Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-BYT

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH TRIỂN KHAI THANH TOÁN CHI PHÍ DỊCH VỤ Y TẾ KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT

Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán và một số dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng. Trong đó, hiện nay dịch vụ thanh toán điện tử là phổ biến trên thế giới và ở nước ta. Thanh toán điện tử là việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện chi trả các hoạt động giao dịch mua bán mà không dùng tiền mặt thông qua các hình thức như chuyển khoản, thẻ tín dụng, thẻ nội địa, ví điện tử, ứng dụng di động (mobile banking), ... đã được chứng thực và được sự bảo đảm của các ngân hàng.

Việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều lợi ích như an toàn, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian và bảo đảm công khai, minh bạch hơn thanh toán tiền mặt; đồng thời cho phép các giao dịch mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tuyến ở mọi lúc mọi nơi; cho phép người tiêu dùng giao dịch và thanh toán với thị trường toàn cầu.

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 (Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019), đến nay trong toàn ngành y tế đã có khoảng 30 bệnh viện triển khai thanh toán chi phí khám, chữa bệnh điện tử và bước đầu đạt được một số kết quả khả quan, một số bệnh viện đạt 35% số lượng giao dịch thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt, giảm quá tải khu vực xếp hàng chờ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, góp phần tăng sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên, phương thức thanh toán điện tử trong ngành y tế còn nhiều hạn chế như: Tỷ lệ các bệnh viện triển khai thanh toán chi phí khám, chữa bệnh điện tử hiện còn thấp; việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) còn gặp nhiều khó khăn; người dân chưa có thói quen thanh toán điện tử trong hầu hết các giao dịch thanh toán.

Để đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành y tế theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ và Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018), Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị:

1. Thủ trưởng các cơ sở y tế:

a) Quán triệt về ý nghĩa và lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn bộ công chức, viên chức và người lao động của đơn vị theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ và Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Khẩn trương xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực và các điều kiện để triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với điều kiện của đơn vị.

c) Chủ động phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hợp pháp để thanh toán chi phí dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn đô thị triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trước ngày 31/12/2019 theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ.

d) Triển khai nhiều giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt để người dân dễ dàng và thuận lợi thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt:

- Thanh toán bằng hình thức chuyển khoản: Công bố công khai số tài khoản, hướng dẫn nội dung chuyển tiền để người dân có thể chuyển tiền thanh toán chi phí dịch vụ y tế.

- Ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Đối với triển khai hình thức thanh toán thông qua QR Code, khi triển khai cần lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán đáp ứng theo tiêu chuẩn cơ sở TCVN 03:2018 của Ngân hàng Nhà nước ban hành và chuẩn cấu trúc thông tin QR Code y tế do Bộ Y tế quy định.

đ) Triển khai sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

e) Triển khai các phương thức truyền thông, hướng dẫn người dân về ý nghĩa và tiện ích quan trọng của thanh toán điện tử, góp phần thuyết phục người dân bỏ thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán chi phí dịch vụ y tế.

g) Định kỳ tháng 12 hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này về cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp.

2. Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng Y tế các Bộ, Ngành:

a) Chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế bằng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn đô thị phải triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt trước ngày 31/12/2019 theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ.

b) Phối hợp với Sở Tài chính (đối với Sở Y tế) để tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc tham mưu, đề xuất Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành (đối với Y tế các Bộ, Ngành) bố trí kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và bảo đảm nguồn lực triển khai các giải pháp thanh toán điện tử phù hợp.

c) Đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị tại các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý; có các hình thức khen thưởng đối với các tập thể và cá nhân thực hiện tốt Chỉ thị này.

d) Định kỳ tháng 12 hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này về Bộ Y tế để tổng hợp.

3. Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ Y tế:

a) Cục Công nghệ thông tin

- Chủ trì xây dựng các tài liệu hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về thanh toán điện tử trong y tế; hướng dẫn kết nối giữa phần mềm, cổng thanh toán của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với phần mềm quản lý bệnh viện (HIS), Website bệnh viện và cấu trúc thông tin QR Code dùng thanh toán chi phí dịch vụ y tế.

- Hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn đô thị về ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai đa dạng các giải pháp thanh toán điện tử, tạo thuận lợi cho người dân có thể thực hiện bất kỳ hình thức thanh toán điện tử hợp pháp nào.

- Phối hợp với các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ trong việc hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, tổ chức triển khai Chỉ thị này.

b) Vụ Kế hoạch - Tài chính

- Hướng dẫn các cơ sở y tế chi trả phí dịch vụ đối với thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định;

- Định kỳ tháng 12 hằng năm, tổng hợp kết quả thực hiện thanh toán điện tử trong ngành y tế, báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế.

c) Cục Quản lý Khám, chữa bệnh

Nghiên cứu, đề xuất bổ sung tiêu chí về thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt vào trong Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định.

d) Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng

- Phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị liên quan cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường truyền thông về thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành y tế.

- Phối hợp với Cục Công nghệ thông tin đề xuất Bộ trưởng Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng đối với các đơn vị, cá nhân tích cực trong triển khai thanh toán điện tử theo quy định.

- Việc triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt theo Nghị quyết của Chính phủ là một nhiệm vụ chính trị. Do vậy, từ ngày 31/12/2019 trở đi sẽ xem xét việc đề xuất các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của các cơ sở y tế trên địa bàn đô thị không triển khai bất kỳ giải pháp thanh toán chi phí khám, chữa bệnh điện tử nào.

đ) Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi, tổ chức triển khai Chỉ thị này trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các PTT Chính phủ;
- Ban Tuyên giáo trung ương;
- Ban Kinh tế trung ương;
- Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng BYT;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương;
- Các đơn vị thuộc, trực thuộc BYT;
- Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc trung ương;
- Cổng thông tin điện tử BYT;
- Lưu: VT, CNTT(02b).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Kim Tiến