị Ngân hàng phải bố trí phòng tiếp dân đảm bảo thuận tiện cho công dân khi đến khiếu nại, tố cáo.

5.2- Ít nhất tháng 1 lần thủ trưởng đơn vị Ngân hàng các cấp phải trực tiếp tiếp công dân tại phòng tiết công dân; các ngày khác trong tháng có thể giao cho cấp dưới. Tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ trực tiếp tiếp công dân vào ngày thứ năm của tuần đầu hàng tháng. Các ngày thứ năm còn lại trong tháng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước uỷ quyền cho Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước tiếp công dân.

6. Các đơn vị cần khẩn trương bố trí cán bộ có đầy đủ năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị tốt, am hiểu đường lối chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để làm thư ký tiếp công dân và thụ lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.

7. Ngân hàng các cấp phát động một đợt tuyên truyền, phổ biến về công tác khiếu nại, tố cáo thông qua việc viết bài, đưa tin trên báo ngành về các việc làm tốt, chưa tốt trong công tác xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo để cùng trao đổi rút kinh nghiệm; Thời báo Ngân hàng mở một chuyên mục về nội dung khiếu nại, tố cáo để thông tin đến bạn đọc hiểu và thực hiện đúng pháp luật về khiếu nại, tố cáo và xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

8. Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc các Ngân hàng thương mại quốc doanh và Tổng Công ty Vàng bạc đá quý có trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Trần Minh Tuấn

(Đã ký)